10 công trình trọng điểm tác động mạnh tới thị trường bất động sản Việt Nam

Thứ ba, 24 Tháng 11 2020 06:58 Người Đô Thị
In

Colliers International chỉ ra 10 công trình giao thông – hạ tầng trọng điểm có sức ảnh hưởng lớn đến phát triển bất động sản dọc miền đất nước từ Bắc vào Nam. 

Theo Colliers International nhiều dự án giao thông trọng điểm trên phạm vi cả nước đã và đang được xây dựng, vừa đi vào hoạt động, góp phần giúp bộ mặt đô thị trở nên khang trang, hiện đại. Cũng nhờ “ăn theo” hạ tầng giao thông, giá bất động sản (BĐS) cũng tăng từng ngày. Không nằm ngoài quy luật ở đâu hạ tầng phát triển thì bất động sản sẽ hưởng lợi và phát triển bền vững; thậm chí có thể vực thị trường trở lại sôi động hơn và tăng nhiệt nhanh chóng.

Và đây là 10 công trình giao thông – hạ tầng trọng điểm có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến phát triển bất động sản dọc miền đất nước từ Bắc vào Nam, theo đánh giá của Colliers International.

Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh


Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với 6 làn xe, đang là tuyến đường hiện đại bậc nhất Việt Nam.
(Ảnh: Xuân Phú//Infonet)

Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh có tổng chiều dài 130,1km đi qua 63 phường, xã, thị trấn thuộc  Hà Nội - Hưng Yên - Hải Dương - Hải Phòng và Quảng Ninh đã hoàn thiện và đi vào hoạt động hiệu quả, kéo gần khoảng cách giữa các tỉnh thành. Đây là đòn bẩy thúc đẩy giao thương, liên kết kinh tế vùng, tạo đà bứt phá cho phát triển kinh tế, trong đó có bất động sản.

Theo Colliers, trong 5 năm gần đây kể từ năm 2015, tổng mức đầu tư của các dự án bất động sản trên địa bàn tăng trên 10 lần so với những năm trước 2015, tỷ lệ tăng trưởng đạt bình quân hàng năm lên đến 25%. Chỉ tính riêng địa bàn TP Hải Phòng, hiện đất nền tại các quận Hải An, Lê Chân, Hồng Bàng, huyện Thủy Nguyên tăng từ 20 - 30% so với năm 2019. Quanh các khu vực triển khai dự án lớn, có nơi đất nền tăng gấp đôi so với giá thời điểm năm 2017.

Mở rộng sân bay Nội Bài


Hai phương án mở rộng sân bay Nội Bài. (Ảnh: VnExpress)

Theo quy hoạch phát triển vận tải hàng không, sân bay Nội Bài (Sóc Sơn, Hà Nội) sẽ được mở rộng về phía bên kia đường Võ Nguyên Giáp với quy mô tương đương với sân bay Nội Bài hiện tại. Phương án xây  dựng nhà ga CHK Nội Bài mới (nhà ga T3,T4) và đường cất hạ cánh mới có diện tích 720 ha, thuộc 3 xã Phú Minh, Phú Cường và Mai Đình.

Theo khảo sát, giá đất nền trong ngõ dao động từ 7 – 10 triệu đồng/m2, trên trục đường chính thuộc xã Phú Cường, giá rơi vào 15 – 25 triệu/m2. Đối với phân khúc nhà liền kề, giá dao động từ 1 - 2 tỷ đồng với diện tích 50 – 70m2.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông


Đường sắt Cát Linh - Hà Đông nhưng giá bất động sản đã tăng "vun vút". (Ảnh: Zing.vn)

Tuyến đường sắt đô thị Hà Nội số 2A Cát Linh - Hà Đông có tổng chiều dài 13km và đi hoàn toàn trên cao với 12 nhà ga. Dọc tuyến đường sắt trên cao này, nhiều năm qua hàng trăm dự án nhà ở cao tầng đã "mọc" lên, làm thay đổi cả một bộ mặt đô thị Hà Nội.

Trong đó, khu vực hiện có giá BĐS cao nhất chính là đường Thái Hà với giá bán xấp xỉ 400 triệu đồng/m2. Mức giá tiếp đó giảm dần tại ba tuyến đường thuộc phường Cát Linh là An Trạch, Hào Nam và Vũ Thạnh. Khu vực đường Đặng Tiến Đông có giá đất thấp nhất trong số 5 con đường được khảo sát - ở mức 310 triệu đồng/m2.

Dọc những con đường cách nhà ga metro khoảng 2-3km giá nhà cũng đang tăng mạnh.

Đường vành đai 3 trên cao đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long


Dự án cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long có tổng mức đầu tư 5.343 tỷ đồng, thi công hơn 2 năm. (Ảnh: VnExpress)

Sau khi rào chắn thi công đường vành đai 3 trên cao đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long được dỡ bỏ, người dân được lưu thông trên đường Phạm Văn Đồng với 12 làn xe. Con đường trước đây vốn là một điểm nóng ùn tắc giao thông hiện nay đã rộng đẹp, thoáng mát như đại lộ.

Từ khi đường Phạm Văn Đồng được triển khai xây dựng vào năm 2017, giá đất tại khu vực này đã âm thầm lên “cơn sốt” khi tăng tới 30 - 40%. Đến nay, khi con đường đã hoàn thiện và đi vào hoạt động, giá đất ở đây lại tăng tiếp từ 5 - 10%.

Không chỉ đất lẻ trong khu dân cư mà giá đất tại các dự án nằm gần tuyến đường mới mở rộng cũng tăng thêm 3 – 5 triệu đồng/m2.

Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan


Ảnh chụp một đoạn đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Tuý Loan những ngày cuối tháng 3/2019. (Ảnh: Báo Tin tức/TTXVN)

Tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Tuý Loan (thuộc tuyến cao tốc Cam Lộ - Túy Loan) chạy qua địa bàn huyện Nam Đông dài 77km có điểm đầu là đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan ở Km số 0 giao với tỉnh lộ 14B (km4+500) tại xã Lộc Sơn, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế và điểm cuối ở Km79 + 800 (điểm đầu dự án đường bộ cao tốc Đà Nẵng  -  Quảng Ngãi), thị tứ Túy Loan, thành phố Đà Nẵng.

Sau khi hoàn thành, công trình giao thông này sẽ phá thế ngõ cụt của huyện Nam Đông (Thừa Thiên Huế), tạo cơ hội để huyện đẩy mạnh phát triển kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế rừng, công nghiệp, dịch vụ, du lịch của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết


Ngày 30/9, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) phối hợp với UBND các tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận tổ chức lễ khởi công dự án thành phần Phan Thiết - Dầu Giây. (Ảnh: SGGP)

Sau khi hoàn thành, tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết được kỳ vọng giúp giảm tải áp lực cho tuyến giao thông huyết mạch quốc lộ 1A, đồng thời sẽ rút ngắn thời gian di chuyển giữa TP.HCM và Bình Thuận chỉ còn 2 tiếng đồng hồ. Đây là đòn bẩy quan trọng giúp thành phố biển Phan Thiết thu hút lượng khách hàng khổng lồ tại TP.HCM, từ đó giúp cho du lịch Phan Thiết cũng như BĐS du lịch tại đây phát triển mạnh trong thời gian tới.

Theo khảo sát, tại thành phố Phan Thiết, nếu đầu năm 2018, các lô đất mặt tiền đường Võ Nguyên Giáp được rao bán phổ biến trong khoảng giá từ 7-11 triệu đồng/m2 thì đến nay mức giá đã chạm ngưỡng 20-25 triệu đồng/m2. Hay như đường Lạc Long Quân, cách đây hơn 2 năm chỉ ở mức giá 10-12 triệu đồng/m2 nay đã ở mức 25-27 triệu đồng/m2.

Mặc dù giá đất ven biển Phan Thiết hiện nay đã tăng gần gấp 3 lần so với 2 năm trước đây nhưng theo chuyên gia nhận định, đây sẽ chưa phải là mức giá “trần” mà nhiều khả năng giá đất có thể sẽ đạt từ 50-70 triệu đồng/m2, và hoàn toàn có thể vượt xa hơn số đó khi các tuyến cao tốc, sân bay được đưa vào vận hành đồng loạt trong tương lai.

Sân bay Long Thành


Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn có tổng diện tích hơn 280 ha, được tỉnh Đồng Nai xây dựng nhằm tái định cư phục vụ triển khai Dự án Sân bay Long Thành. (Ảnh: Báo Tin tức/TTXVN)

PGS. TS. Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, khẳng định thị trường bất động sản tại khu vực Long Thành và các vùng xung quanh sẽ nhận được nhiều cơ hội lớn cũng như những thách thức trước sự xuất hiện của Dự án sân bay Long Thành.

Theo ghi nhận, ngay khi dự án sân bay quốc tế Long Thành vừa được công bố, giá trị bất động sản khu vực xung quanh đã tăng dần đều suốt 2 năm nay. Giá đất trung bình tại Long Thành hiện nay dao động từ 15 - 30 triệu đồng/m2 so với thời điểm năm 2018 chỉ khoảng 8 - 15 triệu đồng/m2. Khi sân bay khởi công vào tháng 10 tới đây, giá trị bất động sản tại Long Thành nhiều khả năng tiệm cận với quận 2, quận 9, Thủ Đức của TP.HCM.

Tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên


Tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) đi qua các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức và huyện Dĩ An (Bình Dương). Trong đó có 2,6 km đi ngầm và 17,1 km trên cao. Toàn tuyến có 14 nhà ga và depot Long Bình (quận 9). (Ảnh: Zing.vn)

Tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên dài gần 20 km có tác động mạnh mẽ đến sự phát triển đô thị dọc tuyến khu vực ngoại thành quận 2, 9, Thủ Đức và thị xã Dĩ An (Bình Dương). Nhiều dự án đã tăng giá như: Masteri Thảo Điền ở mức 50-60 triệu đồng/m2, tăng hơn 50% so với giá thời điểm mở bán; Gateway Thảo Điền có giá giao dịch 65-75 triệu đồng/m2, tăng khoảng 14,5%; The Vista An Phú đang là 40-50 triệu đồng/m2, tăng khoảng 24% so với giá ban đầu...

Còn đất mặt tiền đường song hành phía quận 2 giá đến gần 200 triệu đồng/m2.Khu vực quận 9, Thủ Đức trước đây được xem là ngoại thành thì nay được quy hoạch thành phố phía Đông, giá đất cũng đã gần trên 150 triệu đồng/m2.

Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ


Phối cảnh cầu Mỹ Thuận 2. (Ảnh: N.T)

Khi tuyến cao tốc này hoàn thành sẽ rút ngắn khoảng cách di chuyển từ TP.HCM về các tỉnh miền Tây, đặc biệt là Cần Thơ. Khả năng kết nối giao thương thuận tiện và nhanh chóng sẽ “chắp cánh” cho sự phát triển kinh tế - văn hóa – xã hội của toàn vùng.

Theo khảo sát, giá đất tại Cần Thơ đầu năm 2020 đã tăng 20 - 30% so với cùng kỳ năm 2019, tập trung chủ yếu ở các sản phẩm nhà đất. Hàng loạt “ông lớn” bất động sản và các nhà đầu tư ráo riết tìm kiếm nguồn cung phù hợp để đầu tư sinh lợi, đón đầu tiến độ hạ tầng giao thông. Nổi bật nhất hiện nay có thể kể đến Sun Group, KITA Group, Nam Long, LDG Group... với hàng loạt dự án bất động sản chất lượng thuộc nhiều phân khúc từ trung cấp đến cao cấp được triển khai trong năm 2020.

Dự án Lộ Tẻ - Rạch Sỏi


Nút giao giữa khu vực cầu Bốn Tổng và cầu Láng Sen, trên tuyến cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi đã thành hình và đang được thi công. (Ảnh: VnExpress)

Hiện nay từ Kiên Giang lên Vàm Cống chỉ có tuyến đường duy nhất là QL 80 nhưng đang quá tải, đường chỉ dài 70km nhưng phải di chuyển 2 giờ. Sau khi thông xe, cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi sẽ giúp thời gian di chuyển đến Rạch Giá là 50 phút và TP. Hà Tiên còn khoảng 2 giờ thay vì 3 giờ như trước đây.

Đây thực sự là bước ngoặt quan trọng giúp Hà Tiên đứng trước nhiều cơ hội phát triển trong tương lai, đặc biệt là các dịch vụ du lịch, bất động sản, Khu công nghiệp.... Trong hạng mục kêu gọi đầu tư bổ sung giai đoạn 2018 – 2020, Hà Tiên thu hút 16 ự án quy mô lớn.

Đáng chú ý như khu du lịch resort nghỉ dưỡng cao cấp Bãi Bàng (99ha), khu đô thị phức hợp phường Pháo Đài (lô A5 -10ha), KĐT dịch vụ du lịch biển Pháo Đài (99ha), khu đô thị dịch vụ du lịch biển Thuận Yên (99 ha), sân golf và biệt thự nghỉ dưỡng của khẩu quốc tế Hà Tiên (99 ha), khu du lịch sinh thái biển đảo Hải Tặc (30ha – công ty T&T)…

Các dự án kể trên đang được một số doanh nghiệp xin chủ trương đầu tư như VinGroup, City Land, tập đoàn Hà Đô, CNT Group,…

Trọng Văn

(Người Đô Thị)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: