Ashui.com

Tuesday
Apr 16th
Home Vật liệu / Thiết bị Thị trường Cuộc chiến "sắc màu"

Cuộc chiến "sắc màu"

Viết email In

Thời điểm cuối năm, thị trường sơn nước bắt đầu nóng dần khi nhu cầu xây dựng và sơn sửa nhà cửa để đón Tết tăng lên. Tuy nhiên, sự đa dạng về chủng loại màu sắc và đặc tính của các dòng sản phẩm sơn nước trên thị trường đã khiến người tiêu dùng không khỏi lúng túng. Chỉ có điều trong “cuộc chơi” này, các doanh nghiệp nội đang phần nào lép vế.

Sân chơi của các thương hiệu ngoại

Theo thống kê của Hiệp hội Sơn-Mực in Việt Nam (VPIA), thị trường sơn xây dựng Việt Nam hiện có khoảng 60 nhà sản xuất, gồm cả trong và ngoài nước. Trong đó, chỉ có khoảng 10 nhà sản xuất sơn cao cấp nhưng đã chiếm đến 65% thị phần. Cụ thể, các hãng sơn ngoại đang chiếm ưu thế và dẫn đầu ngành sơn Việt Nam gồm các thương hiệu ngoại như AkzoNobel (Dulux), 4Oranges (với các nhãn hiệu sơn Mykolor, Boss, Spec, Expo), Jotun hay Nippon. Và những đại gia này vẫn không ngừng đầu tư để giữ vững vị thế của mình.

Ông David Teng, Tổng Giám đốc Công ty Sơn AkzoNobel Việt Nam, cho biết nhà máy sơn trang trí của AkzoNobel được xây dựng dựng vào tháng 9.2007 với vốn đầu tư ban đầu là 8 triệu euro, trên tổng diện tích 60.000 m2. Tháng 6.2012, chúng tôi đã công bố hoàn thành giai đoạn quan trọng trong việc mở rộng nhà máy tại Việt Nam, tiếp tục đà tăng trưởng liên tục công ty tại Việt Nam cũng như cả lĩnh vực sơn trang trí của AkzoNobel tại khu vực Đông Nam Á. Tính đến nay, khoảng 13 triệu euro đã được đầu tư cho nhà máy sơn trang trí của AkzoNobel tại khu công nghiệp Mỹ Phước 2, Bình Dương. Dự kiến, nhà máy sẽ hoàn thành vào năm 2016 và đây sẽ là nhà máy sơn hiện đại nhất Việt Nam và khu vực, với công suất tăng gấp 3 lần so với thiết kế ban đầu.

Trong khi đó, Công ty 4Oranges cũng nhìn nhận Việt Nam là thị trường đầy tiềm năng cho các sản phẩm sơn nước. “Nhu cầu vật liệu xây dựng tại Việt Nam còn khả năng phát triển rất cao. Mức sử dụng sơn trang trí trên đầu người mới ở mức 1,5 lít. Con số này ở Thái Lan là 4 lít, còn ở các nước phát triển là 7 lít”, ông Chalermsak Pimolsri, Phó Tổng Giám đốc 4Oranges, nhận định.

Với công suất 100 triệu lít sơn/năm, chiến lược kinh doanh của 4Oranges là tập trung nhiều cho thị trường bán lẻ cùng với mảng dự án, các công trình lớn; đồng thời cũng đầu tư nhiều cho dịch vụ, hệ thống các trung tâm phối và pha màu. Hiện tại, 4Oranges đầu tư hệ thống 2.000 trung tâm phối và pha màu tại Việt Nam.

Cùng lúc đó, Công ty Jotun Việt Nam cũng đã tăng vốn đầu tư lên 16,1 triệu USD để mở rộng nhà máy và nâng công suất đáp ứng nhu cầu thị trường. Đại diện của Công ty cho biết hiện Jotun đang duy trì mức tăng trưởng 20%, doanh thu hằng năm khoảng 50 triệu USD. Mới đây, Jotun còn đầu tư 1 triệu USD để triển khai ERP quản trị nguồn lực nhằm hoạt động hiệu quả hơn tại Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, theo ý kiến của nhiều đại lý, doanh nghiệp sản xuất sơn trong nước mới chỉ khai thác ở mảng sơn trang trí nội, ngoại thất, chủng loại sơn chưa nhiều. Tuy năng lực cạnh tranh của các hãng sơn nội địa còn kém hơn so với các hãng sơn ngoại nhưng những năm gần đây, nhiều thương hiệu sơn nội vẫn gia nhập thị trường với nhiều thương hiệu mới như Kova, Đồng Tâm, Tison, Alphanam, Hòa Bình...

Dù vậy, thị trường của các hãng sơn nội chủ yếu bán ở các tỉnh và phân phối thông qua kênh đại lý với mức chiết khấu cao, còn thị phần tại các thành phố lớn thì rất khó chen chân. Mảng cung tư vấn và cung cấp cho các dự án xây dựng lớn thì chưa có khả năng khai thác. Mặt khác, do các thương hiệu sơn nội chưa chú trọng đến quảng bá thương hiệu nên vẫn yếu thế hơn các thương hiệu sơn nước ngoài. Một số thương hiệu đã tìm được chỗ đứng tại thị trường Việt Nam với dòng sản phẩm cao cấp nhưng hướng đi chính lại là tập trung xuất khẩu, ví dụ như thương hiệu Kova.

So màu sắc, đếm tính năng

Được doanh nghiệp nội “nhường” sân chơi, các hãng sơn ngoại càng mạnh dạn đầu tư thâu tóm thị trường. Trong một thị trường sơn nước phong phú về chủng loại, đa dạng về mẫu mã, màu sắc, chất lượng cũng như giá cả, việc quan tâm và chăm sóc nhu cầu mới của khách hàng chính là chìa khóa để cạnh tranh.

Đối với AkzoNobel, chủ lực của công ty này chính là dòng sản phẩm Dulux Weathershield dành cho sơn ngoại thất và Dulux 5 trong 1 dành cho sơn nội thất. Với dòng sản phẩm Dulux Weathershield, AkzoNobel đã phát triển và ứng dụng tính năng làm mát có công nghệ phản xạ nhiệt làm giảm nhiệt độ bên ngoài bức tường đến 5oC so với loại sơn ngoài trời thông thường. Trong khi đó, sản phẩm Dulux 5 trong 1 lại có tất cả các tính năng mà một sản phẩm sơn nội thất cao cấp có thể đáp ứng: khả năng chống nấm mốc, ngăn ngừa vi khuẩn, bề mặt sơn nhẵn mịn, khả năng chùi rửa tốt và có thể che phủ các khe nứt nhỏ hiệu quả.

Không chịu thua kém, Jotun Việt Nam vừa đưa ra thị trường sản phẩm sơn ngoại thất Jotashield chống phai màu, giúp kéo dài thời gian sơn phủ lại ngôi nhà, mang lại hiệu quả kinh tế lâu dài, góp phần tiết kiệm chi phí ngay cả khi sử dụng sản phẩm sơn cao cấp. Trong khi đó, sản phẩm sơn Mykolor và Spec của 4Oranges là dòng sản phẩm tính hợp những đặc tính thân thiện với môi trường, không chứa chì và thủy ngân, tốt cho sức khỏe của các thành viên trong gia đình.

Đối với phân khúc sơn nước cao cấp, cạnh tranh về giá hiện nay đã không còn gay gắt. Quan tâm của khách hàng đã chuyển sang màu sắc và tính năng của sản phẩm. Do đó, các hãng sơn không ngừng nghiên cứu sáng tạo để đưa ra thị trường sản phẩm ngày càng đạt chuẩn mực cao về màu sắc và tính năng sử dụng. Xu hướng thị trường quan tâm nhiều tới sản phẩm không chỉ đẹp về màu sắc, mà còn phải thân thiện với môi trường, bảo vệ người tiêu dùng và nhất là phải có giá cả cạnh tranh. Vì vậy, doanh nghiệp nào tích hợp được các yếu tố đó vào sản phẩm của mình sẽ có lợi thế hơn trên thị trường.

Đình Bắc (Nhịp cầu Đầu tư)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo