Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Chuyên mục Bất động sản Co-working space không còn dành cho… startup

Co-working space không còn dành cho… startup

Viết email In

Các không gian làm việc chung (co-working space) đang ngày càng mở rộng thị phần bằng cách thu hút khách hàng là các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp lớn hơn là tập trung vào doanh nghiệp startup cũng như khách hàng riêng lẻ như trước đây.

Sản phẩm dành cho đại gia

Trung tuần tháng 10, chủ đầu tư của chuỗi không gian làm việc chung Regus đã đưa vào hoạt động trung tâm thứ 5 tại TPHCM cũng là trung tâm thứ 11 của Regus tại Việt Nam. Ông Lars Wittig, Giám đốc quốc gia của IWG tại Hàn Quốc, Philippines, Việt Nam, Campuchia và Thái Lan - công ty mẹ của Regus, cho biết gói hội viên tại Regus có giá từ 1,59 triệu đồng/người/tháng, gói không giới hạn có giá 3-4 triệu đồng/người/tháng, gói văn phòng ảo có giá từ hơn 2,1 triệu đồng/tháng và gói cơ sở (campus) có giá 5,5-6,5 triệu đồng/tháng. Với mức giá này, các startup không quá khó để tìm được một chỗ cho mình tại không gian làm việc chung tiện nghi hạng A. Tuy nhiên, diện tích văn phòng mà các startup sử dụng tại Regus lại khá nhỏ so với khách hàng là doanh nghiệp lớn.


Thị trường đang chứng kiến các co-working space tập trung vào khách hàng là doanh nghiệp lớn hơn là startup. Trong ảnh là một không gian làm việc chung tại TPHCM.
(Ảnh: Mỹ Huyền)

Khi nói về đặc điểm của không gian làm việc mới rộng 1.190 mét vuông sàn, ông Lars Wittig cho biết: “Không gian này cho phép các doanh nhân và các công ty lớn một giải pháp hợp lý để mở rộng quy mô hoạt động và cung cấp các tùy chọn làm việc linh hoạt cho nhân viên”.

Nếu như trước đây, co-working space được hình thành với kỳ vọng sẽ đáp ứng nhu cầu của các startup cũng như phần lớn doanh nghiệp vừa và nhỏ nhờ cung cấp nhiều dịch vụ đi kèm như phòng họp, trang thiết bị kỹ thuật, nội thất, không gian mở và có tính kết nối… thì nay tình hình đã thay đổi. Thị trường đang chứng kiến các co-working space tập trung vào khách hàng là doanh nghiệp lớn hơn là startup.

Theo ông Lê Trọng Hiếu, Giám đốc Dịch vụ tư vấn và Quản lý kinh doanh Khu Công nghiệp và Văn phòng cho thuê của CBRE Việt Nam, thì khách hàng là các startup hiện chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ khoảng dưới 20% ở thị trường co-working space bởi đây không phải là đối tượng đem lại lợi nhuận cao và có tính ổn định lâu dài. Thay vào đó, các tập đoàn đa quốc gia hoặc doanh nghiệp lớn ở Việt Nam đang được các chủ đầu tư lớn co-working space nhắm tới.

Ông Hiếu dẫn ra những ví dụ cho thấy khách hàng lớn đang ở thế thượng phong trên thị trường co-working space hiện nay. Như chủ đầu tư Up thuê diện tích lớn tại tòa nhà Viettel để mở trung tâm làm việc chung ưu tiên cho hai khách hàng lớn là Tiki và BeGroup. Không gian làm việc chung dành cho startup tại địa điểm này chỉ được xem một ngách kinh doanh phụ của nhà đầu tư này. Tương tự, Up cũng mở văn phòng dịch vụ cho Yeah1TV ở Riverbank Tower. Ở Hà Nội, Up mở văn phòng dịch vụ cho FPT tại tòa FLC.

“Co-working space kinh doanh nơi làm việc chỉ dành cho startup sẽ khó tồn tại lâu vì lợi nhuận thấp. Doanh thu từ sự kiện và các dịch vụ đi kèm cũng không đáng kể. Do vậy, các tập đoàn lớn mang lại doanh thu cao và ổn định sẽ hỗ trợ cho nguồn thu từ các công ty nhỏ và vừa như các startup”, ông Hiếu nói.

Tuy nhiên, để kéo lượng khách hàng lớn về cùng với các startup và giữ họ lâu không phải dễ. Theo ông Hiếu, các công ty lớn chỉ sử dụng không gian làm việc chung vào những năm đầu tiên để tiết kiệm chi phí đầu tư cũng như chi phí hoạt động. Song song đó, các khách hàng này cũng vẫn có văn phòng riêng cho mình để đảm bảo được tính bảo mật cũng như văn hóa doanh nghiệp. Họ chỉ giữ chỗ tại các co-working space cho các bộ phận linh hoạt như sale, marketing… vì tính chất linh hoạt của các công việc này cần tăng trưởng hoặc thu hẹp nhanh, phụ thuộc vào tình hình thị trường.

Trong khi đó, các startup dù không đem lại lợi nhuận lớn từ việc thuê chỗ ngồi nhưng vẫn chiếm một vị trí trọng yếu ở một mảng kinh doanh khác với các chủ đầu tư co-working space. Một chuyên gia cố vấn cho một không gian làm việc chung cho hay các chủ đầu tư thường quảng bá hình ảnh của mình như là một nơi hỗ trợ startup cùng phát triển. Thậm chí, một số chủ đầu tư không thu phí thuê chỗ ngồi làm việc đối với startup. Những không gian này còn thực hiện môi giới đầu tư cho các startup, cũng không tính phí. Tuy nhiên, khi các startup gọi được vốn thì họ chỉ được nhận khoảng 30% số tiền này. Phần còn lại do co-working space nắm giữ và được trừ vào các chi phí cố vấn, đào tạo và phát triển môi trường do các không gian làm việc chung này cung cấp.

“Dù trên danh nghĩa là văn phòng làm việc chung miễn phí, nhưng những chủ đầu tư này đã bỏ túi một số tiền lớn từ nhà đầu tư của các startup. Do đó, các chủ đầu tư không màng đến việc thu phí chỗ làm việc từng tháng từ startup làm gì”, vị chuyên gia này nói.


Địa điểm hấp dẫn luôn là trọng tâm trong chiến lược cạnh tranh của các nhà đầu tư co-working space.
(Ảnh: Thành Hoa)

Cuộc đua địa điểm

Ông Hiếu của CBRE nhận định đứng trước bối cảnh nhiều đối thủ cạnh tranh gia nhập thị trường, các chủ đầu tư co-working space đã phát triển nhiều chiến lược để dành thị phần. Địa điểm hấp dẫn luôn là trọng tâm trong chiến lược của các nhà đầu tư nên thị trường sẽ chứng kiến cuộc cạnh tranh tìm địa điểm mới.

Ví dụ như cuộc cạnh tranh tìm địa điểm thuê mới của Wework và các đối thủ khác. Giữa năm 2018, WeWork, một startup quốc tế chuyên kinh doanh co-working space, đã mua lại các co-working space do Naked Hub phát triển tại khu vực châu Á, với giá 400 triệu đô la Mỹ, bao gồm hai địa điểm ở Hà Nội và TPHCM. Giữa hai địa điểm của Nake Hub ở IPH (Hanoi) và Etown Central (TPHCM), cuối cùng WeWork đã chọn tòa nhà E-Town Central ở quận 4, TPHCM để khai trương văn phòng đầu tiên của mình ở Việt Nam. Địa điểm của Naked Hub tại IPH (Hanoi) lại được Toong tiếp quản. Cuối năm nay, Regus sẽ mở thêm một địa điểm mới ở Hà Nội, tiếp quản một địa điểm do WeWork đã rút khỏi; địa điểm này sẽ nâng tổng số không gian làm việc chung trong nước của Regus lên 12.

Để cạnh tranh với nhau, các địa điểm của co-working space cũng biến hóa đa dạng hơn để phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng. Toong ở quận 7 và Up ở quận 1 chọn địa điểm là tòa nhà riêng để mở không gian làm việc chung. Up còn chọn Acora Hanoi là trung tâm bán lẻ để khai trương thêm địa điểm mới. Các tòa nhà căn hộ cũng được huy động vào thị trường không gian làm việc chung. Ngoài ra, các trung tâm văn phòng dịch vụ cao cấp sẽ xâm nhập, mở rộng sang mảng không gian làm việc chung, điển hình có Regus mở Spaces.

Mỹ Huyền

(TBKTSG)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo