Ashui.com

Tuesday
Mar 19th
Home Chuyên mục Bất động sản Bất động sản sẽ chiếm 22% GDP trong 10 năm tới?

Bất động sản sẽ chiếm 22% GDP trong 10 năm tới?

Viết email In

Đây là nội dung chủ cơ bản của báo cáo nghiên cứu khoa học được Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNRea) công bố mới đây. Theo đó, trong 10 năm tới tỷ trọng bất động sản trong nền kinh tế sẽ tăng lên gần 9 lần và sẽ chiếm 22% GDP.

Mới đây, VNRea đã công bố Đề tài khoa học “Bất động sản trong nền kinh tế Việt Nam - Vai trò và khuyến nghị chính sách”. Theo đó, đề tài đã lượng hóa quy mô tài sản bất động sản của Việt Nam giai đoạn 2020 - 2030 với tỷ trọng bất động sản sẽ tăng từ 205,26 tỉ đô la (khoảng 4,7 triệu tỉ đồng) lên 1.232,29 tỉ đô la (khoảng 28 triệu tỉ đồng).


(Ảnh minh họa: Dịu Nguyễn)

Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch VNRea, thị trường bất động sản có vai trò quan trọng bậc nhất đối với nền kinh tế của mỗi quốc gia. Ở các nước phát triển, yêu cầu và định hướng khơi thông những nguồn lực tiềm năng và bền vững của thị trường bất động sản là một ưu tiên chính sách.

Chính vì thế, tỷ trọng bất động sản trong tổng số của cải xã hội ở các nước phát triển thường chiếm ít nhất trên 35% tổng tài sản vật chất của mỗi nước.

Ông Hà cho rằng, các hoạt động trên thị trường bất động sản chiếm gần 30% tổng hoạt động của nền kinh tế.

“Kinh nghiệm cho thấy, chỉ khi Chính phủ quan tâm đúng mức và có đánh giá chính xác về vai trò của thị trường bất động sản trong nền kinh tế thì thị trường bất động sản mới phát triển nhanh và bền vững, có đóng góp đáng kể cho sự phát triển của quốc gia, không chỉ dưới phương diện GDP và tài sản quốc gia, mà còn là tác động lan tỏa đến những ngành kinh tế chủ đạo khác và giải quyết vấn đề việc làm, an sinh xã hội…”, Phó Chủ tịch VNRea cho biết.

Cụ thể, báo cáo đã lượng hóa quy mô tài sản bất động sản của Việt Nam giai đoạn 2020 - 2030. Theo đó, năm 2020, tỷ trọng bất động sản/tổng tài sản toàn nền kinh tế chiếm 20,8% (205,26 tỉ đô la/986,82 tỉ đô la); năm 2025 là 21,2% (462,7 tỉ đô la/2.183,09 tỉ đô la) và đến năm 2030 là 22% (1.232,29 tỉ đô la/5.601,31 tỉ đô la).

Dự báo về giá trị tăng thêm của ngành bất động sản năm 2020 ước đạt 484,9 ngàn tỉ đồng, chiếm 7,7 % GDP. Đến năm 2025, giá trị ước đạt 1.249,8 ngàn tỉ đồng, chiếm 9,72% GDP. Cuối cùng là năm 2030, giá trị ước đạt 3.428,7 ngàn tỉ đồng, chiếm 13,6% GDP.

Đề tài này cũng cho biết, khi nhu cầu sử dụng cuối cùng của ngành bất động sản mở rộng tăng 1 tỉ đồng sẽ kích thích giá trị sản xuất của các ngành còn lại là 0,772 tỉ đồng và lan tỏa tới giá trị tăng thêm là 0,191 tỉ đồng; ngành kinh doanh bất động sản tăng 1 tỉ đồng cho nhu cầu cuối cùng sẽ kích thích lan tỏa đến giá trị sản xuất 0,402 tỉ đồng và 0,12 tỉ đồng đến giá trị tăng thêm.

Trường hợp giá trị sản xuất của nhóm ngành bất động sản thay đổi giảm 10%, GDP sẽ giảm 1,24%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chịu ảnh hưởng mạnh nhất, giảm tới 0,86%, tiếp theo đó là các ngành: nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản giảm 0,36%; du lịch giảm 0,35%; dịch vụ khác giảm 0,35%; ngành chịu ảnh hưởng giảm thấp nhất là Công nghiệp khai thác giảm 0,2%…


(Nguồn: VNRea)

Ngoài ra, Đề tài khoa học của VNRea còn phối hợp với nhiều chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế, bất động sản, tài chính - ngân hàng, quy hoạch và pháp lý; nhằm đưa ra những dữ liệu khoa học, thực tiễn phục vụ cho hoạt động quản lý Nhà nước và sự tham gia thị trường bất động sản của các tổ chức, cá nhân liên quan. Trong đó, Hiệp hội cũng đề xuất 5 nhóm giải pháp cần thực hiện ngay gồm hoàn thiện thể chế và thủ tục hành chính; tín dụng; thuế; bảo hiểm xã hội; tiền ký quỹ dự án đầu tư.

Theo ông Đỗ Viết Chiến, Tổng thư ký VnREA, khi thị trường bất động sản rơi vào khủng hoảng, nền kinh tế cũng có nguy cơ rơi vào khủng hoảng. Trên thực tế, khủng hoảng của nền kinh tế thường xuất phát từ khủng hoảng của thị trường bất động sản. Và ngược lại, khi lĩnh vực này phục hồi, chính là dấu hiệu phục hồi và tăng trưởng nền kinh tế như kinh nghiệm từ Mỹ và Thái Lan.

Trên cơ sở lý luận của Đề tài này, VNRea cũng đã gửi kiến nghị kèm toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu đến Chính phủ, cùng một số Bộ ngành khác, nhằm cung cấp tư liệu, thông tin, góc nhìn khoa học cho việc xây dựng chiến lược quốc gia tầm nhìn dài hạn. Từ đó, có chính sách cụ thể được thể chế hóa nhằm thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển minh bạch, lành mạnh và ổn định dài hạn.

“Trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa, hướng đến tầm nhìn 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển thịnh vượng, có thu nhập cao thì việc phát triển thị trường bất động sản hoàn toàn phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế của quốc gia. Trong đó, việc coi du lịch, công nghiệp chế biến chế tạo là những mũi nhọn và chú trọng nâng cao chất lượng, năng suất ngành nông nghiệp thông qua công nghệ cao và sản xuất quy mô lớn. Đây chính là điều kiện, mục tiêu và phương thức để bất động sản nông nghiệp phát triển”, ông Hà khẳng định.

Việt Dũng

(TBKTSG)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo