Ashui.com

Friday
Dec 13th
Home Chuyên mục Kiến trúc Torre Agbar - "mạch nước xanh" của Barcelona

Torre Agbar - "mạch nước xanh" của Barcelona

Viết email In

Torre Agbar (Agbar tower - tháp Agbar) là tòa nhà chọc trời ở quảng trường Glòries Catalanes thuộc thành phố Barcelona, Tây Ban Nha. Đây là công trình do kiến trúc sư nổi tiếng người Pháp Jean Nouvel thiết kế. Công trình được xây dựng xong vào tháng 6-2005 và chính thức khánh thành ngày 16-9-2005 trong một buổi lễ do đích thân đức vua Juan Carlos đệ nhất chủ trì.


Nổi bật giữa Barcelona với hình dáng của một mạch nước phun trào, Torre Agbar là tòa nhà chọc trời cao thứ 3 của thành phố nhưng lại được bình chọn là tòa nhà đẹp nhất và ấn tượng nhất Tây Ban Nha vì thiết kế “xanh”, mang tính thân thiện với môi trường


Nhờ hiệu ứng của 4.500 đèn LED, Torre Agbar về đêm lung linh và rực rỡ sắc màu với nhiều hình thái khác nhau

Theo kiến trúc sư Nouvel, hình dáng của Torre Agbar được lấy cảm hứng từ các ngọn núi của dãy Montserrat bao quanh Barcelona, đồng thời trông giống một mạch nước phun lên không trung (tên Agbar được lấy từ Grupo Agbar, công ty nước của Barcelona). Vì hình dáng đặc biệt này mà tòa nhà còn có biệt hiệu khác là "l'obús" (con nhộng).

Torre Agbar có diện tích sàn là 30.000m², chiều cao tổng cộng 144,44m. Đây là tòa nhà cao thứ 3 của thành phố Barcelona (sau khách sạn Arts và Torre Mapfre, đều cao 154m) với tổng kinh phí xây dựng lên đến 130 triệu USD.


Tận dụng ánh sáng thiên nhiên và hạn chế sử dụng năng lượng điện bằng các ô cửa sổ, một phương pháp giảm thiểu việc lạm dụng năng lượng / Hệ thống đèn ốp trần chỉ chiếu sáng lối đi và khu vực thang máy, những khoảng không khác lấy ánh sáng bằng cách tận dụng ánh sáng ban ngày và dàn đèn LED ban đêm

Cấu trúc bên ngoài của tòa nhà 38 tầng lầu (4 tầng ngầm) này gồm 2 lớp: lớp ngoài được bao phủ bởi 59.619 tấm kính trong và mờ để chắn nắng, trong số đó có các tấm mang quang điện nhằm tạo điện năng cho tòa nhà. Lớp bên trong là kết cấu bêtông cốt thép với với hơn 4.500 ô cửa sổ. Những khung cửa sổ này được thiết kế với công năng làm tăng tối đa sự lưu thông gió tự nhiên và giảm điện năng tiêu thụ bằng cách sử dụng ánh sáng mặt trời. Đây được xem là tòa nhà chọc trời có cửa sổ và kính chắn nhiều nhất thế giới.


Các tấm kính chắn trong và mờ để chắn nắng, trong số đó có các tấm quang điện tạo điện năng cho tòa nhà kèm hệ thống cảm biến nhiệt cho phép thay đổi sự đóng mở của các tấm kính, qua đó tiết kiệm được năng lượng sử dụng cho hệ thống điều hòa

Torre Agbar nhận được giải thưởng thiết kế xuất sắc nhất châu Âu và thế giới năm 2006 do ULI (Urban Land Institute) trao tặng. Phần thưởng được công nhận vì đóng góp quan trọng của công trình cho diện mạo thành phố Barcelona, cách sử dụng diện tích đất hiệu quả, tính nhạy bén với môi trường và xã hội, cũng như thành công về kinh tế và tài chính mà công trình đạt được.

Ngoài ra, còn một giải thưởng khác cũng quan trọng không kém, đó là Giải thưởng nhà cao tầng quốc tế (International Highrise Award) năm 2006 - giải thưởng do thành phố Frankfurt (Đức) phối hợp với Bảo tàng Kiến trúc Đức và Ngân hàng Deka-Bank thành lập năm 2004 nhằm khích lệ các kiến trúc sư thiết kế những tòa nhà chọc trời có thể tạo ra những chuẩn mực cho tương lai. 


Vòm mái là trần treo với lớp kim loại mạ kẽm cách âm, vừa hấp thu ánh sáng tốt vừa giải nhiệt

Hơn thế, điểm độc đáo nhất của Torre Agbar chính là hệ thống chiếu sáng về đêm bao gồm 4.500 đèn LED được điều khiển bởi hệ thống máy tính tự động, cho phép chiếu sáng với hơn 40 màu sắc bằng nhiều hình thù khác nhau. Tòa nhà còn có hệ thống cảm biến nhiệt cho phép thay đổi sự đóng mở của các tấm kính, qua đó tiết kiệm được năng lượng sử dụng cho hệ thống điều hòa. Các mái che được tính toán và lắp đặt ở các góc độ khác nhau làm chệch hướng đi của ánh sáng chiếu trực tiếp vào tòa nhà.

Torre Agbar là một công trình kiến trúc sinh khí hậu, có thể thích nghi với khí hậu, giảm thiểu sự ô nhiễm môi trường, “nhạy cảm” với sự thay đổi thời tiết. Loại hình kiến trúc hiện đại này sử dụng thời tiết và điều kiện xung quanh nhằm giảm bớt năng lượng tiêu thụ và đề cao sức ảnh hưởng của môi trường cho cả tòa nhà. Sự điều chỉnh luồng không khí và sự thông gió tự nhiên được nhân lên nhờ vào mái vòm hai lớp kính. Chính điều này đã làm giảm nhiệt độ của tòa nhà do khối không khí hình thành giữa hai lớp vỏ bên ngoài.

Không chỉ vậy, lộ trình thang máy còn được tối ưu hóa bởi hệ thống máy tính thông minh với mục đích hạn chế lượng điện năng tiêu thụ không cần thiết.


Với hơn 4.500 khung cửa sổ, đây được xem là công trình có nhiều cửa sổ nhất trên thế giới 

Năng lượng thu được từ tia bức xạ mặt trời đạt được với tỉ lệ lên đến 25,11%. Những nguyên vật liệu chứa formaldehyde, amiăng hoặc chì, đặc biệt là những chất gây hại, đều bị tránh không sử dụng để thi công công trình. Toàn bộ kính bao bọc bên ngoài tòa nhà đều là kính giải nhiệt không chứa CFC (chlorofluorocarbon) - chất được dùng trong kỹ nghệ lạnh, vốn bị xem là một tác nhân gây hư tổn đến tầng ozone.


Tòa nhà có 2 lớp vỏ, bên ngoài là lớp kính giải nhiệt không chứa CFC và lớp bêtông cốt thép bên trong với những khung cửa sổ được thiết kế với công năng làm tăng tối đa sự lưu thông gió tự nhiên và giảm điện năng tiêu thụ bằng cách sử dụng ánh sáng mặt trời.

Bên trong tòa cao ốc Torre Agbar là trần treo với lớp kim loại mạ kẽm cách âm. Hệ thống đèn được ốp vào trần nhà và ánh sáng chỉ tỏa xuống các lối đi và thang máy, những khu vực còn lại thì tận dụng nguồn ánh sáng thiên nhiên. Không gian được tận dụng một cách hiệu quả với những khoảng không mở, do không có cột trụ nào được xây dựng bên trong tòa nhà. Thiết kế bên trong của Torre Agbar được đồng bộ hóa với cấu trúc và màu sắc bên ngoài.

Tower height: 142 meters
Total area: 47.500 square meters
Completed: July 2005

Client:
Aigues de Barcelona /
Sociedad General de Aguas de Barcelona SA

Architect: Ateliers Jean Nouvel
Associate architects:
b720 Arquitectura
Garcia-Ventosa Arquitectura
Leopoldo Rodes Arquitecto

Project architects:
Jean Pierre Bouanha
Cristiano Benzoni

Project team:
Florence Rabiet
Alexa Plasencia
Emmanuelle Lapointe
Cristina Algas
Julie Fernandez
Francisco Martinez
Pascaline Paris
Elisabeth Farres

Contractor:
Master SA Ingenieria i Arquitectura
Antoni Eixarch
Oriol Gimenez
Jesus Mendoza

Engineers:
Brufau/Obiol SA
Gepro

Acoustics:
Estudi Acustic
Higini Arau
Lighting: Yann Kersalé 

BẠCH NGỌC (tổng hợp từ Arcspace, Structurae và Wikipedia)

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo