Ashui.com

Wednesday
Oct 09th
Home Chuyên mục Bất động sản Thị trường bất động sản: Hai kịch bản

Thị trường bất động sản: Hai kịch bản

Viết email In

Việt Nam đã trải qua ba lần sốt giá bất động sản (BĐS). Lần thứ nhất vào năm 1994, kéo dài trong khoảng 2 năm, sau đó gần như đóng băng trong khoảng 5 năm. Lần thứ hai vào năm 2001, cũng kéo dài khoảng 2 năm và gần như đóng băng trong khoảng 5 năm. Lần thứ ba bắt đầu từ quý 3/2007, kéo dài chỉ trong một năm, đến quý 2/2008 gần như đóng băng.

Cơn sốt thứ ba này, nếu cũng giống như hai cơn sốt trước thì có thể kéo dài hai năm, nhưng do tác động của việc thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát từ quý 2/2008, sau đó lại gặp tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, nên đã không có điều kiện bùng lên thành cơn sốt thứ ba một cách trọn vẹn, tạm gọi đó là cơn sốt thứ hai rưỡi.

Chính vì thế, từ đầu năm 2009 đến nay, thị trường BĐS cũng đã có vài lần ấm, nóng ở một số địa điểm (khu đô thị mới, nơi sắp có đường giao thông chạy qua, nơi sắp lên thị trấn, thị xã, thành phố...), ở một số loại sản phẩm (đất nền, chung cư, căn hộ diện tích nhỏ có giá hợp túi tiền...), ở một vài giai đoạn khi thị trường chứng khoán xuống đáy/lên đỉnh, khi cho vay tiêu dùng được mở ra… Sắp tới, thị trường BĐS có thể sẽ diễn biến theo một trong hai kịch bản sau.

Kịch bản thứ nhất, BĐS sẽ không còn bất động, bởi nhiều lẽ. Một lẽ là do những nhà đầu tư cả trong nước và đầu tư nước ngoài đã “ôm” BĐS từ năm 2007 đến đầu năm 2008 chưa “tiêu thụ” được trong thời gian qua, nay do nhu cầu BĐS sẽ tăng lên khi kinh tế phục hồi, thu nhập của người dân tăng trở lại.

Một lẽ là giá một số cổ phiếu liên quan đến vật liệu xây dựng, BĐS tăng trong thời gian gần đây... - một bước quá độ, một cầu nối trung gian giữa thị trường chứng khoán và thị trường BĐS.

Một lẽ nữa là việc mở rộng đối tượng được mua nhà cho Việt kiều, cho người nước ngoài định cư ở Việt Nam cũng sẽ tạo nên một nhu cầu không nhỏ (theo tính toán, có thể có 300 nghìn người được quyền mua nhà ở Việt Nam, chưa kể khả năng sẽ có nhiều người vì nhiều lý do (về khí hậu, về sự ổn định...) sẽ trở về sống tại Việt Nam.

Theo dự đoán, trạng thái này sẽ được giữ từ nay cho đến hết quý 1/2010. Theo đó, cả năm nay tốc độ tăng chung sẽ khoảng 15%, quý I/2010 sẽ tăng tiếp hai chữ số và có thể từ quý 2/2010 sẽ tăng cao hơn nhiều (tức là sốt).

Kịch bản thứ hai là từ giờ đến cuối năm nay sang đầu năm 2010, thị trường bất động sản vẫn sẽ bất động do thị trường vàng đang nóng sốt, thị trường chứng khoán sẽ còn tăng cao... những nhà đầu tư (chứ không phải là người tiêu dùng) sẽ còn “lướt sóng” trên các kênh vàng, chứng khoán, chưa dồn, chuyển vốn đầu tư sang thị trường BĐS.

Ngoài ra, theo thống kê trong lịch sử của các cơn sốt giá BĐS trước, thì chu kỳ thường 5 năm mới có một cơn sốt nữa. Theo đó, phải đến năm 2011, 2012 mới sốt. Vào lúc đó, nền kinh tế thế giới và kinh tế trong nước cũng phục hồi được tốc độ tăng trưởng so với trước khủng hoảng.

Đào Lâm 

>> Thị trường bất động sản: quay về giá trị thực 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo