Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Vật liệu / Thiết bị Thị trường Ngành xi măng và nỗi lo xa…

Ngành xi măng và nỗi lo xa…

Viết email In

Những năm qua, trong bức tranh chung của ngành xây dựng, ngành xi măng (XM) vẫn được coi là mảng sáng với lợi nhuận, mức tiêu thụ tăng đều qua các năm. Nhưng vài năm tới, ngành này có phải đối mặt với nỗi lo cạnh tranh, áp lực tiêu thụ khi tổng công suất thiết kế tăng và xuất khẩu gặp khó khăn?  


(Hình minh họa) 

Xuất khẩu khó nhưng vẫn đạt kế hoạch năm

Theo Vụ VLXD, trong năm 2015, tổng sản lượng XM tiêu thụ cả nước ước đạt 72 triệu tấn, đạt 100% kế hoạch đề ra, trong đó XM tiêu thụ nội địa không dưới 55,5 triệu tấn, đạt trên 103% kế hoạch năm và tăng khoảng trên 9,5% so với năm 2014; xuất khẩu khoảng 16,5 triệu tấn, đạt 85% kế hoạch năm, giảm 19% so với năm 2014. Tính đến cuối năm 2015, cả nước có 76 dây chuyền sản xuất XM với tổng công suất thiết kế đạt 81,56 triệu tấn/năm. 

Vụ trưởng Vụ VLXD Lê Văn Tới khẳng định: Tuy chúng ta không đạt chỉ tiêu xuất khẩu sản phẩm XM, nhưng bù lại sản lượng tiêu thụ trong nước năm nay tăng khá, nên tổng sản lượng tiêu thụ vẫn đạt kế hoạch đề ra. Trung bình tổng công suất khai thác của các nhà máy XM cả nước đạt trên 90%.

Tính đến cuối năm 2015, cả nước có 76 dây chuyền sản xuất XM với tổng công suất thiết kế đạt 81,56 triệu tấn/năm (bao gồm XM Dầu Khí 12/9 công suất 0,6 triệu tấn/năm, XM Công Thanh 2 công suất 3,6 triệu tấn/năm). Bộ Xây dựng dự báo: Nhu cầu tiêu thụ XM cả nước năm 2016 đạt khoảng 76 - 78 triệu tấn, tăng 5,5 - 8,4% so với năm 2015, trong đó tiêu thụ nội địa khoảng 59 - 61 triệu tấn, xuất khẩu 16 - 17 triệu tấn.

Theo Vụ trưởng Vụ VLXD Lê Văn Tới, năm 2016 sẽ không có thêm nhà máy XM đi vào sản xuất. Từ năm 2017 - 2020 sẽ có một số nhà máy mới đi vào hoạt động. Công suất thiết kế dự kiến sẽ cán đích khoảng 100 triệu tấn vào năm 2020, đảm bảo nhu cầu tiêu thụ nội địa và có 12 - 14% công suất dự phòng.

Năm 2017 có thêm 2 nhà máy là XM Sông Lam công suất 4 triệu tấn/năm và XM Thanh Liêm công suất 2,3 triệu tấn/năm đi vào sản xuất. Như vậy đến năm 2017 ngành XM sẽ có tổng công suất 87,86 triệu tấn/năm.

Và từ năm 2018 trở đi sẽ có thêm một số nhà máy như XM Tân Thắng công suất 2 triệu tấn/năm, XM FiCO công suất 1,4 triệu tấn/năm, XM Xuân Thành công suất 4,5 triệu tấn/năm, nâng công suất toàn ngành lên 95,76 triệu tấn/năm. Hiện Việt Nam đứng thứ 5 sau Trung Quốc, Ấn Độ, Iran và Mỹ về sản lượng sản xuất XM trên thế giới và vị trí này có thể thay đổi trong vài năm tới đây.

Đại diện một doanh nghiệp XM cho biết: Dù sản lượng tiêu thụ XM năm 2016 được dự báo tăng so với năm 2015 nhưng các nhà máy XM trên cả nước vẫn không thể hoạt động hết công suất. Trong thời gian tới, thị trường XM chắc chắn sẽ dư cung và cạnh tranh trên thị trường này sẽ ngày càng quyết liệt.

Còn theo đánh giá của ông Nguyễn Quang Cung - Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam, trong vòng 1 - 2 năm tiếp theo nguồn cung XM có thể cân bằng với khả năng hấp thụ. Những năm tiếp theo thì khó có thể dự báo chính xác.

Chuyên nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh

Khi thị trường XM dư cung, một quy luật tất yếu là cạnh tranh giữa các doanh nghiệp XM sẽ ngày càng quyết liệt hơn. Không chỉ cạnh tranh với doanh nghiệp trong nước, các doanh nghiệp XM Việt Nam còn gặp phải áp lực cạnh tranh của các doanh nghiệp XM nước ngoài. Không có con đường nào khác bởi muốn tồn tại, phát triển, buộc các doanh nghiệp XM phải chuyên nghiệp hơn trong các hoạt động, từ khâu sản xuất đến phân phối, tiêu thụ, bán hàng, chăm sóc khách hàng, đặc biệt cần chủ động, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Thực tế, ngành XM Việt Nam được đánh giá là đầu tư bài bản, hiện đại. Trừ một số doanh nghiệp XM địa phương sử dụng công nghệ lạc hậu, còn lại đa số các nhà máy đều được đầu tư bài bản, công nghệ tiên tiến thế giới, sử dụng máy móc, thiết bị tiêu chuẩn châu Âu. Nhưng thực tế, qua quá trình sản xuất vận hành, mức tiêu hao điện, than, đá của nhiều nhà máy vẫn ở mức cao, có nhà máy chưa lắp đặt thiết bị tận dụng nhiệt thừa khí thải để phát điện… Vì vậy, nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết giảm chi phí sản xuất cũng như chi phí bán hàng, chi phí vận chuyển lưu thông là vấn đề các doanh nghiệp XM cần tính đến để nâng cao năng lực cạnh tranh, khẳng định uy tín, thương hiệu. 

Vũ Huyền 
(Báo Xây dựng) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo