Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Chuyên mục Bất động sản May rủi từ sự gia tăng nhà đầu tư bất động sản thứ cấp

May rủi từ sự gia tăng nhà đầu tư bất động sản thứ cấp

Viết email In

Số lượng nhà đầu tư, kinh doanh thứ cấp trong lĩnh vực bất động sản (BĐS) tại TPHCM tăng gấp ba lần so với năm 2014. Sự gia tăng mạnh này một mặt cho thấy sự sôi động của thị trường, nhưng mặt khác cũng ít nhiều tạo ra sự bất ổn, thậm chí là nguyên nhân gây ra bong bóng BĐS. 

Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) trong báo cáo kết quả hoạt động năm 2015 cho biết, trong năm 2015, các nhà đầu tư, kinh doanh chủ yếu tập trung vào phân khúc bất động sản cao cấp và phần lớn nhằm vào mục đích mua đi bán lại, hưởng chênh lệch giá (đầu tư thứ cấp). Số nhà đầu tư thứ cấp này hiện chiếm khoảng 15% khách mua BĐS tại TPHCM.  


Một dự án căn hộ cao cấp đang được triển khai tại TPHCM
(Ảnh minh họa: Mạnh Tùng) 

Theo HoREA, với những nhà đầu tư thứ cấp đầu tư trên 50% giá trị hợp đồng mua nhà bằng chính nguồn vốn của mình thì có thể yên tâm, nhưng trên thực tế nhiều nhà đầu tư, kinh doanh thứ cấp đã vay đến 70- 80% giá trị tài sản. Thậm chí, có người vay ngoài xã hội với lãi suất cao thì độ rủi ro rất lớn, và đây cũng là nhân tố tiềm ẩn làm phát sinh nguy cơ bất ổn trên thị trường bất động sản, HoREA nhận định. 

Theo khảo sát của TBKTSG Online với một số lãnh đạo doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, con số nhà đầu tư thứ cấp có thể lên tới 30-40% số người mua BĐS trên thị trường, đặc biệt với phân khúc đất nền. “Không có một cơ sở chính thức nào để đưa ra con số này, tất cả chỉ là ước lượng nhưng có thể nói, nhà đầu tư, kinh doanh bất động sản thứ cấp đang xuất hiện ngày một nhiều hơn kể từ đầu năm 2015 đến nay”, một tổng giám đốc sàn giao dịch BĐS tại TPHCM cho hay.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, cho rằng thực chất, hoạt động đầu tư, kinh doanh thứ cấp, bao gồm cho thuê, mua đi bán lại trên thị trường bất động sản là một bộ phận hữu cơ của nền kinh tế thị trường, giúp kết nối cung - cầu và làm cho thị trường sinh động.

Tuy nhiên, nếu hoạt động đầu tư, kinh doanh thứ cấp vượt quá ngưỡng chịu đựng của thị trường bất động sản thì có thể dẫn đến sự bất ổn, và đây cũng là một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng bong bóng trên thị trường như đã xảy ra vào các năm 2007 và năm 2010, ông Châu nhận định.

Ông Lê Hoàng Châu cũng dự báo, chưa có nguy cơ bong bóng bất động sản trong năm 2016 tại TPHCM nhưng cần tiếp tục quan sát, theo dõi kỹ các nhân tố bất ổn đang tích tụ tăng dần theo thời gian, để có giải pháp xử lý phù hợp, kịp thời, hiệu quả. 

Mạnh Tùng 
(TBKTSG)  


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo