Ashui.com

Thursday
Oct 10th
Home Chuyên mục Bất động sản Peter Ryder, “người mở đường” bất động sản cao cấp Việt Nam

Peter Ryder, “người mở đường” bất động sản cao cấp Việt Nam

Viết email In

Khi đến Việt Nam tìm cơ hội kinh doanh vào năm 1992, có lẽ doanh nhân người Mỹ Peter Ryder cũng khó hình dung được là sau hơn hai thập kỷ, ông được giới đầu tư bất động sản Việt Nam xem như “người mở đường” cho phân khúc cao cấp…  

Duyên nghiệp bất động sản

Cho đến nay, câu chuyện về “lựa chọn Việt Nam” của Peter Ryder vẫn gây ngạc nhiên lẫn tò mò cho nhiều người trong giới kinh doanh. 

Vào năm 1992, ông tình cờ gặp một người Việt và người này hỏi liệu ông có muốn đến Tp.HCM để hoàn tất một dự án bất động sản không. 

Cho dù thương vụ đó không thành, Sài Gòn nói riêng, Việt Nam nói chung bắt đầu thu hút người đàn ông Mỹ có đầu óc kinh doanh, để rồi sau đó Peter Ryder đạt được dấu mốc đầu tiên trong sự nghiệp kinh doanh tại Việt Nam, với việc tham gia vào dự án cao ốc văn phòng 63 Lý Thái Tổ tại Hà Nội.

Peter Ryder và một người bạn là Rick Mayo-Smith thành lập công ty tư vấn Indochina Capital năm 1992, sau đó quyết định đi huy động vốn để đầu tư vào bất động sản và mua cổ phần của các công ty Việt Nam.

Đó là trải nghiệm không dễ dàng cho các công ty tư vấn, và sau đó là các quỹ và công ty quản lý quỹ, khi mảnh đất tiềm năng vẫn chỉ đang trong giai đoạn đầu của quá trình thị trường hóa. Nhưng với việc Luật Doanh nghiệp 2000 ra đời kéo theo sự bùng nổ của khu vực tư nhân, Peter Ryder bắt đầu nhìn thấy cơ hội mở ra.

Điểm nhấn đáng kể nhất đến vào năm 2005, khi Indochina Capital huy động thành công 42 triệu USD đầu tiên cho quỹ Indochina Land Holding I để đầu tư vào các dự án bất động sản tại Việt Nam, mở đường cho việc huy động tiếp 265 triệu USD khác cho quỹ bất động sản thứ hai sau đó. Song hành, các hoạt động đầu tư khác trên thị trường chứng khoán cũng được thúc đẩy.

Nhưng vốn chỉ là điều kiện cần. Điều kiện đủ chính là việc vị doanh nhân này nhìn thấy trước những cơ hội trên phân khúc cao cấp của thị trường bất động sản, với việc một tầng lớp trung lưu đã và đang hình thành.

Như nhiều định chế tài chính khác, Indochina Capital cũng gặt hái và mất mát khá nhiều trong giai đoạn bùng nổ của thị trường chứng khoán Việt Nam những năm cuối thập kỷ trước. Nhưng nếu như mảng chứng khoán ghi nhận những biến động, hoạt động đầu tư vào bất động sản cao cấp do Indochina Land, một thành viên của Indochina Capital đảm trách, ghi nhận những bước tiến vững chắc.

Bắt đầu với dự án nghỉ dưỡng The Nam Hải, Indochina Land lần lượt hoàn thành các dự án khác như Six Senses Condao, Hyatt Regency Danang, Montgomerie Links Vietnam và Indochina Plaza Hanoi. Ngay cả trong điều kiện thị trường không thuận lợi, các dự án này vẫn đạt hiệu quả.

Tháng 10 này, Indochina Land sẽ tiến hành mở bán dự án biệt thự Eden, một dự án đã được mua lại từ một nhà phát triển trong nước và được làm mới bằng các giá trị mà Peter Ryder và các đồng sự đã dày công gầy dựng trước đó: tập trung làm tốt chiến lược khác biệt hóa so với những dự án cạnh tranh khác để mang lại những sản phẩm bất động sản giá trị cao và phong cách sống độc đáo.

Tiếp theo Eden, một dự án tổ hợp cao cấp tại Hà Nội và một dự án nghỉ dưỡng cao cấp khác cũng đã được Indochina Land “xếp lịch” cho năm 2015. Peter Ryder cũng cho hay, Indochina Land hiện đang “thảo luận nghiêm túc với ít nhất hai tập đoàn trong nước về cơ hội hợp tác”.

“20 năm trước là một câu chuyện khác hẳn hiện tại, không có một chủ đầu tư trong nước nào, trừ một số người xây dựng biệt thự cho bản thân họ. Nhưng đến bây giờ, một số người đã mở rộng kinh doanh và rất thành công. Điều thú vị là giờ đây chúng tôi có thể lựa chọn các đối tác trong nước, những người đã trở nên giàu kinh nghiệm và quan hệ”, ông nói. 

Nhìn thấy cơ hội

Như mọi nhà đầu tư, Peter Ryder cũng mong nền kinh tế Việt Nam hồi phục và tăng trưởng một cách bền vững và Indochina Capital sẽ có cơ hội lớn hơn trong đó.

Nhưng theo ông, ngay cả khi thị trường chưa thuận lợi, cơ hội vẫn rất nhiều.

Indochina Capital hiện vẫn đang lặng lẽ triển khai các hoạt động của mình như đã từng kiên định nhiều năm qua. Trong mảng đầu tư (investment banking), 10 năm qua dù nhiều thăng trầm nhưng định chế này vẫn đã và đang mở rộng liên tục và có những bước phát triển đáng kể, 9 tháng đầu năm 2014 ghi nhận việc giá trị tài sản Indochina Capital nắm giữ và quản lý tăng 27% trong khi tăng trưởng chung của cả thị trường đạt 20%.

Bên cạnh hoạt động này, hai định hướng quan trọng của Indochina Capital là đẩy mạnh mảng bất động sản và mở rộng kinh doanh chứng khoán vào năm 2015.

Với riêng mảng bất động sản, Peter Ryder nói rằng “khó khăn thách thức thì có ở khắp nơi”, nhưng “làm bất động sản ở bất kỳ nơi nào trên thế giới thì cũng đều khó khăn cả”. Khó khăn cũng nhiều hơn đối với nhà phát triển đã định vị mình là “người chơi” dẫn đầu trong phân khúc cao cấp nhưng mặt khác đó cũng là động lực để cạnh tranh.

Nhìn về tương lai, Peter Ryder nói rằng cơ hội trên thị trường chắc chắn còn rộng mở, nhưng cạnh tranh cũng sẽ tăng lên. Trong khi các chủ đầu tư trong nước lớn mạnh lên mỗi ngày, các nhà đầu tư nước ngoài như Hong Kong Land, CapitaLand, Keppel Land… cũng đã không hề rút khỏi Việt Nam trong giai đoạn khó khăn mà chỉ “cố tình bước chậm lại một chút nhưng vẫn góp mặt vào thị trường và cố gắng tìm cho mình sự khác biệt và khả năng cạnh tranh”.

“Đây được coi là giai đoạn ngủ đông của nhiều chủ đầu tư nước ngoài. Cho dù bạn kinh doanh tại New York, Hong Kong hay Rome, mọi thứ không hề dễ dàng cho những kẻ mới bước chân vào thị trường, tuy nhiên tôi cho tằng Việt Nam về cơ bản là rất hấp dẫn”, ông phân tích, nhấn mạnh rằng đồng Việt Nam khá ổn định và lãi suất đã hạ xuống, và đã có thặng dư thương mại lần đầu tiên trong 25 năm qua…

Vấn đề chủ yếu còn lại là ở hệ thống ngân hàng, khi chưa có điểm đến phù hợp để rót tiền vào hoặc các ngân hàng đang phải phân vân trước các quyết định cho vay.

Nhận định về những động thái chính sách mới đây của Chính phủ liên quan đến thị trường bất động sản, ông cho hay “sẽ có nhiều biến chuyển tích cực song song với quá trình tự do hóa đang diễn ra, giúp cho khách mua nước ngoài dễ dàng sở hữu bất động sản ở Việt Nam hơn”.

Một ví dụ được đưa ra so sánh là một căn hộ cùng chất lượng như căn hộ IPH đang có giá 20.000 USD/m2 thậm chí cao hơn ở một số thành phố khác trong khu vực, trong khi ở IPH chỉ là hơn 2.000 USD/m2.

Một biệt thự ở The Nam Hải hiện có giá 2,5 triệu USD trong khi các bất động sản đẳng cấp tương tự tại Phuket hoặc Bali có giá trên dưới 15 triệu USD.

“Khoảng cách giữa Việt Nam và thế giới sẽ được thu hẹp trong 10-20 năm nữa. Nếu bạn mở ra một thị trường cho những người mua có tiền, bạn sẽ thấy đây là thị trường có tiềm năng lớn với những sản phẩm cao cấp, đầu tư tốt và mức giá hợp lý”, ông nói. 

Anh Minh (VnEconomy) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo