Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Chuyên mục Bất động sản Giải cứu thị trường bất động sản bằng giải pháp tài chính

Giải cứu thị trường bất động sản bằng giải pháp tài chính

Viết email In

Các giải pháp tài chính như giảm và dãn thuế từ ngày 1/1/2014 (có thể được triển khai trước từ 6 tháng cuối năm 2013), cho phép doanh nghiệp nộp tiền sử dụng đất theo tiến độ bán hàng đã được Bộ Tài chính đưa vào đề án giải cứu thị trường bất động sản. 

Bộ Tài chính sẽ sớm báo cáo với Thủ tướng trong vài ngày tới.

Đó là thông tin được chính Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho biết trong buổi tọa đàm với các doanh nghiệp (DN) bất động sản (BĐS) ở phía nam cuối tuần qua. Bộ trưởng cho biết, sẽ chủ động trong giải quyết vướng mắc của DN. Bộ đã và đang nghiên cứu, tổng hợp tất cả ý kiến để trình lên Chính phủ hình thành nghị quyết rõ ràng, cụ thể nhằm tháo gỡ tình hình đình trệ cho thị trường BĐS. 

Về chính sách thuế, bộ đã trình phương án thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) từ 25% xuống 23%, trong đó DN quy mô nhỏ dưới 200 lao động, doanh thu dưới 20 tỉ đồng thì thuế TNDN sẽ giảm xuống còn 20%. Ngoài ra, bộ cũng sẽ trình phương án dãn thuế GTGT trong 6 tháng cho DN, đặc biệt DN BĐS sẽ được giảm nhiều hơn. Các chính sách thuế này dự kiến áp dụng từ tháng 1.2014, nhưng bộ sẽ đề xuất với Quốc hội trong kỳ họp tháng 5.2013 cho phép áp dụng sớm, có thể là 6 tháng cuối năm 2013. 

Bên cạnh đó, các giải pháp như Nhà nước mua dự án của DN để làm nhà tái định cư, cho phép DN nộp tiền sử dụng đất theo tiến độ bán hàng đã được bộ đưa vào đề án giải cứu thị trường BĐS và sẽ sớm báo cáo với Thủ tướng trong vài ngày tới. Ông nói thêm, những khúc mắc trong các vấn đề khác liên quan đến các bộ, ngành có mặt tại tọa đàm sẽ phối hợp với UBND TPHCM để trình lên Quốc hội tìm hướng giải quyết.

Tuy nhiên, Bộ trưởng vẫn có một hoài nghi về con số dư nợ BĐS. “Dư nợ cho vay BĐS trên 66.000 tỉ đồng, trong khi tồn kho 30.000 tỉ đồng thì số tiền kia chạy đi đâu? Chưa kể vốn chủ sở hữu, nhà đầu tư còn bỏ tiền ra nữa! Theo tôi biết, hiện nay DN có vốn chủ sở hữu 30%, đi vay 70%, sau 2 năm làm bán không được nhà coi như mất hết. 66.000 tỉ đồng vốn vay, cộng vốn chủ sở hữu nữa, phải trên 100.000 tỉ đồng, như vậy nói tồn kho 30.000 tỉ đồng thì 70.000 tỉ đồng chạy đi đâu? Số liệu này có chính xác hay không? Nếu nợ xấu chỉ có 4.145 tỉ đồng là không đáng lo vì quá nhỏ; do đó cần xác định chính xác, nếu không đánh giá đúng thì khó “bắt bệnh” được” - Bộ trưởng nhận xét.

Quan điểm cá nhân, Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho rằng muốn ''phá băng'' thị trường BĐS, trước khi để ''băng'' rã thì thị trường phải ''ấm''. ''Rã băng'' BĐS phải bằng một giải pháp tổng thể như minh bạch từ giá bán, tạo niềm tin để giúp thị trường BĐS ''ấm'' lên... Tuy khó, nhưng cách làm có thể là kích thích ''ấm'' từng phân khúc, từng khu vực của thị trường.

Về phía địa phương, trong một tài liệu UBND TPHCM đang lấy ý kiến để giải cứu thị trường BĐS có nhiều giải pháp mới: Đó là cho DN chia nhỏ căn hộ phù hợp nhu cầu thị trường; gia hạn nộp tiền sử dụng đất thời gian thấp nhất 12 tháng. Một giải pháp khác, thí điểm cho DN kinh doanh BĐS được nộp thuế TNDN và tiền sử dụng đất bằng quỹ nhà (căn hộ) đối với dự án đã hoàn thành.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS - cho rằng, việc cho DN nộp thuế TNDN và tiền sử dụng đất bằng căn hộ tồn kho là hợp lý. “Điều này không trái Luật Quản lý thuế, vì TP có Cty quản lý và kinh doanh nhà nên tiền thuế DN nộp bằng quỹ nhà, TP có thể dùng được”.

Mặt khác, trong 10 điểm đề xuất của Hiệp hội BĐS TPHCM, đáng chú ý là Chính phủ, các bộ có giải pháp tổng thể để làm giảm giá BĐS, bởi vì giá hiện nay cao hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực.

7 nguyên nhân gây nên giá BĐS bất hợp lý là: Chi phí GPMB cao, nộp tiền sử dụng đất cao, chi phí vốn cao, xây dựng - nguyên vật liệu cao, thuế và phí cao, DN phải đầu tư toàn bộ hạ tầng, thủ tục hành chính kéo dài.  

Bảo Chương - ảnh: Bình An 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo