Cần nhận thức lại chiến lược đô thị

Thứ hai, 04 Tháng 5 2009 13:38 KTS Nguyễn Trọng Huấn / DNSG Cuối tuần Quy hoạch đô thị
In

Không thể phủ nhận sau quyết định của Đại hội Đảng lần thứ VI, thay đổi cách nghĩ, cách làm, kết bạn với toàn thế giới, lựa chọn cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bộ mặt đô thị nước ta có nhiều thay đổi.

Chúng ta dường như có cơ hội cải thiện cuộc sống, chỉnh trang, nâng cấp hệ thống đô thị đã có, từng bước xây dựng các đô thị mới, ngõ hầu kiến tạo bộ mặt đô thị Việt Nam, dân tộc và hiện đại, xứng tầm với máu xương đã đổ và đáp ứng khát vọng vươn lên, ngang tầm thời đại như nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân, thực hiện di chúc thiêng liêng: “Xây dựng lại Đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.


Khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính (ảnh minh họa - xomnhiepanh.com)


Vấn nạn chưa có lối thoát

Không mất nhiều thời gian, nguồn vốn nước ngoài ồ ạt tuôn vào, nhiều đô thị không kịp lập quy hoạch, các cao ốc do nước ngoài đầu tư sừng sững mọc lên trên các nẻo đường Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương, Đà Nẵng v.v… và nhiều đô thị khác. Tưởng như mơ ước: “Đường ta rộng thênh thang tám thước…” (Thơ Tố Hữu) sắp hiện ra trong tầm mắt.

Khu chế xuất Tân Thuận mở đầu một hướng đi. Cho thuê đất, xây dựng các khu công nghiệp, hệ thống ngân hàng, hệ thống siêu thị, chung cư cao cấp v.v… bằng vốn nước ngoài có thể được xem như một giải pháp ưu tiên, miễn là nhà đầu tư đẹp lòng, đẹp ý. Mãi gần đây, khi “đại dịch sân golf” - tưởng như một chỉ báo về đô thị hiện đại, sắp sửa ngang bằng với các quốc gia khác - nhiều người mới giật mình rằng đất đai vốn không phải là vô hạn.

Đất của ta - Nhà của khách”. Hình khối kiến trúc của các cao ốc do nước ngoài thiết kế, đầu tư, chen nhau lèn chặt, phủ bóng xuống các khu trung tâm vốn có từ nhiều đời. Cũng nhiều người ngộ ra lẽ được mất mà thấy rằng, chúng ta có thể còn nhiều cách khác. Thử hình dung, nếu quy hoạch đón được thời cơ, bộ mặt kiến trúc đô thị được nghiên cứu, thiết kế cẩn trọng, các cao ốc trên được bố cục một cách hợp lý, thì bộ mặt đô thị Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có thể khác hơn không?


Các panô dự án mọc lên giữa ruộng lúa - Ảnh: Trần Việt Đức


Còn người Việt xây dựng đô thị ra sao?


Đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa ở Hà Nội được đánh giá là “con đường đắt nhất hành tinh!”. Gần 4km đường Nguyễn Hữu Cảnh và cầu Văn Thánh TP.HCM lún lên sụt xuống. Tiền của, ngân sách cứ thế tiếp tục đổ vào trong những năm qua, mãi chưa thấy đáy. Cầu Rạch Miễu, chiếc cầu dây văng đồ sộ, với niềm tự hào cây cầu lớn đầu tiên do người Việt thiết kế và thi công, vừa thông xe đã ách tắc do mặt cầu chỉ có 12m, quá hẹp so với lưu lượng phương tiện.

Cầu Thủ Thiêm ở TP.HCM, cầu Thanh Trì ở Hà Nội, cầu xong nhưng đường dẫn chưa làm. Tiền đền bù cho 1.000m2 đất bị giải tỏa chưa đủ để mua lại 100m2, còn tiền dựng nhà không biết kiếm đâu ra và bao giờ kiếm được. Vậy muốn thông xe toàn tuyến phải chờ đến khi thương lượng, giải tỏa xong mặt bằng.

TP.HCM đang vào chiến dịch xây dựng hệ thống thoát nước, lát hè, hàng trăm, hàng nghìn tỉ đồng đã được đổ ra, nhưng chắc chắn nhiều đoạn sẽ phải đào lên để “ngầm hóa” lưới cáp viễn thông và lưới điện vì đường phố đã không còn chịu nổi một mạng nhện chằng chịt các đường truyền dẫn. Ách tắc giao thông nghiêm trọng và chưa nhìn thấy lối thoát ở cuối đường hầm.


Toàn cảnh Thủ Thiêm, TPHCM  (ảnh : Thanh Niên)

Sớm nhất, năm 2014, Hà Nội mới có tuyến tàu điện ngầm đầu tiên, còn đường sắt cao tốc Bắc - Nam, xin chờ 27 năm nữa (năm 2036)! Xe buýt tự nhiên trở thành “hung thần đường phố”! Trong khi chưa tìm ra giải pháp thì chúng ta vội vã hạn chế xe thô sơ và hàng rong. Dù thân phận có lúc thấp hèn nhưng nếu họ đồng loạt “biến mất”, liệu thành phố có thể hoạt động bình thường? Ô nhiễm môi trường trầm trọng. Ngập úng tràn lan, thường xuyên, diện ngập toàn thành ở Hà Nội và TP.HCM là những vấn nạn chưa có lối thoát.

Ở Hà Nội, một loạt công trình ngẫu hứng muốn được gá lắp vào khu trung tâm làm dân chúng lo âu: Tòa nhà EVN bên bờ hồ Gươm, một siêu thị khăng khăng đòi xây dựng trên mảnh đất thiêng đang lưu giữ hài cốt các liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong ngày Toàn quốc kháng chiến, một khách sạn dứt khoát đòi xén bớt công viên Thống Nhất vì một hợp đồng đã ký cách đây hai mươi năm, dù nhà đầu tư nội địa ấy quá biết thành phố đang rất thiếu cây xanh và các khu vui chơi cho em nhỏ, người già.

Và cũng bất chấp dư luận, một tuyến cáp treo băng ngang vịnh Nha Trang dù có cản trở luồng tuyến ra vào của cảng tàu du lịch trên vịnh biển vào hàng đẹp nhất thế giới. Để kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, hàng loạt di tích kiến trúc cổ được hạ giải, đập đi làm mới. Một nhà máy Hyundai gây ô nhiễm môi trường diện rộng. Chỉ một nhà máy Vedan đủ làm chết một con sông. Vị trí và vai trò của “quy hoạch được duyệt” không có nhiều trọng lượng trong trường hợp có tranh chấp. Biết bao nhiêu đồ án quy hoạch đô thị vẽ xong, trình duyệt để rồi… xếp lại như quy hoạch thành phố Chân Mây, Bắc đèo Hải Vân! Và nhiều chuyện không thể kể hết về thực trạng xây dựng và quản lý đô thị ở nước ta.


Giáo Xứ Chánh Toà Nha Trang (ảnh : gpnt.net)


Chỉ có lợi cho nhà quy hoạch


Người Việt Nam có vẻ như đầy khát vọng cấp tập đô thị hóa bằng mọi giá. Tư duy tiểu nông, chỉ thấy lợi trước mắt, tác phong tùy tiện, chưa thể rũ bỏ thói quen ứng xử thời chiến, chính sách thay đổi liên tục, ít ai dám nghĩ chuyện đường dài. Tư duy chiến lược thường được coi là hoang tưởng. Tính hai mặt của đồng tiền bắt đầu lộ diện. Chúng ta làm mọi thứ để sớm có thành phố hiện đại nhưng quên mất xây nhà cho dân.

Ba mươi tư năm sau ngày đất nước thống nhất, Bộ Xây dựng mới sực tỉnh, người dân đô thị cũng cần có nhà! Và một kế hoạch xây nhà cho người có thu nhập thấp nhanh chóng được soạn thảo, trình duyệt. Những con số tròn trĩnh, hấp dẫn, nhưng để chính sách đi được vào đời sống còn bao nhiêu vấn đề kinh tế - kỹ thuật và văn hóa - xã hội phải tính toán, cân đong. Ngoài chức năng kinh doanh, Bộ Xây dựng còn một trách nhiệm xã hội rất nặng khi để nhiều người nghèo đô thị không có nổi một mái nhà che nắng, trú mưa.

“Luật Quy hoạch đô thị” được dự thảo lấy ý kiến rộng rãi chuẩn bị trình Quốc hội kỳ tháng 5 này. Khi đại biểu Ủy ban Thường vụ Quốc hội đặt câu hỏi: “Bản sắc đô thị Việt Nam là gì?”. Ông Bộ trưởng Bộ Xây dựng hồn nhiên trả lời: “Cái này thì chịu!”.

Tiếc thay, có lẽ trừ những người biên soạn, không một ai thỏa mãn, vì chất lượng văn bản và nội dung mà nó mang tải. Toàn bộ dự luật chỉ nhằm quy định một hành lang pháp lý có lợi cho những người lập quy hoạch. Vai trò của người dân, đối tượng thụ hưởng thành quả của các nhà soạn thảo gần như được cho đứng ngoài. Việc người dân bị gạt ra bên lề quá trình xây dựng và phát triển đô thị đang là một vấn đề thời sự nóng bỏng trong vụ vườn hoa Con Voi ở khu Trung Tự, quận Đống Đa, Hà Nội. Chủ trương dân chủ đến cơ sở bao giờ mới được thực thi?



Sự bất cập của công tác quy hoạch đô thị đang hình thành hai cách nhìn đối lập. Từ phía nhà cầm quyền: “Ý chí và quyền lực của lãnh đạo”. Về phía người dân: “Quy hoạch là một hiểm họa” chưa biết sẽ rơi xuống đầu ai và bao giờ?! Miếng đất, ngôi nhà anh đang ở, bỗng một ngày, có nhà đầu tư để mắt đến! Thì ôi thôi rồi! Chủ trương giải tỏa, đền bù để người dân đến nơi ở mới phải tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ là một chủ trương đầy tính nhân văn, nhưng khi thực hiện lại là một quá trình ngã giá, cò kè bớt một thêm hai. Mức chênh lệch giữa giá nhà nước và giá thị trường là một bài toán làm đau đầu cả hai bên.


Không nên giao cho Bộ Xây dựng vai trò quy hoạch


Nếu quy hoạch làm sai, ai sẽ là người chịu trách nhiệm?

Ai thẩm định quy hoạch những thành phố lớn trực thuộc Trung ương do Bộ Xây dựng nghiên cứu, đệ trình?

Quy hoạch thủ đô thuê tư vấn nước ngoài, liệu Bộ Xây dựng có đủ sức thẩm định, tư vấn cho Thủ tướng? Nếu thẩm định được, sao không làm để tiết kiệm ngân sách? Nếu thuê nước ngoài thẩm định thì chuyên gia thẩm định căn cứ hệ tiêu chí nào? Ai đề xuất hệ tiêu chí đó? Ai thẩm định hệ tiêu chí đó? Ai chịu trách nhiệm về kết quả thẩm định nếu kết quả đó sai? Không lẽ mọi việc lại vẫn dồn lên vai Thủ tướng? Vậy thành lập bộ chuyên ngành để làm gì?

Tiêu chuẩn nào cho việc lựa chọn kiến trúc sư trưởng? Quyền hạn và trách nhiệm kiến trúc sư trưởng? Liệu có cản trở, mâu thuẫn với quyền lực của thị trưởng khi chính quyền đô thị được xác lập? Hội đồng Tư vấn địa phương gồm những ai? Có đủ người để làm việc đó? Không quá khó để nhận biết một bộ luật sơ lược, khô cứng được rút ra từ những giáo điều từ lâu đã không còn sức sống, xa lạ với thực tiễn xây dựng và quản lý đô thị vô cùng phong phú và phức tạp, chưa có tiền lệ, chưa có giáo trình của xã hội Việt Nam.


Mô hình đồ án của Viện Kiến trúc, Quy hoạch Đô thị & Nông thôn (VIAP) đoạt giải Nhì cuộc thi “ý tưởng quy hoạch tổng thể khu đô thị Cảng Hiệp Phước”

Tóm lại, hơn nửa thế kỷ đã đi qua, ngành xây dựng Việt Nam từ hai bàn tay trắng đã từng bước xây dựng được một lực lượng chuyên ngành quy hoạch đô thị và phác thảo những nét tổng quát nhất cho một lĩnh vực chuyên môn trọng yếu, có vị trí và vai trò quan trọng trong công cuộc xây dựng đất nước này. Nhưng dù sao cũng chỉ là bước khởi đầu. Nên chăng một tổng kết có tầm quốc gia về ba mươi năm quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị, tác động nhiều chiều của quá trình đô thị hóa?

Lịch sử đã sang trang. Chiến lược đô thị hóa đất nước đang cần được nhận thức lại. Quy hoạch đô thị không còn thuần túy là việc xây dựng cơ sở vật chất, nhiệm vụ của riêng ngành xây dựng cơ bản.

Theo thống kê của Hiệp hội Quy hoạch và Phát triển đô thị:

“…Tốc độ đô thị hóa của trên 700 thành phố ở Việt Nam đã tăng nhanh kể từ năm 1991.

Năm 1989, số phần trăm trong tổng dân số sinh sống ở các khu đô thị, được xem như tỷ lệ đô thị hóa là 18,5%. Con số này đã tăng đến 20,5% trong năm 1997; 23,6% trong năm 1999 và 28% trong năm 2008, và Bộ Xây dựng dự đoán rằng tỷ lệ này sẽ tăng trung bình khoảng 40% vào năm 2020 với khoảng một nửa dân số quốc gia sẽ sinh sống trong thành phố, tương tự như các nước phát triển ở châu Á…” (nguồn: metvuong.com - 5-12-2008).

Nếu các số liệu thống kê và dự báo trên đầy đủ độ tin cậy thì chỉ hơn mười năm nữa, 43 triệu người Việt Nam sẽ trở thành thị dân và con số 730 đô thị hiện nay chắc chắn sẽ vượt con số ngàn. Nên vui hay nên lo trước thực trạng đô thị hóa của nước ta hiện nay. 

Xây dựng đô thị, xây dựng hệ thống đô thị, vùng ảnh hưởng đô thị, giải pháp kết nối và bảo vệ đô thị… thực chất là xây dựng đồng thời một xã hội đô thị văn minh, hiện đại, tương ứng với hệ thống cơ sở vật chất cần có. Sự nghiệp đó, một mình Bộ Xây dựng không thể gánh vác.

Việc duy trì lực lượng quy hoạch hiện nay như một công cụ chỉ để làm đầu mối, tham mưu, giúp Bộ Xây dựng thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về quy hoạch và quản lý đô thị là một lãng phí lớn. Tham gia công cuộc xây dựng đô thị, ngoài Bộ Xây dựng, còn nhiều bộ, ngành khác đang cùng chung lưng gánh vác. Bộ Giao thông - Vận tải trong hệ thống cầu đường đô thị, Bộ Tài nguyên - Môi trường trong quản lý môi trường và đất đai, chính quyền các cấp đang đóng vai trò quan trọng trong quá trình thực hiện…

Quy hoạch nông thôn, địa bàn cư trú rộng lớn của 70% dân số Việt Nam, có vai trò trọng yếu trong chiến lược “tam nông” bị bỏ quên quá lâu, không ai được giao trách nhiệm rõ ràng. Việc tổ chức lại công tác quy hoạch đô thị và nông thôn đang đặt ra những yêu cầu rất cấp bách, vượt ra ngoài khả năng quán xuyến hiện thời của Bộ Xây dựng.

Trách nhiệm đảm nhận trước dân, trước Đảng, sự nghiệp to lớn và khó khăn này đòi hỏi hình thành một bộ mới, xem việc xây dựng hệ thống đô thị của nước ta không chỉ là việc xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng mà là xây dựng một xã hội đô thị và nông thôn Việt Nam dân tộc - hiện đại - văn minh.

Việc tổ chức môi trường sống cho 86 triệu người dân, và còn hơn thế trong tương lai không xa, là một sự nghiệp trọng đại, là mục tiêu lý tưởng của cả Đất nước, của cả Dân tộc. Việc cải tiến bộ máy cho tương thích với tình hình, nhiệm vụ, là một việc thường xuyên, cần một quyết tâm chính trị trong sáng và kiên định.

Một BỘ “QUẢN LÝ - PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ và MÔI TRƯỜNG” cần được xem xét và nếu hợp lý, nên sớm được hình thành.

KTS Nguyễn Trọng Huấn

>> Ba vấn đề lớn của quy hoạch đô thị

>> Tư duy về quy hoạch đô thị


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: