Ashui.com

Wednesday
Apr 24th
Home Vật liệu / Thiết bị Thị trường Quy hoạch tổng thể phát triển VLXD Việt Nam đến năm 2020

Quy hoạch tổng thể phát triển VLXD Việt Nam đến năm 2020

Viết email In

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa ký ban hành Quyết định số 121/2008/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng (VLXD) Việt Nam đến năm 2020, theo đó tiếp tục đầu tư phát triển các loại vật liệu cơ bản như xi măng; vật liệu ốp lát, sứ vệ sinh; kính xây dựng; vật liệu xây, lợp; đá, cát xây dựng và vật liệu trang trí hoàn thiện; đồng thời chú trọng phát triển các loại vật liệu mới, thân thiện với môi trường.

Quy hoạch nêu rõ: Phát triển vật liệu xây dựng (VLXD) phải bảo đảm tính bền vững, góp phần phát triển kinh tế, tạo sự ổn định xã hội và bảo vệ môi trường; phù hợp với các quy hoạch khác liên quan.

Tiềm năng về tài nguyên khoáng sản, thị trường, công nghệ, lao động sẽ được khai thác để phát triển ngành VLXD thành ngành kinh tế mạnh, từ năm 2010, đáp ứng về số lượng, chất lượng và các chủng loại VLXD cơ bản cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia sản xuất và kinh doanh VLXD. Để đáp ứng được quy hoạch thì đội ngũ cán bộ ngành vật liệu xây dựng phải nhanh chóng làm chủ công nghệ sản xuất. Đến năm 2015 Việt Nam phải tự chế tạo được các dây chuyền sản xuất VLXD quy mô tương đối lớn, có trình độ công nghệ tiên tiến, phải làm chủ trong việc sản xuất, dịch vụ cung cấp phụ tùng thay thế, đặc biệt là phụ tùng thay thế cho nhà máy xi măng.

Theo Quy hoạch, các nhà máy xi măng lò quay có công nghệ hiện đại, quy mô lớn, cơ giới hóa và tự động hóa cao, tiêu tốn ít nhiên liệu, nguyên liệu, tiết kiệm năng lượng và giảm thiểu ô nhiễm môi trường sẽ được xây dựng. Không đầu tư mới các nhà máy xi măng lò đứng và trạm nghiền không có cơ sở sản xuất clinker. Dự kiến, sản lượng xi măng sẽ tăng mạnh, từ hơn 59 triệu tấn năm 2010 lên 88,5 triệu tấn năm 2015 và 112 triệu tấn năm 2020.

Đối với kính xây dựng, chú trọng sản xuất các mặt hàng kính có kích thước và độ dày lớn, các loại kính có tác dụng cách âm, cách nhiệt, kính có khả năng tự làm sạch... Đầu tư mới công nghệ kính nổi hiện đại. Đến năm 2020, sản lượng kính xây dựng sẽ đạt hơn 200 triệu m2.

Về gạch đất sét nung, phát triển sản xuất gạch nung chất lượng cao có giá trị kinh tế, đặc biệt là các loại gạch xây không trát phục vụ xây dựng trong nước và xuất khẩu.

Về vật liệu xây không nung, tỷ lệ gạch không nung đến năm 2015 đạt 20 - 25% và năm 2020 là 30 - 40% tổng số vật liệu xây trong nước.

Đối với vật liệu lợp, phát triển sản xuất ngói nung truyền thống 22 viên/m2 ở các địa phương có nguồn nguyên liệu. Nghiêm cấm sử dụng amiăng amfibole (amiăng nâu và xanh) trong sản xuất tấm lợp. Đến năm 2020, sản lượng vật liệu lợp dự kiến đạt 224 triệu m2.


Sản phẩm kính của Đáp Cầu được sản xuất theo công nghệ hiện đại

Quy hoạch cũng định hướng phát triển các vật liệu ốp lát nội thất với những tính năng đặc biệt như ngăn ngừa sự ngưng tụ hơi nước, bám bẩm, có khả năng hút mùi hôi... Phát triển sản xuất ván gỗ công nghiệp để thay thế gỗ tự nhiên trong xây dựng, tấm trần từ các nguyên liệu chính là keo hữu cơ và sợi vải thủy tinh có khả năng chống cháy, các vật liệu cách âm, cách nhiệt từ bông sợi khoáng, bông thủy tinh, bông gốm...

Thủ tướng Chính phủ cũng quy định cụ thể việc phối hợp thực hiện Quy hoạch giữa các bộ Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Giao thông Vận tải, Giáo dục và Đào tạo, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Bộ Xây dựng được giao theo dõi, chỉ đạo việc thực hiện Quy hoạch; hàng năm tổ chức đánh giá, đề xuất các nội dung cần điều chỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định điều chỉnh cho phù hợp với tình hình kinh tế xã hội của đất nước và hội nhập quốc tế.

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo