Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Chuyên mục Bất động sản Chính sách cho thị trường bất động sản: Không nên vội vàng

Chính sách cho thị trường bất động sản: Không nên vội vàng

Viết email In

Thị trường bất động sản năm 2016 sôi động hơn do tác động từ các yếu tố thể chế. 

Bằng chứng là Luật Nhà ở (sửa đổi) có hiệu lực cho phép người nước ngoài được quyền sở hữu đối với bất động sản, bao gồm cho thuê lại, thế chấp và thừa kế, áp dụng cho cả cá nhân và tổ chức nước ngoài như quỹ đầu tư, ngân hàng và công ty được xem là động lực phát triển cho lĩnh vực nhà ở, nhất là phân khúc cao cấp.  


Phân khúc cao cấp nở rộ trong năm 2016 

Tín dụng ưu đãi với lãi suất thấp, thời gian ân hạn dài đã tạo điều kiện cho hàng vạn người có thu nhập thấp có thể mua nhà, vừa tạo ra lực cầu to lớn, vừa góp phần xử lý nhu cầu nhà ở của các tầng lợp dân cư. 

Nghị định của Chính phủ về việc xây dựng, quản lý và sử dụng Hệ thống thông tin về Nhà ở và Thị trường bất động sản hỗ trợ đắc lực cho việc hoạch định chính sách và chiến lược phát triển đô thị và của doanh nghiệp.

Luật Kinh doanh Bất động sản cho phép các tổ chức nước ngoài được mua lại văn phòng, cơ sở sản xuất và các tài sản khác phục vụ mục đích kinh doanh, cho phép chuyển nhượng dự án bất động sản chưa hoàn thiện có tác động đến “tâm lý lạc quan vào thị trường bất động sản thương mại ở Việt Nam. Hoạt động mua bất động sản của nhà đầu tư nước ngoài sẽ được đẩy mạnh nhằm đáp ứng nhu cầu chiến lược kinh doanh” - nhận định của ông Marc Townsend.

Chủ trương các ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm cổ phần chi phối phải dành 3% tổng dư nợ của mình để cho vay mua bán nhà ở xã hội với lãi suất ưu đãi sẽ tạo ra nhu cầu nhiều hơn với phân khúc nhà ở bình dân. 

Ông Nguyễn Trần Nam - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, năm 2017 có thể sẽ có hai gói tín dụng ưu đãi cho người nghèo vay mua nhà. Không nghi ngờ gì nữa, những chính sách và chủ trương đó sẽ làm cho thị trường bất động sản trở nên sôi động hơn.

Vấn đề quan trọng hàng đầu hiện nay nằm ở hai khâu quan trọng là cụ thể hóa các chính sách bằng văn bản pháp quy, tránh chậm trễ, méo mó và thực hiện nghiêm chỉnh, có hiệu quả chính sách và chủ trương đúng.

Những lo ngại đó dựa trên thực tế của việc triển khai một số chủ trương như gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng đã được triển khai rất chậm do thiếu văn bản hướng dẫn và thay đổi khá nhiều gây bất ổn cho người vay tiền hổ trợ mua nhà, cũng như các chủ đầu tư.

Chủ trương xây dựng nhà ở xã hội đến cuối năm 2016 vẫn còn nhiều vướng mắc chưa được triển khai đồng bộ, vì thiếu văn bản hướng dẫn về cơ chế vận hành việc ngân hàng thương mại xây dựng quỹ cho vay ưu đãi đối với nhà ở xã hội, trong khi gặp không ít khó khăn khi huy động vốn.

Kinh nghiệm thực tế cũng chỉ ra rằng, việc hình thành chính sách mới cần được nghiên cứu kỹ, chú trọng đến yếu tố tâm lý của đối tượng chịu tác động, không nên nóng vội khi chưa có phương án khả thi, gần đây là chủ trương đánh thuế những người sở hữu từ ngôi nhà thứ hai.

Đánh thuế người sở hứu nhà ở từ ngôi nhà đầu tiên đã được nhiều nước thực hiện; nhưng do tập quán của người Việt Nam và do việc thiếu minh bạch trong giao dịch nhà ở nên nếu áp dụng thuế đối với từ ngôi nhà thứ hai thì cần được điều tra, khảo sát để nhận diện thực trạng, tính toán kỹ lợi ích và tác động tiêu cực của chủ trương đó để đưa ra quyết định vào thời điểm thích hợp khi đã được chuẩn bị đủ điều kiện thực hiện. 

Các cơ quan nhà nước không nên vội vàng thông báo những chính sách khi chưa được nghiên cứu thấu đáo. 

GS.TSKH Nguyễn Mại 
(Diễn đàn Doanh nghiệp)  

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo