Tại Việt Nam hiện nay chỉ có 10-12% người làm môi giới bất động sản đủ điều kiện hành nghề. Các chuyên gia cho rằng để phát triển thị trường bất động sản thì cần phải cải thiện tỷ lệ nêu trên, bởi nghề môi giới bất động sản có tác động rất lớn đến sự phát triển của thị trường này.
Nhân viên môi giới bất động sản đang giới thiệu sản phẩm đến khách hàng. (Ảnh minh họa: Vân Ly)
Chưa tạo điều kiện cho người hành nghề môi giới chân chính
Phát biểu tại hội thảo “Vai trò của hoạt động môi giới trong quản lý và phát triển thị trường bất động sản” được tổ chức vào ngày 27/6, ông Trần Hữu Hà, Giám đốc Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị nhận xét, những năm qua, đội ngũ môi giới bất động sản góp phần làm cho thị trường này tại Việt Nam phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, theo thống kê của Hội môi giới bất động sản Việt Nam, trong khoảng 300.000 cá nhân tham gia hoạt động môi giới bất động sản, mới chỉ có khoảng 30.000-35.000 người đủ điều kiện hành nghề (chiếm 10-12%).
“Thực tế cho thấy, người hành nghề môi giới bất động sản chân chính chưa được bảo vệ, trong khi nhiều hành vi vi phạm luật pháp đã diễn ra tại một số dự án. Một số người hành nghề môi giới bất động sản yếu về chuyên môn, xem nhẹ trách nhiệm đạo đức, các quy định quản lý. Một số lượng không nhỏ các sản phẩm được môi giới bất động sản chào bán không đủ tiêu chuẩn đưa vào kinh doanh, có sai lệch thông tin hoặc về vị trí, giá cả hoặc thông tin về pháp lý bất động sản, quy hoạch...” ông Hà nói.
Vị giám đốc trên cho rằng thị trường bất động sản sẽ phát triển bền vững hơn nếu đội ngũ môi giới được đào tạo, bồi dưỡng và quản lý chặt chẽ hơn. Hiện nay, pháp luật quy định cá nhân không bắt buộc phải có giấy chứng nhận hoàn thành khóa học thì mới được dự thi lấy chứng chỉ môi giới bất động sản. Điều này đã tạo ra xu hướng các cá nhân không thực sự mong muốn học tập, tìm hiểu, nghiên cứu về môi giới bất động sản mà có khi chỉ nhằm đối phó với kỳ thi sát hạch.
Theo kết quả khảo sát của Bộ Xây dựng, có đến hơn 80% nhân viên môi giới trả lời không tham gia hoặc chỉ tham gia một khóa đào tạo cho nhân viên nhưng các hình thức đào tạo chủ yếu vẫn là những nhân viên trong công ty truyền lại kinh nghiệm cho nhân viên mới.
Thực tế, các sàn giao dịch bất động sản khi tuyển nhân viên môi giới đều không đòi hỏi bằng cấp chuyên môn liên quan đến việc đào tạo kỹ năng nghề nghiệp, mà chủ yếu chú trọng đến kinh nghiệm bán hàng. Chính vì vậy, hầu hết đội ngũ này đều thiếu những kiến thức cơ bản của một nhà môi giới bất động sản chuyên nghiệp như: sự hiểu biết về pháp luật, các Luật liên quan, các điều khoản trong hợp đồng mua bán…
Ông Hà cũng cho rằng bất động sản là lĩnh vực rất rộng liên quan đến nhiều ngành nghề, nhiều quy định pháp luật liên quan khác nhau. Do đó việc đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu, bài bản cho nhà môi giới là rất cần thiết. Như vậy, nghề môi giới mới thực sự trở thành một nghề có chuyên môn cao và tính chuyên nghiệp trong phát triển và hội nhập.
Cần sự điều chỉnh từ khâu đào tạo, sát hạch
Để hướng đến một thị trường bất động sản chuyên nghiệp, ông Nguyễn Đức Lập, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo Bất động sản đề xuất, cần nâng cao vai trò, địa vị pháp lý của nhà môi giới trong các giao dịch. Cân nhắc bắt buộc giao dịch qua sàn đối với một số loại hình bất động sản, đặc biệt là bất động sản hình thành trong tương lai và tại một số đô thị đặc biệt. Trong các văn bản như trong hợp đồng đặt cọc, cần có xác nhận của môi giới với mã số hành nghề riêng. Rồi mới đến bước ký Hợp đồng sang nhượng, cho thuê...
Ông Lập cho rằng: “Cần điều chỉnh lại bộ khung chương trình đào tạo cho phù hợp với thực tế hiện nay. Trong đó tập trung vào việc truyền thụ kiến thức về pháp Luật kinh doanh bất động sản, đạo đức hành nghề môi giới. Quy định bắt buộc phải hoàn thành chương trình đào tạo của đơn vị được cấp phép mới được dự thi sát hạch lấy chứng chỉ.”
Thêm nữa, theo ông Lập, do hiện công tác thanh kiểm tra hoạt động môi giới bất động sản, đặc biệt là môi giới tự do đang bị bỏ ngỏ. Đây là nguyên nhân chính làm nên thị trường bất động sản đầy méo mó và nhiều tiêu cực. Do đó ông cho rằng Chính phủ có thể xem xét, giao cho Hội Môi giới bất động sản Việt Nam chủ trì việc cấp, quản lý mã số định danh và tham gia vào việc khuyến cáo, giám sát Hội viên thực hiện đúng Pháp luật... Bên cạnh đó cần quy định cơ chế báo cáo đối với các đơn vị môi giới không phải là sàn giao dịch. Đây là cơ sở dữ liệu quan trọng để xây dựng chính sách và điều tiết thị trường. Đồng thời, tạo sự công bằng cho tất cả các tổ chức tham gia hoạt động môi giới bất động sản.
Còn theo đại diện của Khoa Quản lý Nhà và thị trường Bất động sản (Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị), để nâng cao hoàn thiện dịch vụ môi giới bất động sản và nâng tầm của nghề này cần thực hiện những biện pháp sau: cần hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật cho hoạt động môi giới bất động sản. Chế tài xử lý vi phạm đối với hành vi hành nghề môi giới khi chưa được cấp chứng chỉ hành nghề chưa đủ sức cần răn đe do đó cần phải có những chế tài mạnh hơn. Cần hình thành và phát triển các trung tâm đào tạo môi giới bất động sản chuyên nghiệp vỗn còn thiếu hụt. Hoạt động đào tạo bài bản chuyên sâu cho người hành nghề chưa thực sự được quan tâm, và hiện đang thiếu một giáo trình hoàn chỉnh cho công tác đào tạo chứng chỉ hành nghề.
Đại diện sàn giao dịch bất động sản THM Land cũng kiến nghị các giải pháp hoàn thiện pháp luật về môi giới bất động sản như sau: cần ban hành bộ quy tắc ứng xử về đạo đức của nhà môi giới bất động sản; sửa đổi các quy định về đào tạo, bồi dưỡng và cấp chứng chỉ môi giới bất động sản; xây dựng và hoàn thiện các thể chế hỗ trợ hoạt động môi giới bất động sản...
Theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014, điều kiện hành nghề môi giới bất động sản được quy định kèm theo những quy định và chế tài cụ thể. Theo đó, tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản phải thành lập doanh nghiệp và phải có ít nhất 2 người có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản. Nếu cá nhân kinh doanh độc lập thì phải có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản, có đăng ký mã số thuế và nộp thuế theo quy định của pháp luật. Điều 58 Nghị định 139/2017/NĐ-CP của Chính phủ cũng nêu rõ: phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với một trong các hành vi: kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản độc lập mà không có chứng chỉ hành nghề hoặc chứng chỉ hành nghề hết thời hạn sử dụng theo quy định; tẩy xóa, sửa chữa, cho mượn, cho thuê hoặc thuê, mượn chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản để thực hiện các hoạt động liên quan đến môi giới bất động sản. Bên cạnh đó, phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với một trong các hành vi: kinh doanh môi giới bất động sản mà không thành lập doanh nghiệp theo quy định, không đủ số người có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản theo quy định hoặc chứng chỉ hành nghề hết thời hạn sử dụng theo quy định; không lập hợp đồng hoặc hợp đồng môi giới bất động sản không đầy đủ các nội dung chính đã được quy định tại Điều 61 Luật Kinh doanh bất động sản. Năm 2015, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 11/2015/TT-BXD quy định về việc cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản, hướng dẫn việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức hành nghề môi giới bất động sản, điều hành sàn giao dịch bất động sản; việc thành lập và tổ chức hoạt động của sàn giao dịch bất động sản. |
Vân Ly
(TBKTSG)
- Thực tế và tầm nhìn khu công nghiệp
- Bất động sản đã đóng góp gì cho nền kinh tế?
- Đất công TPHCM, nhìn lại một giai đoạn "chuyển nhượng tự do" ngoài quy định
- Phát triển nhà 20 triệu đồng/m2: Chính sách thì rất hay...
- Đề xuất căn hộ giá rẻ không quá 20 triệu/m2 làm nóng thị trường
- Luật mới tháo gỡ ách tắc cho dự án nhà ở
- Siêu dự án lấn biển Cần Giờ có gây sốt đất?
- Doanh nghiệp xây nhà giá rẻ có thể được vay lãi suất thấp
- Những "điểm trừ" của bất động sản công nghiệp Việt Nam
- Đại đô thị Nam Sài Gòn “lăm le” vượt mặt khu Đông