Mặc dù có những tín hiệu tích cực hơn trong năm 2014 nhưng nhìn chung gam màu cơ bản của thị trường bất động sản TPHCM vẫn là màu tối, theo đánh giá của Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA).
Trong bản Báo cáo tình hình thị trường bất động sản và kết quả hoạt động trong năm 2014, dự báo thị trường và kế hoạch hoạt động năm 2015 của HoREA vừa công bố chiều nay, ngày 23/12, thị trường bất động sản vẫn còn trong giai đoạn rất khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến chính doanh nghiệp địa ốc, các tổ chức tín dụng, ngành sản xuất vật liệu xây dựng, thị trường lao động và khách hàng có thu nhập thấp.
Cụ thể, đến hết năm 2014, TPHCM có khoảng 1.400 dự án phát triển nhà ở thì mới có 426 dự án đã hoàn thành và đi vào sử dụng, chiếm 30,36%; và 201 dự án đang triển khai xây dựng, chiếm 14,32%.
TPHCM hiện có 689 dự án đang ngưng triển khai đầu tư xây dựng và 85 dự án đã bị thu hồi hoặc hủy bỏ chủ trương đầu tư. (Ảnh: Thành Hoa)
Trong khi đó, hơn một nửa số dự án này bị “đứt gánh giữa đường”, với 689 dự án đang ngưng triển khai đầu tư, chiếm 49,1% và 85 dự án đã bị thu hồi hoặc hủy bỏ chủ trương đầu tư, chiếm 6,05%.
Ngoài ra, kết quả giải ngân gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỉ đồng cũng không đạt như kỳ vọng khi đến nay, cả nước mới giải ngân được hơn 12% gói này. Tại TPHCM, theo báo cáo của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước, đến hết tháng 10-2014, các ngân hàng mới giải ngân 658 tỉ đồng cho 2 doanh nghiệp và hơn 390 tỉ đồng cho 1.444 cá nhân.
Tuy nhiên, bức tranh bất động sản 2014 vẫn có một vài nét tích cực, đánh dấu sự dần hồi phục của thị trường.
Phân khúc thị trường căn hộ quy mô vừa và nhỏ (dưới 70 mét vuông, giá bán dưới 15 triệu đồng/mét vuông) và có tổng giá bán khoảng trên dưới 1 tỉ đồng/căn vẫn là phân khúc chủ đạo và phát triển ổn định, bền vững trong nhiều năm qua cũng như hiện nay.
Nổi lên tại phân khúc này là các dự án của các doanh nghiệp như Thủ Đức House, Lê Thành, Nam Long, Hưng Thịnh, Phúc Khang, C.T Group, Hưng Ngân, Phước Thành, Đất Xanh, An Gia …
Tại phân khúc bất động sản cao cấp vẫn có những dự án vị trí tốt, nhiều tiện ích, chủ đầu tư uy tín được tiêu thụ tốt của Vạn Thịnh Phát, Novaland, Phú Long, Khang Điền, Him Lam, Phú Mỹ Hưng, SSG, Đại Quang Minh, Vingroup, KeppelLand, CapitalLand, Thủ Đức House, C.T Group,…
HoREA cũng nhận định, thị trường chuyển nhượng dự án bất động sản (M&A) phát triển tích cực trong năm 2014. Một số nhà đầu tư có năng lực như Novaland, Hưng Thịnh, Phúc Khang, Phát Đạt, An Gia, Đất Xanh… đã mua lại dự án hoặc hợp tác kinh doanh để tái khởi động các dự án đang gặp khó khăn và được thị trường đón nhận tốt. Điều này đã góp phần giải quyết hàng tồn kho, nợ xấu và cung ứng sản phẩm phù hợp với nhu cầu, khả năng tài chính của người tiêu dùng và thị trường, theo HoREA.
Theo ghi nhận ý kiến của một số doanh nghiệp địa ốc lớn tại TPHCM của Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, có thể thấy sự lạc quan của họ với thị trường bất động sản năm 2015 sau những bước đầu vượt qua thời kỳ khủng hoảng kéo dài từ những năm 2007-2008 đến nay.
Một số doanh nghiệp cho rằng, một thị trường bất động sản phát triển bền vững không có chỗ cho sự “ăn xổi ở thì”, chộp giật mà cần nhất là sự am hiểu thị trường, nhận biết khách hàng đang cần nhất sản phẩm gì để đầu tư vào phân khúc sản phẩm đó.
Các chủ doanh nghiệp nhận định, nhà ở quy mô vừa và nhỏ, giá bán trung bình và phân khúc đất nền nhà phố vẫn tiếp tục hút hàng trong năm 2015. Thêm nữa, với tâm lý cảnh giác nơi khách hàng sau nhiều vụ tranh chấp với chủ đầu tư, thì các sản phẩm nhà ở hoàn thiện vẫn luôn là lựa chọn hàng đầu của khách hàng.
Mạnh Tùng (TBKTSG)
- Tăng cường quản lý đất đai - đòn bẩy cho thị trường bất động sản
- Nhà ở xã hội: “Điểm tựa” thị trường 2015
- Cơ hội với đất nền vùng ven TP.HCM
- Nhà ở cho công nhân: Cần ưu tiên từ thủ tục đến nguồn vốn
- Những điểm mới của Luật Kinh doanh bất động sản
- Công khai thông tin đất đai ở các cấp: “Hòn đất mà biết nói năng...”
- Nhà ở xã hội tại Việt Nam: quan niệm, chính sách và thực tiễn
- Giải bài toán ổn định niềm tin
- Kế hoạch phát triển nhà ở thành phố Hà Nội
- Bất động sản Đà Nẵng đã “sáng”