Ashui.com

Friday
Sep 20th
Home Chuyên mục Bất động sản Bất động sản có rơi vào "ngủ đông"?

Bất động sản có rơi vào "ngủ đông"?

Viết email In

Báo cáo của hầu hết công ty nghiên cứu thị trường cho thấy, tất cả phân khúc bất động sản đều ghi nhận bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Giới đầu tư đặt ra câu hỏi, có chăng bất động sản đang bước vào thời kỳ "ngủ đông" sau khoảng thời gian khá dài có các chỉ số tăng trưởng liên tiếp?

Bất động sản ngấm "đòn song cước"

Đây là nhận định của ông Võ Sỹ Nhân, CEO dự án Empire City, đồng sáng lập quỹ đầu tư GAW NP Capital về bức tranh thị trường bất động sản hiện tại. Nguyên nhân theo ông là khó khăn về tình trạng "đứng hình" pháp chế - thủ tục từ trước đó và sau đấy là tác động của đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, ông khẳng định tình hình vẫn chưa dừng lại ở đó do nguy cơ khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang kéo đến và không ai đoán trước được đại dịch và khủng hoảng kinh tế sẽ diễn biến như thế nào.


Thị trường bất động sản Việt Nam đang trong thời kỳ xấu do những khó khăn về hành lang pháp lý cũng như tác động của đại dịch.
(Ảnh: Quỳnh Danh)

Trong thời gian tới, việc bán hàng và thu tiền từ các dự án bất động sản sẽ khó khăn hơn khi sức mua và túi tiền của khách hàng ngày càng giảm, cùng với đó là tâm lý lo sợ trong đại dịch.

Ông Trần Minh Hoàng, Phó tổng thư ký Hội môi giới bất động sản Việt Nam, cũng cho rằng thị trường đang trong giai đoạn xấu, chỉ khi nào Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh mới có thể nhìn thấy được những chuyển biến tích cực.

"Trong trường hợp không thể kiểm soát dịch bệnh trong ngắn hạn, các doanh nghiệp bất động sản buộc phải có những biện pháp để thích nghi, làm quen với thị trường bằng việc đưa ra những phương thức mới trong hoạt động kinh doanh, phân phối sản phẩm", ông Hoàng nhận định.

Tuy nhiên, ông cũng cho biết chưa nhiều doanh nghiệp bất động sản tại Việt Nam có kinh nghiệm với các phương thức hoạt động mới nên sẽ mất nhiều thời gian trong giai đoạn đầu.

Cố gắng tồn tại là tiên quyết

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã bắt đầu cắt giảm chi phí, giảm nhân sự, đóng cửa một số văn phòng cũng như tăng cường làm việc trực tuyến.

Trao đổi với Zing.vn, ông Andy Han Suk Jung, Tổng giám đốc SonKim Land cho biết doanh nghiệp này đã thay đổi cách làm việc truyền thống, bắt đầu áp dụng phương pháp làm việc tại nhà.

"Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng một công ty bất động sản sẽ áp dụng phương pháp này, nhưng để đảm bảo hạn chế tiếp xúc gần, chúng tôi đã sử dụng nhiều công cụ ứng dụng để làm việc tại nhà. Đối với việc kinh doanh, dù chưa bị ảnh hưởng nhiều nhưng nếu tình trạng dịch bệnh kéo dài, hậu quả phải đối mặt sẽ càng lớn", Tổng giám đốc SonKim Land chia sẻ.

Ông Andy Han Suk Jung cho biết các dự án trong ngắn hạn của công ty sẽ không thay đổi, tuy nhiên do tâm lý đầu tư giảm vì dịch bệnh, các kế hoạch trung và dài hạn sẽ được điều chỉnh tùy thuộc vào thực tế thị trường.


Các doanh nghiệp bất động sản được khuyến nghị tìm những giải pháp để cố gắng tồn tại, vượt qua giai đoạn trầm lắng.
(Ảnh: Quỳnh Danh)

Còn theo quan điểm của ông Võ Sỹ Nhân, cố gắng tồn tại là điều đầu tiên toàn ngành bất động sản cần làm. Thời điểm này các doanh nghiệp nên có bài toán phân tích khả năng chịu đựng sức ép tài chính cho giai đoạn 6 tháng và 12 tháng tiếp theo trong cơn khủng hoảng, đặc biệt là dòng tiền tự do.

Trong cơn khủng hoảng, việc xây dựng niềm tin bằng cách thẳng thắn chia sẻ thông tin, tăng cường xây dựng mối quan hệ tích cực với các đối tác, khách hàng lớn và nhà thầu là điều quan trọng để các bên cùng chia sẻ và vượt qua khó khăn với các doanh nghiệp bất động sản. Bên cạnh đó, trong giai đoạn này, việc xử lý tái cấu trúc nhanh danh mục đầu tư và tái định giá tài sản có thể giúp đưa ra chiến lược thoái vốn hợp lý và kịp thời.

Ông Trần Minh Hoàng cũng nhận định để vượt qua được giai đoạn khó khăn, các doanh nghiệp buộc phải cắt giảm các loại chi phí bởi đối với các công ty bất động sản, chi phí lãi vay chiếm tỷ lệ khá lớn, bài toán tài chính sẽ thêm khó khăn nếu lãi vay không giảm.

Vẫn là kênh đầu tư an toàn

Theo nhận định của các chuyên gia, dịch Covid-19 là lúc để các nhà đầu tư nhìn lại trong bối cảnh nền kinh tế khủng hoảng. Và bất động sản vẫn là một trong những kênh đầu tư an toàn nhất.

"Mặc dù ít người đầu tư vào thời điểm này do những bất trắc của bối cảnh khủng hoảng, tuy nhiên khi các ngành nghề đều đang tổn thất nặng nề, những chỉ số liên tục giảm, có thể thấy bất động sản với những sản phẩm đầu tư hữu hình luôn có giá trị và là một kênh an toàn", ông Hoàng khẳng định.


Chuyên gia nhận định phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng là đối tượng chịu tác động nhiều nhất từ đại dịch.
(Ảnh: Quỳnh Danh)

Còn Tổng giám đốc SonKim Land thì cho rằng, mặc dù bất động sản không có tính thanh khoản tốt như tiền mặt, vàng hay chứng khoán, khi khủng hoảng xảy ra, đây vẫn luôn là một trong những kênh cuối cùng bị ảnh hưởng.

Mặc dù nhận định thị trường đang trong khủng hoảng, ông Võ Sỹ Nhân vẫn khẳng định đây là thời điểm có nhiều cơ hội tốt mà cả nhà đầu tư có thể nắm bắt nếu kiên nhẫn, không nên bỏ phí.

"Người mua sẽ có nhiều cơ hội để lựa chọn các sản phẩm phù hợp, lựa chọn dự án và đặc biệt là đánh giá được uy tín, năng lực triển khai dự án của các chủ đầu tư trong cơn khủng hoảng này", ông nói.

Đồng thời, ngay cả trong thời điểm khó khăn, các chủ đầu tư và quỹ đầu tư đều lạc quan, đánh giá Việt Nam vẫn là một điểm đến hấp dẫn cho nguồn vốn từ nước ngoài với khả năng phục hồi nhanh và nhiều tiềm năng chưa được khai phá.

Nhận định về thời điểm thị trường sẽ trở lại trạng thái phục hồi, ông Võ Sỹ Nhân cho rằng 6 tháng tới đây là giai đoạn phòng thủ và cố gắng tồn tại của các nhà đầu tư cũng như doanh nghiệp phát triển dự án.

Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh Nhà nước có vai trò điều tiết quan trọng để kích thích thị trường bất động sản phục hồi, đặc biệt là tạo sự thông thoáng, minh bạch và rõ ràng về hành lang pháp lý.

"Giai đoạn này vô cùng thử thách đối với các doanh nghiệp bất động sản có hệ số đòn bẩy tài chính cao. Lúc này, tất cả thành phần kinh tế chứ không riêng ngành bất động sản đều mong có những chính sách điều tiết phù hợp để kéo chi phí tài chính - lãi vay thấp xuống, tái cấu trúc các khoản nợ", ông Nhân nhận định.

Tổng giám đốc SonKim Land, ông Andy Han Suk Jung đề xuất Chính phủ có thể xem xét hỗ trợ giảm thuế, gia hạn các khoản vay hoặc đưa ra một số khoản trợ cấp, kích cầu. Đồng thời có chính sách ổn định lãi suất để doanh nghiệp giảm chi phí lãi vay, có thêm nguồn lực đầu tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Ông Andy cho rằng, đến nay, ngoài phân khúc nghỉ dưỡng, vẫn chưa có tác động lớn trong thị trường bất động sản. Các bên phải theo dõi tình trạng này sẽ kéo dài trong bao lâu mới có thể xác định hậu quả tới thị trường trong tương lai.

Hà Bùi

(Zing.vn)


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo