Được biết, hiện hàng loạt nhà máy sản xuất gạch ngói đất sét nung, trong đó có những nhà máy công nghệ hiện đại sản xuất ceramic, sứ vệ sinh cũng buộc phải ngừng sản xuất do sản phẩm làm ra không tiêu thụ được. Xin ông cho biết những con số có tính “định lượng” để qua đó thấy được thực trạng của ngành sản xuất gốm sứ xây dựng (GSXD) hiện nay?
- Có thể nói hàng chục năm nay chưa bao giờ các DN GSXD Việt Nam lại gặp nhiều khó khăn đến thế. Xin dẫn chứng ra đây những “con số biết nói” để dễ hình dung ra bức tranh ảm đạm của các DN GSXD: Hiện có tới trên 50% lượng sản phẩm hàng hóa làm ra bị tồn kho, không bán được. Và con số Hiệp hội mới cập nhật, có trên 15 triệu m2 gạch ốp lát ứ đọng với giá trị tồn kho khoảng 1.000 tỷ đồng. Nhiều DN đã bán tháo hàng với giá thấp hơn cả chi phí. Việc xuất khẩu GSXD cũng khó khăn không kém. Nếu năm 2007 toàn ngành xuất khẩu được khoảng 130 triệu USD thì năm nay cũng không vượt qua được giá trị đó vì các thị trường nhập khẩu GSXD cũng chịu ảnh hưởng chung từ khủng hoảng kinh tế của nước họ và thế giới. Hiện tại, cũng có trên 50% các dây chuyền sản xuất gạch ốp lát trên cả nước đã dừng sản xuất. Trên 100 ngàn lao động thuộc ngành phải làm việc cầm chừng hoặc thiếu việc làm, đời sống của họ gặp rất nhiều khó khăn.
Đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, thưa ông?
- Thị trường xây dựng và bất động sản “đóng băng” là nguyên nhân cốt lõi khiến không chỉ gốm sứ mà tất cả các ngành công nghiệp sản xuất VLXD đều khốn đốn, đình trệ. Với riêng các DN sản xuất gốm sứ thì giá nhiên liệu, đặc biệt là giá than tăng quá cao, thậm chí tăng tới mức vô lý là một khó khăn không nhỏ cho các nhà sản xuất. Tính ra trong vòng 1 năm mà giá than đã tăng gấp 3 lần. Xin thưa là ngành than cần phải tính toán việc tăng giá bán trên cơ sở chi phí hợp lý trước khi quyết định nâng giá bán, chứ theo cách làm hiện nay, chúng tôi cho là họ có phần ép các DN sản xuất trong nước. Rồi việc các ngân hàng xiết chặt tín dụng cũng là yếu tố tăng thêm các nguyên nhân khiến cho ngành GSXD Việt Nam lao đao.
Hiệp hội GSXD Việt Nam và các DN ngành nghề có những biện pháp gì để khắc phục khó khăn?
- Hiệp hội GSXD Việt Nam đã họp mặt gần 100 nhà sản xuất là hội viên và DN cùng ngành để bàn bạc nhằm cùng nhau tháo gỡ khó khăn để vượt qua giai đoạn đầy thách thức này. Chúng tôi đã nhất trí rằng tất cả các DN phải rà soát quá trình sản xuất và tiết kiệm chi tiêu triệt để giảm chi phí sản xuất tối đa. Mặt khác chống hiện tượng bán phá giá đang diễn ra, các DN cam kết không bán sản phẩm dưới mức chi phí sản xuất làm “vạ lây” cho DN khác. DN nào vi phạm sẽ bị Hiệp hội GSXD Việt Nam nhắc nhở hoặc thông báo toàn ngành cũng như thông báo trên website và Tạp chí của Hiệp hội… Mặt khác, những DN quá khó khăn cũng cam kết dừng một phần hoặc toàn bộ dây chuyền sản xuất.
Hiệp hội cũng thống nhất những nội dung kiến nghị tới Chính phủ: Với giá xăng dầu và giá than hiện tại, nhiên liệu chiếm từ 30 - 45% chi phí trong giá thành của gạch ốp lát và sứ vệ sinh. Nhưng giá bán hiện rất cao gây khó khăn cho DN. Vì vậy, Hội kiến nghị với Chính phủ: Đối với than nhiên liệu, việc đang phải thực hiện theo giá ở Quyết định số 646/QĐ/TTN-KH-KTT ngày 18/3/2008 của TCty Than và Khoáng sản Việt Nam là quá cao, đề nghị được áp dụng theo mức giá tại Quyết định cũ số 227/QĐ/TTN-KH-KTT ngày 29/1/2008. Mức giá này sẽ giảm bớt khó khăn cho các DN GSXD và cũng phù hợp với xu hướng nhiên liệu thế giới đang giảm. Thứ hai, thực tế giá xăng dầu thế giới đang giảm sâu, do đó đề nghị Chính phủ chỉ đạo để có cơ chế công khai tăng giảm giá và thời gian tối đa cho mỗi lần áp dụng tăng giảm giá trong nước phù hợp với sự tăng giảm giá của thị trường thế giới.
Trân trọng cảm ơn ông!
Anh Thư - Khánh Vy (thực hiện)
Tin mới hơn:
- Tiêu thụ vật liệu xây dựng giảm mạnh
- Giá phôi thép giảm mạnh, doanh nghiệp trong nước khó cạnh tranh
- Mở rộng tầm nhìn về kính xây dựng
- Ngành thép vỡ quy hoạch
- Ngành đá ốp lát: Cơ hội và thách thức
Tin cũ hơn:
- Tháo bỏ rào cản cho vật liệu xây dựng "sạch": Từ đâu?
- Hướng đến thị trường kính lành mạnh
- Ngành thép Việt Nam có "ảo tưởng"?
- Ngành thép có "viết tiếp" bài học xi măng lò đứng?
- Cuộc chiến CERAMIC: "Kịch bản" tồi tệ tái diễn