Vai trò của thị trường bất động sản cần được đánh giá đúng

Thứ tư, 06 Tháng 1 2021 10:45 Thời báo Kinh tế Sài Gòn
In

Chỉ khi thị trường bất động sản được Chính phủ quan tâm đúng mức và có đánh giá chính xác về vai trò của nó trong nền kinh tế thì thị trường này mới có thể phát triển nhanh và bền vững, từ đó đóng góp vào sự phát triển của quốc gia, theo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA).

Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã đưa ra thông điệp nêu trên vào tại buổi tọa đàm công bố kết quả nghiên cứu đề tài khoa học: "Bất động sản trong nền kinh tế Việt Nam - vai trò và khuyến nghị chính sách" diễn ra chiều ngày 5/1 tại Hà Nội. Đề tài do Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam và VNREA thực hiện.


Một cuộc nghiên cứu cho thấy bất động sản đóng góp thông qua khả năng lan tỏa đến trên 40 ngành kinh tế quan trọng khác của nền kinh tế Việt Nam.
(Ảnh minh họa: TTXVN)

Đóng góp vào GDP năm 2019 là 7,62%

Tại tọa đàm, ông Nguyễn Thành Công, Thư ký khoa học đề tài đã trình bày nội dung tóm tắt kết quả đề tài nghiên cứu khoa học "Bất động sản trong nền kinh tế Việt Nam - vai trò và khuyến nghị chính sách". Theo đó, sự đóng góp của thị trường bất động sản trong GDP năm 2019 là 7,62%, cao hơn mức 4,51% do Tổng cục Thống kê Việt Nam công bố. Nếu tính thêm nhân tố vốn là đất, đóng góp của bất động sản chiếm tới 13,6% GDP của Việt Nam vào năm 2019.

“Đây là một công trình nghiên cứu rất sâu về thị trường bất động sản. Đề tài giúp khẳng định vai trò quan trọng của thị trường bất động sản: một thị trường nền tảng. Giá trị gia tăng trên một lao động trong ngành bất động sản có xu hướng tăng. Thị trường này tiềm ẩn khả năng tạo ra việc làm và giá trị gia tăng là rất lớn."

Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia.

“Ước tính tỷ trọng bất động sản đóng góp vào tổng giá trị tăng thêm của khu vực doanh nghiệp giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 14,88%. Qua đó có thể thấy, định giá bất động sản và luồng tiền giữa ngân hàng và bất động sản chính là huyết mạch của nền kinh tế”, ông Nguyễn Thành Công chia sẻ.

Kết quả nghiên cứu cho thấy bất động sản đóng góp thông qua khả năng lan tỏa đến trên 40 ngành kinh tế quan trọng khác của nền kinh tế Việt Nam, nhất là những ngành liên quan trực tiếp như xây dựng, công nghiệp chế biến chế tạo, du lịch, lưu trú - ăn uống và tài chính - ngân hàng...

“Đề tài đã chỉ ra rằng, khi nhu cầu sử dụng cuối cùng của ngành bất động sản mở rộng tăng 1 tỉ đồng sẽ kích thích giá trị sản xuất của các ngành còn lại là 0,772 tỉ đồng và lan tỏa tới giá trị tăng thêm là 0,191 tỉ đồng; ngành kinh doanh bất động sản tăng một tỉ đồng cho nhu cầu cuối cùng sẽ kích thích lan tỏa đến giá trị sản xuất 0,402 tỉ đồng và 0,12 tỉ đồng đến giá trị tăng thêm”, ông Công dẫn chứng.

Ngành bất động sản tăng trưởng không chỉ có lợi cho chính nó mà còn tạo ra hiệu ứng lan tỏa tới nền kinh tế quốc gia. Trường hợp giá trị sản xuất của nhóm ngành bất động sản thay đổi giảm 10% thì GDP sẽ giảm 1,247%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chịu ảnh hưởng mạnh nhất, giảm tới 0,861%, tiếp theo đó là các ngành: nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (giảm 0,366%); du lịch (giảm 0,352%); dịch vụ khác (giảm 0,348%)…

Về vai trò của ngành bất động sản đối với việc thu hút, gia tăng lao động, nếu xét theo mức độ tăng của giá trị tăng thêm (VA) tương ứng với việc thu hút thêm được một lao động, thì đứng thứ nhất là ngành bất động sản xây nhà để bán, thứ hai là bất động sản công nghiệp, thứ ba là bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng...

Khi so sánh sức hút đối với lao động theo giá trị tăng thêm của một số ngành kinh tế giai đoạn 2010 - 2019, báo cáo cho thấy bất động sản xếp sau các ngành: du lịch, dịch vụ khác và công nghiệp chế biến, chế tạo và xếp trên các ngành: nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp khai thác...

Đề tài nghiên cứu đã lượng hóa quy mô tài sản bất động sản của Việt Nam giai đoạn 2020 - 2030. Theo đó, năm 2020, tỉ trọng bất động sản/tổng tài sản toàn nền kinh tế chiếm 20,8% (205,26 tỉ đô la Mỹ/986,82 tỉ đô la Mỹ); năm 2025 là 21,2% (462,7 tỉ đô la Mỹ/2183,09 tỉ đô la Mỹ) và đến năm 2030 là 22,0% (1232,29 tỉ đô la Mỹ / 5601,31 tỉ đô la Mỹ).

Năm 2020, giá trị tăng thêm của các ngành bất động sản ước đạt 484.900 tỉ đồng (20,89 tỉ đô la Mỹ), chiếm 7,70 % GDP; năm 2025 ước đạt 1.249.800 tỉ đồng (53,84 tỉ đô la Mỹ), chiếm 9,72% GDP; năm 2030 ước đạt 3.428.700 tỉ đồng (147,71 tỉ đô la Mỹ), chiếm 13,6% GDP.


Các chuyên gia, ban tổ chức tại lễ công bố đề tài khoa học "Bất động sản trong nền kinh tế Việt Nam - vai trò và khuyến nghị chính sách". (Ảnh: Vân Ly)

Cần có nghiên cứu khoa học về bất động sản

Ông Đỗ Viết Chiến, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cho rằng những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 khiến thị trường bất động sản Việt Nam đang phải đối diện với vô số khó khăn, trong đó có cả yếu tố chủ quan và khách quan. Nếu thị trường bất động sản không được hỗ trợ kịp thời, không có sự điều tiết và quản lý khoa học, sẽ dẫn tới sự đổ vỡ dây chuyền và có thể để lại những hệ lụy xấu cho cả nền kinh tế.

"Điểm nổi bật của đề tài này là đưa ra được chỉ số lan tỏa tới nền kinh tế nói chung mà còn lan tỏa tới giá trị gia tăng, lan tỏa đến nhập khẩu. Kết quả của đề tài nghiên cứu khoa học nêu ra cho thấy bất động sản là một ngành có độ lan tỏa tới giá trị gia tăng cao, độ lan tỏa tới nhập khẩu thấp, lan tỏa về hiệu ứng nhà kính thấp."

Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh

Theo ông Chiến, việc nghiên cứu sự biến động của thị trường bất động sản và ảnh hưởng của lĩnh vực bất động sản đến nền kinh tế để đề ra định hướng, giải pháp tăng cường, phát huy vai trò của thị trường bất động sản là điều cần thiết. Do đó, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam thực hiện nghiên cứu đề tài khoa học: “Bất động sản trong nền kinh tế Việt Nam - Vai trò và khuyến nghị chính sách” nhằm đưa ra những dữ liệu khoa học, thực tiễn phục vụ cho hoạt động quản lý Nhà nước và sự tham gia thị trường bất động sản của các tổ chức, cá nhân liên quan.

Đại diện VNREA cho hay đề tài được thực hiện nhằm hệ thống hóa những vấn đề lý luận về bất động sản và vai trò của thị trường bất động sản trong nền kinh tế Việt Nam để làm cơ sở hoạch định chính sách và điều tiết thị trường. Trong đó, có phân tích thực trạng vai trò của thị trường bất động sản đối với nền kinh tế Việt Nam và những vấn đề đặt ra (đóng góp vào phát triển kinh tế và gia tăng tài sản quốc gia; đóng góp thông qua khả năng lan tỏa đến các ngành kinh tế quan trọng khác của nền kinh tế, nhất là những ngành liên quan trực tiếp như xây dựng, công nghiệp chế biến chế tạo, du lịch, lưu trú - ăn uống và tài chính - ngân hàng, vật liệu xây dựng, trang thiết bị nội ngoại thất....; vai trò của ngành bất động sản đối với việc thu hút, gia tăng lao động; phát triển nhà ở và quá trình đô thị hóa; lượng hóa quy mô tài sản bất động sản của Việt Nam giai đoạn 2020 - 2030...

"Kết quả nghiên cứu lần này có nhiều giá trị: đẩy nghiên cứu về bất động sản lên một bước cao hơn, nếu tiếp nhận các kiến nghị này các cơ quan quản lý và nhà đầu tư sẽ đi được những bước khá trong việc quản lý, phát triển thị trường bất động sản Việt Nam."

Chuyên gia Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường.

Nêu quan điểm tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó chủ tịch VNREA, cho rằng thị trường bất động sản có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế của mỗi quốc gia. Ở các nước phát triển, yêu cầu và định hướng khơi thông những nguồn lực tiềm năng và bền vững của thị trường bất động sản là một ưu tiên chính sách. Chính vì thế, tỷ trọng bất động sản trong tổng số của cải xã hội ở các nước phát triển thường chiếm ít nhất trên 35% tổng tài sản vật chất của mỗi nước.

“Các hoạt động trên thị trường bất động sản chiếm gần 30% tổng hoạt động của nền kinh tế. Kinh nghiệm cho thấy, chỉ khi Chính phủ quan tâm đúng mức và có đánh giá chính xác về vai trò của thị trường bất động sản trong nền kinh tế thì thị trường bất động sản mới phát triển nhanh và bền vững, có đóng góp đáng kể cho sự phát triển của quốc gia, không chỉ dưới phương diện GDP và tài sản quốc gia, mà còn là tác động lan tỏa đến những ngành kinh tế chủ đạo khác và giải quyết vấn đề việc làm, an sinh xã hội...”, ông Hà nói.

Hiệp hội Bất động sản Việt Nam và các chuyên gia đều thống nhất đánh giá, báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài là một công trình nghiên cứu khoa học độc lập. Công trình trở thành kênh khảo hữu hiệu cho công tác hoạch định chính sách của Nhà nước về phát triển lành mạnh thị trường bất động sản cũng như kênh tham khảo cho các doanh nghiệp; góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế Việt Nam.

“Trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa, hướng đến tầm nhìn 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển thịnh vượng, có thu nhập cao thì việc phát triển thị trường bất động sản hoàn toàn phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế của quốc gia - coi du lịch, công nghiệp chế biến chế tạo là những mũi nhọn và chú trọng nâng cao chất lượng, năng suất ngành nông nghiệp thông qua công nghệ cao và sản xuất quy mô lớn - điều kiện, mục tiêu và phương thức để bất động sản nông nghiệp phát triển”, ông Nguyễn Mạnh Hà nói.

Được biết, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam sẽ gửi kiến nghị kèm toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu đến Chính phủ, Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên Môi trường và các cơ quan có liên quan, nhằm cung cấp tư liệu, thông tin, góc nhìn khoa học cho việc xây dựng chiến lược quốc gia tầm nhìn dài hạn và có chính sách cụ thể được thể chế hóa nhằm thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển minh bạch, lành mạnh và ổn định dài hạn.

Vân Ly

(TBKTSG)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: