Đô thị hóa nông thôn - Muốn làm, phải hiểu

Thứ ba, 13 Tháng 11 2012 07:23 Ashui.com
In

Đô thị hóa và những tác động của nó đến nông thôn Việt là vấn đề cũ mà vẫn mới. Cũ, bởi nó được nói đến nhiều. Nhưng mới vì đến nay, chúng ta vẫn đang loay hoay, chưa tìm ra được phương thức để giải quyết những tồn tại một cách hợp lý. Công cuộc đô thị hóa nông thôn cần phải có cái nhìn sâu xa, bản chất và toàn diện để trước tiên nhận biết, sau đó là can thiệp.  


Đô thị hóa nông thôn chính là sự tự phát 

Đến nay, sự nhận biết những biểu hiện, hiện tượng của đô thị hóa đa phần là qua vẻ bề ngoài, qua những biểu hiện vật chất. Người ta nói, nông thôn giờ cũng có nhà nhiều tầng, cũng dùng những vật liệu, thiết bị tương tự thành thị. Về mặt kiến trúc, xây dựng với những hình hài na ná như đô thị. Đó là biểu hiện mà ta dễ thấy và dễ nói. 

Nông thôn xuất hiện hệ thống hạ tầng rất giống đô thị, như là hệ thống đường sá bê tông hóa, nhựa hóa. 

Nông thôn cũng xuất hiện những dạng đường phố trên cơ sở Phố hóa đường làng, như xuất hiện những tiệm, cửa hàng như đô thị, tuy với quy mô nhỏ hơn từ karaoke đến gội đầu, café…

Một biểu hiện hiển thị nữa, đó là trong cách ăn mặc, sinh hoạt của đa phần người dân nông thôn, nhất là tầng lớp trẻ… 

Nhìn vào tất cả những yếu tố đó, người ta gọi đó là biểu hiện của đô thị hóa. Nói như thế mới chỉ là sự nhận biết bề ngoài, không sâu xa và chưa hẳn đã là bản chất. Như vậy, chúng ta không có đầy đủ những “cơ may” để định hướng, dẫn dắt, can thiệp vào quá trình vận động đô thị hóa nông thôn đang tự phát như hiện nay. Nông thôn với tư cách là những làng xóm, là những cấu trúc cộng cư bao giờ cũng phát triển theo hướng tự phát và phát triển rất chậm, từ nội lực bên trong và ít bị tác động bởi động lực bên ngoài. Sự phát triển nông thôn bị chi phối rất chậm, lâu, bền và dai dẳng bởi hệ tư tưởng của xã hội, chế độ xã hội, từ đó sinh ra lực quán tính. Cấu trúc cộng cư nông thôn và cấu trúc cộng cư đô thị, đều là cấu trúc cộng cư cả nhưng là biểu hiện của hai tầng nấc tiến hóa của văn minh cộng cư. Hình thái cộng cư nông thôn hình thành trên cơ sở sản xuất nông nghiệp, những người phần lớn làm ruộng và nền kinh tế tự cung tự cấp, yếu tố giao lưu thông thương hết sức mờ nhạt, hãn hữu. Các làng xóm Việt Nam thường có xu hướng khép lại, thu mình vào bởi nền tảng kinh tế tự cung tự cấp. Người nông dân “sống trong làng, chết ra đồng”, ra đồng để cấy cày, hoặc ra đồng để chết. Còn sống là sống trong khuôn khổ ngôi làng, bị chi phối bởi luật lệ của làng (thành văn hoặc bất thành văn) – rất sâu xa. Sự độc khép ấy được kéo dài từ thời này qua thời khác, được củng cố bởi hệ thống tư tưởng hệ phong kiến và hệ thống quản lý nông thôn là sản phẩm hết sức tinh tế, bền dai của chế độ phong kiến, phân tầng rất chặt chẽ. Và, với làng quê Việt Nam, cái cơ bản ấy chính là nét đặc trưng của một cấu trúc cộng cư nông thôn – phát triển hết sức chậm và định hình dần dần, rất ít biến đổi và nó không bao giờ có sự phát triển nhanh, nhạy như đô thị. Ngược lại với nó, đô thị là một cấu trúc thoát ly khỏi nền sản xuất nông nghiệp với hoạt động chính là làm ra những sản phẩm đi lên từ nông nghiệp, thủ công… phục vụ đời sống nhưng không phải là cấy trồng và từ trao đổi hàng hóa.


Đâu là bản chất của đô thị hóa nông thôn?

Bản thân quá trình vận động từ làng đến phố diễn ra trong một khoảng thời gian khá dài. Trước khi đến đô thị thì phải đi từ làng đến thị, từ thị đến phố. Khi người nông dân ra phố, trở thành con người khác. Con người thứ nhất là con người gia công, con người thứ hai là con người buôn bán. Người gia công, người buôn bán trong sự cộng cư tứ xứ đã hình thành, đúc kết, tinh chế lên một nền văn hóa đô thị, văn hóa phố. Thành phố khi đó trở thành một thiết chế động, còn nông thôn là một thiết chế đọng bị chi phối bởi lực quán tính, nền sở hữu chia chác… Chính cái động làm cho đô thị là một cơ thế luôn luôn chuyển động, biến đổi trong sự cạnh tranh, giao lưu, sàng lọc và đào thải rất nhanh, tiếp thu cũng rất nhanh. Cộng với việc nâng cao dân trí, sự thoát ly ràng buộc với lũy tre làng, người dân đô thị có sức bứt phá nhưng chưa quá nhanh. Bởi, tính đến thời điểm hiện tại, người phố cũng chưa khác xa người nông dân nhiều lắm, vì họ cũng mới thoát ly khỏi đồng ruộng mà thôi. Nhưng, dù sao những con người đó cũng đã được “nạp acquy”, có nhân tố sản xuất phi nông nghiệp, có buôn bán, có cạnh tranh, trở nên rất tích cực. 

Nông thôn Việt Nam là một cấu trúc cộng cư cố hữu sâu xa không chỉ bởi cấu trúc cơ thể xóm làng mà còn bởi lực quán tính không dễ gì buông nới người nông dân. Làng Việt Nam với lũy tre bao quanh, là một biểu hiện của sự ngưng đọng với sự phát triển hết sức chậm, một thiết chế mà cái cổng sinh ra không phải để đi ra, mà là để bước vào. Người ta sống với nhau trong khuôn viên nhà, khuôn viên làng xóm. Cái làng là một thiết chế cứng, đọng, từ cổng làng đến ngõ xóm, đến mỗi gia đình đều có cổng. Sự phân chia không gian ấy cũng là phân chia của cả xã hội và mối quan hệ. Người nông dân sống trong khuôn viên đất của mình đều vo lại trong cái khuôn viên riêng đó, tự cung tự cấp. Họ trồng cây lấy gỗ làm nhà, lấy quả để ăn, trồng rau, nuôi gà… với cái ao được coi là “vạn năng” vừa là công cụ vi khí hậu, vừa là nơi để nuôi cá, tắm giặt, lấy nước… hoàn toàn đều có ý nghĩa riêng của nó… như một “sơ đồ khép” mà chỉ nông thôn Việt Nam mới có. Tư duy ấy chi phối quan điểm, cuộc sống của người dân đến tận hiện tại, và ảnh hưởng tới tư duy quản lý của cả đất nước. Miền Bắc (Bắc Ninh) ảnh hưởng rõ nhất qua việc xây tường gạch phân chia giữa hai nhà. Vào đến miền Trung như Huế, phân cách bằng việc rào dậu bằng cây trà tàu. Miền Nam thì gần như để buông… Đó hoàn toàn xuất phát từ hệ tư tưởng, không phải từ vấn đề đất chật người đông. Do bị ràng buộc bởi hệ tư tưởng phong kiến, người ta phải khoanh lại sau bức tường. 

Chúng ta phải nhìn nhận nông thôn Việt Nam như thế, không phải chỉ ở cuộc vận động cách mạng hướng về đô thị rằng người nông dân phải dùng các đồ tiện nghi như đô thị, hàng hóa của đô thị, thì đã là đô thị hóa. Người nông dân, dù có ra đô thị ở 20 – 30 năm trong mỗi con người vẫn tồn tại tính chất riêng. Cái đó đôi khi nhầm, người ta coi đó chính là “bản sắc” Việt Nam. Nhưng, người nông dân là gì, là sở hữu nhỏ lẻ, tư duy ngắn gọn, thiết thực, ngại cái mới, bảo thủ, ăn chắc mặc bền... Cuối cùng, người nông dân Việt Nam phần lớn bị chi phối bởi tư duy tự phát, tư duy ứng biến.

Sự thay đổi lớn nhất của nông thôn thời điểm hiện nay mà chúng ta có thể nhìn ra ngay, đó là chất lượng sống thay đổi, phương thức sản xuất thay đổi, hạ tầng thay đổi… Nhưng thay đổi bản chất nhất hiện nay là: thôn làng là những hạt nhân cộng cư kiểu nông thôn đang trở thành những thiết chế cộng cư động, nhưng rất bị động. Tuy có tính động như đô thị nhưng chậm hơn. Thiết chế này được thể hiện rõ khi người nông dân không hạn chế trong một ngôi làng hoặc liên xã, huyện mà họ có khả năng nhìn xa hơn rất nhiều. Người nông dân thoát ly khỏi nông thôn cũng rất nhiều. Tái nhập trở lại nông thôn cũng rất nhiều. Hãy nhìn lại một làng quê nông thôn hiện tại, còn lại bao nhiêu người, người ra thành thị học, người ra làm việc, người bán hàng… có chăng còn lại toàn người già và trẻ em, những người trong độ tuổi lao động đã không còn mấy ai mặn mà với con trâu, thửa ruộng. Người ta khi làm ra tiền của lại mang về quê. Hàng ngàn hàng vạn người dân đang phủ kín các đô thị và chính lực lượng ấy đang nông thôn hóa những hạt nhân đô thị hiện rất ít ỏi của Việt Nam. Đô thị Việt Nam thực sự với ý nghĩa là đô thị có văn hóa đang rất ít. Chính sự tràn ra đô thị một cách ồ ạt như hiện nay lại có một hiện tượng rất hay, đó là nông thôn hóa đô thị, cả về lối sống, cả về văn hóa. Đô thị dội lại nông thôn bằng những tiện nghi, bằng kiến trúc, lối sống… và nông thôn chấp nhận một cách vội vàng, có phần đua đòi.


Không thể đổi mới nông thôn bằng sự áp đặt 

Nông thôn đang có một sự thay đổi hoàn toàn về bản chất. Người nông dân hiện nay liệu có còn gắn bó với ruộng đất như xưa? Chúng ta phải tiếp cận, ứng xử với nông thôn hiện nay với tư cách là một thiết chế cộng cư động, năng động hóa nhưng vẫn bị ràng buộc rất nhiều bởi lực quán tính. Cái hiện đại, mới mẻ vào đô thị Việt Nam đã là dạng “méo”, vào nông thôn còn “méo” hơn rất nhiều. Tư duy cũ, nề nếp cũ… người nông dân bị chi phối rất nhiều bởi những tập tục, quan niệm cố hữu và đồng thời bởi sở hữu nhỏ lẻ mà chưa được giải quyết. Người nông dân bất đắc dĩ mới ở lại nông thôn, còn không đều dắt díu nhau ra đô thị. Đó là điều chúng ta phải nhìn thấy và phải giải quyết vấn đề dựa trên những cơ sở thực tế này. Đáng sợ nhất là chúng ta vẫn đang nhìn nhận nông thôn như một sự hoài niệm. Hoặc, hiểu nhầm nông thôn, cho rằng tất cả những thứ chúng ta nhét vào họ đều tiêu thụ hết. Không, họ không dễ dàng tiếp nhận những cái mới. Tất cả những mô hình này, mô hình kia, từ nhà ở cho đến phương thức sản xuất trước giờ không thành công là bởi sự áp đặt, phần lớn duy ý chí. Người nông dân Việt Nam không thích bị áp đặt. Và họ phản ứng với điều đó. 

Nếu chúng ta thực sự muốn nông thôn được hiện đại, chúng ta phải hiểu biết về nó thực sự sâu xa, nông thôn là thế nào, người nông dân là thế nào… cần hiểu đến tận cùng ngọn nguồn. Mình phải thoát ra khỏi thói quen chỉ bảo, mệnh lệnh, mô hình này mô hình kia… Bởi lẽ, bản chất nông thôn tư duy tư hữu rất lớn, ngõ của người ta, cây của người ta, ruộng của người ta… cộng thêm sự trì trệ của tư duy, làm sao ta có thể mang một bản quy hoạch lạ lẫm vào? Làm sao họ chấp nhận nó? Ai có thể làm được 10 vạn quy hoạch đó, cho phù hợp bởi mỗi nơi lại có những đặc tính riêng biệt, có hàng nghìn vạn cái ràng buộc của nó. Mình không thể theo từng yếu tố đó được. Mình chỉ có thể đưa ra những gợi ý, với những vùng này nên như thế này, vùng kia nên như thế khác, và mình tạo ra mẫu để họ tham khảo. Đặc tính của nông dân là thích bắt chước, chúng ta phải nắm bắt được đặc tính này. Ở mỗi vùng, chúng ta tạo ra những mẫu nhà vừa hữu dụng, vừa hợp thời tiết và giá thành rẻ, dễ làm… Khi có người làm rồi, được khen ngợi, hợp lý thì ắt hẳn người dân sẽ theo nhau, đua nhau. Và, như vậy gợi ý và định hướng của chúng ta mới thành công. Áp đặt quy hoạch hay kiến trúc đều là vô lý. Nông thôn Việt Nam cần có hướng tiếp cận riêng, khéo léo và gợi mở. Phải đưa ra những hướng dẫn dựa trên tình hình cụ thể để gợi mở cho người dân. Nếu chúng ta đi theo lối áp đặt, thiếu thực tế, sẽ dẫn tới một nông thôn chống đối và phá vỡ đi cấu trúc riêng của nó. Với đô thị, có thể chi phối được nhiều như thế, mà hầu như vẫn không quản lý được. Nông thôn còn khó hơn bội phần. 

Quá trình đô thị hóa nông thôn, phải hiểu vì sao người dân lại làm nhà chia lô, vì sao lại dùng những vật liệu trang trí lòe loẹt, tốn kém… Những cái đó, không nên chỉ ngồi giữa Hà Nội mà phê phán. Cần phải đánh vào nhận thức, hướng dẫn cho người dân có thể có những ngôi nhà đơn sơ nhưng vẫn đủ đẹp, bền và tiện lợi. Vì sao tại Nhật Bản, khắp vùng nông thôn đều có một vài kiểu nhà riêng biệt, mang nét đặc trưng rõ rệt. Cho nên, phải có người hướng dẫn thật chi tiết, chu đáo và cảm thông. Cần có những cuộc giao lưu với nông dân, mang mẫu nhà về hỏi ý kiến của họ, vì sao thích vì sao không…

Những xu hướng muốn đồng nhất hóa giải pháp cho tất cả các vùng như việc tất cả mọi người cùng đội chung một kiểu mũ sẽ là điều không tưởng. Nông thôn Việt luôn là sự đa dạng, thực thể xóm làng Việt Nam là muôn hình muôn vẻ. Chúng ta không phải chỉ nghĩ ra giải pháp mà phải nghĩ ra giải pháp hoàn toàn khả thi, thiết thực và phù hợp với nông dân. Quan trọng hơn cả, chính là việc truyền tải, bưng bê những cái đó để người dân tin tưởng và vận dụng vào. Chúng ta chỉ có thể bưng cái mới vào được với điều kiện phải biết cách truyền tải đến họ. Đó chính là phương thức truyền tải. Đã có ai nghĩ đến một cái thôn, cái làng trong quá trình đô thị hóa, cần có những cái gì, điều gì có thể làm ngay? Cái gì làm bằng xây dựng, cái gì làm bằng giáo dục, tuyên truyền…?


Xây dựng mô hình nông thị cho làng quê Việt

Hiện nay, khi quá trình đô thị hóa nông thôn đang diễn ra một cách tự phát mà chúng ta không kiểm soát được, nếu không cẩn thận nó sẽ trở nên nham nhở, lưng chừng, là một cái đuôi của đô thị và tạo ra sự lãng phí, tạo ra những tàn dư ghê gớm. Chúng ta nên nghĩ tới một hình thái cộng cư kiểu mới ở nông thôn trong thời kỳ quá độ dài, đó là hình thái nông thị - agro town. Tức là, một đô thị về cơ bản vẫn là sản xuất nông nghiệp, có tiện nghi đô thị, có kinh doanh, giao lưu, hình thái của nó là sự pha trộn giữa nông thôn và thành thị nhưng được định hình trong hình thái nông – thị. Không phải là ngôi làng cứ phát triển tùy tiện như hiện nay mà là ngôi làng được phát triển theo hướng hạt nhân cơ bản vẫn là nông nghiệp, nhưng xung quanh có những nhân tố văn hóa, thương mại đô thị… nó như một cái thị trấn, người nông dân sống trong một đô thị nhỏ mà người ta tiếp cận được văn minh đô thị nhưng không quá tương phản với nề nếp cũ. 

Ngày nay, ngay cả các nước văn minh như Đức, Pháp, Nhật… nông thôn hiện nay đang trở thành chốn bị bỏ quên, dân cư thưa thớt nhưng chính cuộc sống nông thôn giúp cho xã hội bình ổn, là nguồn vô tận cho xã hội phát triển. Còn, tất cả đều dồn về đô thị, không hiểu xã hội sẽ ra sao. Và còn cần có hình thái cộng cư kiểu nào nữa?

Chúng ta đang có một sự đam mê bảo tồn quá mức, không thể coi bất cứ cái gì của nông thôn trước đây đều là tốt đẹp. Không thể coi tất cả những làng xóm ngày xưa đều là di sản. Mỗi làng đều có cái ký ức riêng của nó. Nhưng, không thể biến cả ngôi làng thành bảo tàng. Cả Việt Nam, chỉ có một vài ngôi làng thực sự cần bảo tồn, mà cũng phải bảo tồn trong quy chế mềm. Du lịch hóa nhưng vẫn để người ta sống bình thường. Đường Lâm (Hà Nội) là một ví dụ. Nó sở dĩ còn tồn tại đến nay bởi thứ nhất là chiều dài văn hóa của nó, thứ hai là bởi nó không chịu tác động đột biến của sự phát triển xã hội. Cứ cưỡng bức nó, bắt nó thành bảo tàng, là điều vô lý. Phải có những giải pháp mềm mại giữa Bảo tồn – Cải tạo – Phát triển. Đây là ba yếu tố song song tương hỗ lẫn nhau. Không phải cứ thấy làng xóm đổi mới là lôi ra phê phán. Khi chúng ta đang ở nhà lầu xe hơi, chúng ta không thể bắt họ sống mãi với nhà tre vách đất, không thể biến nông thôn thành nơi để người dân đô thị “thăm viếng” mỗi dịp cuối tuần. Theo điều tra ở Hải Dương, 95% dân số muốn sống trong nhà ở hiện đại. Chúng ta hiện đang quá cực đoan trong quá trình bảo tồn, khiến người dân gặp những “oan uổng” không đáng có. Mà những “oan uổng” này cũng bởi chúng ta đang lười quá, chưa tập trung nghiên cứu những mô hình hữu ích, hợp lý để biến cái bảo tồn thành cái lợi chứ không phải là sự thống khổ cho người dân.

GS Hoàng Đạo Kính / Trần Anh (ghi) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: