Ashui.com

Friday
Apr 19th
Home Chuyên mục Bất động sản Thị trường nhà đất phải được điều tiết phục vụ cho số đông người dân

Thị trường nhà đất phải được điều tiết phục vụ cho số đông người dân

Viết email In

TPHCM cần tăng số lượng nhà ở xã hội giá rẻ, phù hợp số đông. Trong lúc chờ các dự án lớn, cơ quan chức năng hãy chủ động tạo ra thêm nhà ở xã hội đa dạng diện tích tại nhiều địa điểm lớn, nhỏ khác nhau kèm theo chính sách ưu đãi lãi suất cho người vay mua nhà trả góp.  


Một khu nhà ở cho công nhân ở Bình Dương.
(Ảnh: H.P)

Xây dựng nhà ở xã hội ngoài việc là một chủ trương đúng đắn, ý nghĩa và thiết thực với thành phố còn nhằm thu hút, chăm lo và giữ chân lao động nhằm duy trì sản xuất sau đại dịch. Không có gì tốt hơn là chính quyền đồng hành cùng người dân, đáp ứng nhu cầu an cư vững bền đồng nghĩa góp phần nâng cao chất lượng sống tốt.

Phấn đấu để cho người dân lao động ai cũng có nhà là mục tiêu quan trọng của lãnh đạo TPHCM. Vì vậy, không thể cứ mãi đầu tư, dồn sức chạy theo nhà ở thương mại. Thị trường nhà đất phải được điều tiết phục vụ cho số đông người dân.

Gần 3 năm trước, cơ quan chức năng cho biết theo thống kê TPHCM có khoảng 9 triệu người nhưng thực tế có hơn 13 triệu người đang sinh sống, làm việc. Tốc độ gia tăng dân số nhanh, bình quân mỗi năm gia tăng khoảng 200.000 người.

Nhà ở xã hội dành cho công nhân, lao động thu nhập thấp là vấn đề được báo chí nêu lên từ lâu, chính quyền cũng nhiều lần mời gọi đầu tư tham gia các dự án nhà ở xã hội nhưng sự “chuyển mình” còn khá chậm, thiếu rất nhiều so với nhu cầu nhà thật.

Trong 5 năm (2016-2020), thành phố chỉ phát triển được gần 15.000 căn nhà xã hội, trung bình 3.000 căn nhà/năm, đáp ứng cho khoảng 12.000 hộ gia đình. Đến năm 2020, cũng chỉ có khoảng 18.000 căn nhà ở xã hội, chưa đạt mục tiêu đã đặt ra là 20.000 căn.

Thời gian qua, thông tin trên báo chí cho biết một số doanh nghiệp bất động sản cũng muốn “bắt tay” nhau đưa ra thị trường loại hình nhà ở được cho là vừa túi tiền có giá khoảng 20 triệu đồng/m2. Như vậy, một căn hộ 50m2, giá bán cũng lên đến 1 tỉ đồng. Mức giá này không phải người lao động nào cũng có thể mua nhà ở.

Trở ngại phát triển nhà ở xã hội, ngoài thủ tục kéo dài có lẽ còn liên quan đến quỹ đất, kinh phí đầu tư. Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư thay vì dành một phần diện tích xây dựng làm nhà ở xã hội theo quy định thì tìm cách “lách” chính sách để trả tiền thay cho nghĩa vụ này vì không muốn nhà ở xã hội trong dự án thương mại, hơn nữa bán nhà ở thương mại giá cũng sẽ cao hơn. Thành ra, thời gian qua xuất hiện nhiều nhà ở theo hướng cao cấp và kinh doanh thương mại đắt đỏ trong khi thiếu nhà ở xã hội.

Người viết đã tham khảo nhiều dự án bất động sản, thấy rằng mức giá bán nhà ở thương mại quá cao so với thu nhập số đông người dân có nhu cầu thực sự. Như các dự án chung cư ở phường Trường Thọ, thành phố Thủ Đức mở bán vào năm 2015 với giá tầm 16 triệu đồng/m2, căn hộ 50m2 khoảng 800 triệu đồng. Giá tăng lên 25-28 triệu đồng/m2 năm 2019 rồi 30 – 35 triệu đồng/m2 năm 2020 và hiện tại hơn 40 triệu đồng/m2.

Các dự án chung cư phường Tam Bình, Linh Đông, Hiệp Bình Chánh thuộc TP.Thủ Đức được mở bán với giá đặt cọc hơn 42 triệu đồng/m2. Mua một căn hộ khu vực này giá cũng tầm 2 tỉ đồng. Các dự án nhà ở nơi khác cũng tăng giá tương tự.

Hãy ưu tiên phát triển nhà ở xã hội, quy hoạch đáp ứng nhu cầu dân số ngày càng cao, tăng số lượng và kinh phí đầu tư, giá rẻ phù hợp số đông người lao động.

Đó có thể là loại hình nhà ở có diện tích đa dạng, bán với giá từ 300 – 800 triệu đồng. Thực tế lương người lao động 5 – 10 triệu/tháng thì khó có thể sở hữu nhà trên 1 tỉ đồng, chưa kể hàng ngày còn lo toang cuộc sống sinh hoạt cho gia đình.

Chẳng hạn gia đình công nhân gần nơi tôi cư trú, cả 2 vợ chồng làm tăng ca nhận lương khoảng 16 triệu/tháng nhưng trang trải chi phí phòng trọ, điện nước, ăn uống, gởi trẻ, mua sữa cho con… chỉ còn lại chưa tới 2 triệu đồng. Như vậy, mỗi năm tích lũy chưa tới 24 triệu, nếu mua nhà xã hội khoảng 1 tỉ đồng dù được vay 70% chưa tính phần lãi và trả nợ gốc thì số tiền 30% vốn phải có tích lũy ít nhất là 14 năm.

Mô hình nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ ở tỉnh Bình Dương rất đáng tham khảo. Giữa tháng 3-2022, Tổng công ty Becamex IDC đã khởi động xây dựng hàng loạt dự án nhà ở xã hội tại những khu vực đông công nhân, người lao động như thị xã Bến Cát, thị xã Tân Uyên, huyện Bàu Bàng…

Dự kiến từ nay đến 2023, Becamex IDC sẽ đầu tư khoảng 9.500 tỉ đồng để xây dựng khoảng 20.000 căn nhà ở xã hội. Giá bán mỗi căn hộ giai đoạn này dao động 120-280 triệu đồng/căn, loại cao cấp hơn 200 – 500 triệu đồng/căn. Người lao động có thể thuê với giá 750.000 đồng/căn/tháng. Các năm trước, tỉnh này đã làm nhiều dự án nhà ở xã hội.

TPHCM cần tăng số lượng nhà ở xã hội có giá bán phù hợp với số đông. Trong lúc chờ các dự án lớn có diện tích trên 10 ha trích ra 20% diện tích đất làm nhà ở xã hội, cơ quan chức năng hãy chủ động tạo ra thêm nhà ở xã hội đa dạng diện tích tại nhiều địa điểm lớn, nhỏ khác nhau có chính sách ưu đãi lãi suất và kết nối ngân hàng cho người vay mua nhà trả góp.

Các dự án này kể cả dù cho người thu nhập thấp, người nghèo cũng đều phải cân nhắc lồng ghép đi kèm những giá trị kết nối cộng đồng và có hạ tầng trường học, bệnh viện, chợ để tạo nên khu dân cư bền vững, lâu dài. Về quỹ đất xây dựng, vùng ven có phần lớn là đất nông nghiệp. Nên chăng rà soát chuyển mục đích sử dụng tạo quỹ đất sạch quy hoạch lại hạ tầng cơ sở xây dựng.

Như huyện Bình Chánh mỗi năm trên địa bàn tăng hơn 30.000 người, có quỹ đất khá lớn có thể cho phép điều chỉnh quy hoạch, chuyển mục đích sử dụng sang đất ở để cấp phép xây dựng nhà ở xã hội. Hay huyện Củ Chi có vùng đất rộng lớn đầy tiềm năng, diện tích gần 500 km2 gần bằng 1/4 tổng diện tích thành phố (2.100 km2).

Xây dựng quy trình thực hiện với thủ tục được tinh gọn, công khai, minh bạch trên tinh thần hỗ trợ tối đa cho nhà đầu tư sớm triển khai dự án và hoàn thành đưa vào sử dụng.

Nếu dự án khả thi, chính sách ưu đãi thật sự, có sẵn quỹ đất, lộ trình thực hiện nhanh, biên độ lợi nhuận phù hợp đưa lên mạng đấu thầu quốc gia hẳn sẽ có nhiều nhà đầu tư tham gia sẵn sàn chấp nhận lợi nhuận thấp hơn vì đóng góp cho xã hội.

Ngoài ra, xem xét lại quy hoạch khu công nghiệp, khu chế xuất dành phần đất xây nhà ở cho công nhân, người lao động vừa thuận lợi đi lại, tổ chức giao thông. Khuyến khích, hỗ trợ cho các dự án thương mại đang “ế ẩm” chuyển sang nhà ở xã hội.

Cần điểu chỉnh quy định để buộc nhà đầu tư các dự án thương mại phải bố trí 20% diện tích cho nhà ở xã hội, không được quy đổi ra tiền nộp thay cho nghĩa vụ này. TPHCM hiện còn tồn đọng hàng chục ngàn căn hộ bỏ trống, không có người ở lại càng nhanh xuống cấp và tốn kém chi phí bảo trì có thể xem xét tận dụng làm nhà ở xã hội để bán, cho thuê dài hạn.

Tạo nguồn vốn dài hạn, ổn định hỗ trợ trực tiếp cho người thu nhập thấp mua nhà. Quỹ phát triển nhà thành phố hiện chỉ cho công chức, người hưởng lương ngân sách được vay ưu đãi để mua nhà ở. Nếu áp dụng thêm cho người thu nhập thấp, công nhân thì cơ hội sở hữu càng cao.

Tuy thu nhập thấp nhưng ổn định có việc làm, hợp đồng lao động không thời hạn với doanh nghiệp có thể đủ điều kiện mua nhà trả góp. Nếu được vay với lãi suất ưu đãi thì cũng đủ đóng trước vài chục phần trăm, số tiền còn lại trả dần trong thời gian dài thì chi phí trả góp hằng tháng chỉ nhỉnh hơn tiền thuê phòng trọ một chút nhưng đổi lại người lao động có nhà ở, “an cư lạc nghiệp”.

TPHCM đặt mục tiêu chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021 – 2030, phát triển 1 triệu căn nhà ở, trong đó có 93.000 căn nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân. Theo kế hoạch này, thành phố sẽ xây dựng thêm khoảng 107,5 triệu m2 nhà ở, bình quân diện tích nhà ở đạt 26,5 m2/người. Cần khoảng 5.239 ha đất để thực hiện, nguồn vốn đến năm 2025 gần 567.000 tỉ đồng và năm 2030 là 956.900 tỉ đồng, trong đó nguồn vốn dành cho nhà ở xã hội là 12.410 tỉ đồng. Như vậy, số lượng nhà ở xã hội và kinh phí xây dựng chỉ chiếm khoảng 10% trong chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021 – 2030. Trong 93.000 căn nhà ở xã hội, có 70.000 căn phụ thuộc 33-34 dự án thương mại có diện tích trên 10 ha nhưng hiện chỉ mới có 13 dự án thực hiện giải phóng mặt bằng.

Trần Văn Tường

(KTSG Online)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo