Mới đây, Việt Nam đã vượt qua Trung Quốc để trở thành nước xuất khẩu hàng nội thất thành phẩm lớn nhất vào thị trường Hoa Kỳ.
Theo nghiên cứu của Furniture Today, Việt Nam đã xuất 7,4 tỷ USD đồ nội thất sang Mỹ trong năm dương lịch 2020, tăng 31% so với năm 2019. Trong khi đó, Trung Quốc đã xuất 7,33 tỷ USD sang Mỹ trong cùng kỳ, giảm 25% so với năm 2019.
Mặc dù khoảng cách là tương đối nhỏ, nhưng vị trí của Việt Nam trên thị trường thế giới cho thấy ngành nội thất đã phát triển như thế nào trong những năm qua, Furniture Today nhận định.
Trong hơn hai năm qua, Chính phủ Hoa Kỳ áp đặt mức thuế cao tới 25% đối với hầu hết các loại đồ nội thất. Nửa cuối năm 2018, khi thuế quan của Trung Quốc bắt đầu ở mức 10%, ngành công nghiệp này đã bắt đầu chuyển ra khỏi Trung Quốc, mặc dù lúc đầu còn chậm. Các lô hàng đồ nội thất của Trung Quốc giảm 1% xuống 13,6 tỷ USD. Trong khi đó, các lô hàng của Việt Nam đã tăng 9% lên 4,2 tỷ USD (từ 3,9 tỷ USD trong năm 2017).
Một sự thay đổi mạnh mẽ hơn đã xảy ra vào năm 2019, khi các lô hàng của Trung Quốc giảm 28% xuống còn 9,7 tỷ USD. Trong khi đó, các lô hàng của Việt Nam tăng 35% lên khoảng 5,7 tỷ USD. Như vậy, hai năm biến động cuối cùng đã đưa Việt Nam vượt lên trước Trung Quốc trong việc xuất khẩu đồ nội thất sang Mỹ.
Fred Henjes, Giám đốc điều hành của Riverside Furniture Corp cho biết: “Điều đó không làm tôi ngạc nhiên chút nào. Chúng tôi không còn mua đồ nội thật từ Trung Quốc nữa, và tôi biết ngoài chúng tôi còn có nhiều bên khác cũng vậy”.
Ông lưu ý rằng nội thất phòng ngủ, phòng ăn, nội thất văn phòng và phòng làm việc tại nhà đều là những mặt hàng nhập khẩu lớn của Riverside từ Việt Nam. Ông cho biết, trong khi lượng đơn hàng tồn đọng vẫn ở mức cao, đặc biệt là do những thách thức về hậu cần như đảm bảo lượng container, các lô hàng đã được cải thiện vào cuối năm.
“Tôi tin rằng họ sẽ duy trì vị trí đó trong một thời gian dài”, Henjes nói về sự phù hợp của Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất đồ nội thất. Những người khác cũng nói rằng Việt Nam đã trở nên quan trọng hơn như một nguồn cung hàng đầu.
Terry McNew, Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Klaussner Home Furnishings nói thêm: “Điều đó không làm tôi ngạc nhiên. Tôi nghĩ rằng việc tăng thuế đối với Trung Quốc chắc chắn đã tác động đến giá cả của họ”.
Klaussner, giống như nhiều công ty khác trong phân khúc gỗ, nhập tất cả đồ nội thất bằng gỗ của mình từ Việt Nam. McNew cho biết doanh số bán hàng trong phân khúc gỗ từ Việt Nam đã tăng 10% trong năm ngoái. Đồ nội thất bằng gỗ khác là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất từ Việt Nam với 1,9 tỷ USD xuất khẩu, tăng 43% so với năm trước.
Nhưng sự gia tăng lớn nhất về chủng loại sản phẩm chính là ghế ngồi bọc khung gỗ. Giá trị xuất khẩu đã tăng 83% so với năm trước. Các mặt hàng tiếp theo được đặt hàng từ Việt Nam là đồ nội thất phòng ngủ bằng gỗ, với giá trị các lô hàng giảm 5% xuống 1,1 tỷ USD; ghế bọc khung gỗ, tăng 22% lên gần 912 triệu USD và giường gỗ, tăng 11% lên 778,9 triệu USD.
Dù HMI (Home Meridian International) và nhiều hãng khác đã gặp thách thức trong việc vận chuyển hàng hóa ra khỏi châu Á trong năm ngoái vì đại dịch, Lee Boone của HMI cũng thừa nhận tầm quan trọng của Việt Nam.
“Tất cả đều được thúc đẩy bởi thuế chống bán phá giá những năm trước và thuế quan áp lên hàng Trung Quốc hiện nay”. Boone nói. “Việt Nam vẫn đang cố gắng bắt kịp và thúc đẩy năng lực”.
Nhiều doanh nhân trong ngành cho rằng sản lượng hàng nội thất xuất khẩu tăng lên của Việt Nam xuất phát từ việc Mỹ giảm nhập hàng Trung Quốc. Họ cũng lưu ý rằng với nhu cầu từ những người tiêu dùng đang ở nhà vì Covid-19, sản lượng hàng nội thất xuất đi của Việt Nam có thể còn cao hơn nữa, nếu không vì những hạn chế về logistics đã ảnh hưởng đến toàn bộ ngành.
Thái Quỳnh
(Theo Nhịp sống kinh tế)
- Thị trường thép hình thành mặt bằng giá mới
- Giá thép tăng “sốc”, nhiều dự án bất động sản ngưng thi công
- Ngành Vật liệu xây dựng vượt khó thời Covid-19
- Thụy Sỹ tăng mạnh nhập khẩu đồ nội thất gỗ Việt Nam
- Nghịch cảnh nhà thầu xây dựng "khóc ròng", giá cổ phiếu thép tăng vọt
- Viglacera trở thành công ty con của Gelex
- Khi Việt Nam thành nước công nghiệp, tiêu thụ thép phải đạt 700kg/người/năm
- Thị trường vật liệu xây dựng: Kỳ vọng cuối năm sẽ khởi sắc
- Trước mắt doanh nghiệp xuất khẩu gỗ cao su dạng tấm vẫn áp mức thuế 0%
- Thị trường xi măng: Gạn đục khơi trong