Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Tương tác Phản biện Xe đạp “hậu hiện đại”

Xe đạp “hậu hiện đại”

Viết email In

Ô tô chuẩn bị đóng các loại phí “khủng” đến độ nhiều người đã nghĩ đến nước rao bán xế hộp. Thông tin mới từ Ủy ban An toàn giao thông quốc gia lại “bồi” thêm: Sẽ cấm hoàn toàn xe máy ở Hà Nội và TP.HCM. Vậy thì chỉ còn duy nhất một giải pháp: Xe đạp.

Tôi rất ghét những người viết lách đem khái niệm “hậu hiện đại” ra để “dọa” nhau. Hậu hiện đại là gì, mỗi người định nghĩa một cách, đại khái văn chương chữ nghĩa hay nghệ thuật sẽ đi từ cổ đại đến hiện đại và sau hiện đại tất nhiên sẽ là hậu hiện đại. Đại khái, đó sẽ là một thứ còn hiện đại hơn cả hiện đại, nó phá tan hoang cái hiện đại ra để nghệ thuật được chảy tóe loe ra nhiều hướng khác nhau, mà có khi thực chất nó lại quay lại thời ăn lông ở lỗ.


Xe đạp trên đường phố Hà Nội trước đây

Trong sự tiến hóa của các loại xe cộ ở Việt Nam, tôi bỗng nhận ra xe đạp là một biểu hiện sinh động nhất của chủ nghĩa “hậu hiện đại” tồn tại ngay trong đời sống bình thường. Hãy hình dung ra một cảnh tượng mang đầy phong vị của chủ nghĩa “hậu hiện đại” như thế này: Một ngày nào đó tất cả xe máy, ô tô, máy bay - tóm lại là tất cả các phương tiện xài xăng dầu đều nhất loạt biến mất (hoặc bị cháy hết). Và bởi một phép màu nào đó, loài người không ai còn nhớ đến cảm giác mát rượi khi cưỡi trên xế hộp, hay vi vu phóng xe máy trên đường nữa... Tất cả chúng ta đều hài lòng với chiếc xe đạp cà tàng của mình, và nghĩ rằng nó là phương tiện “tiến hóa nhất” rồi.

Và khi bạn dong xe ra đường, trời ơi có thể tưởng tượng được không, đường phố toàn xe đạp. Từ các vị quan chức to béo bụng phệ, đến các vị doanh nhân thành đạt có phi cơ riêng, và đến cả các em chân dài như Elly Trần, Ngọc Trinh…, mặc váy ngắn váy dài hay comple cà vạt, kèm sơ mi, giày dép Gucci, túi xách Levis… tất cả nhất loạt đều gò lưng trên những chiếc xe đạp của mình hoặc được tài xế riêng đèo trên gác-ba-ga!

Xin nhắc lại đây không phải một buổi đạp xe diễu hành vì môi trường mà mọi người có thể làm điệu với cùng một màu áo, kiểu mũ và kiểu xe. Đây là một ngày làm việc thực sự, và mỗi người đều đi chiếc xe đạp thường ngày của mình, với đủ chủng loại, kích cỡ, màu sơn, và tất nhiên theo thời gian chiếc xe có thể bị cũ đi, yên thì rách, pê đan chỉ còn là hai đoạn bút chì, còn khung thì sứt sát, han gỉ.

Báo mạng khi đó sẽ nhan nhản những cái tít như doanh nhân nọ, người đẹp kia khoe xe đạp “khủng”; nữ sinh cắt cổ đại gia đi xe Phượng Hoàng; giám đốc sở đi lễ chùa bằng xe mi-fa biển xanh, chủ tịch tỉnh cưỡi xe đạp Thống Nhất tương đương với 3.000 con nghé… vân vân và vân vân. Tất nhiên khi xe đạp là tột đỉnh của sự “tiến hóa” xe cộ rồi, thì giá cả của nó sẽ rất đắt, và đó sẽ là thứ để chúng ta phô trương đẳng cấp hoặc lén lút tham ô.

Ôi chao, nếu thế thì trong khoảnh khắc, các đường phố hiện đại của Hà Nội hay TP.HCM ngày nay tuy vẫn lòe loẹt, sặc sỡ như thế, con người các giới vẫn ồn ào hào nhoáng như thế, nhưng khung cảnh bỗng bị đẩy lùi về thời kỳ tiền công nghiệp hay thời kỳ đầu thuộc địa. Tất cả chỉ vì cái phương tiện đi lại.

Tôi cho rằng sự pha trộn giữa cuộc sống hiện đại với cái xe đạp cổ lỗ sẽ cho chúng ta một minh chứng rõ nhất về cái gọi là chủ nghĩa hậu hiện đại.

Chưa có ai thống kê tỉ lệ xe đạp còn hiện hữu ở Hà Nội, hay TP.HCM. Còn theo quan sát của tôi trên đường phố thì xe đạp rất hiếm, nếu không nói là cực hiếm, nhất là từ khi phong trào cấm học sinh đi xe mô tô có đầy đủ các biểu hiện của chủ nghĩa đánh trống bỏ dùi, cộng thêm với việc đổi giờ học giờ làm, khiến cho cơ hội xuất hiện chiếc xe đạp “hậu hiện đại” giữa dòng xe máy, ô tô chen chúc thật vô cùng hiếm hoi.

Đang là phương tiện “đỉnh của đỉnh” của người Việt Nam vào thời bao cấp, chiếc xe đạp bị ngả nghiêng trước cơn lốc xe máy bãi của Nhật những năm 1990, sau đó thì bị đè bẹp hoàn toàn trong làn sóng Dream Tàu, Wave Tàu. Rất nhanh, chiếc xe đạp không còn tồn tại trong mắt người Việt nữa, người ta không coi nó là tài sản đã đành (điều đó là hợp lý thôi, vì giá xe quá rẻ) mà cũng không coi nó là một phương tiện cần có những tiêu chuẩn an toàn. Giờ đây, tôi đố bạn tìm được một cửa hiệu xe đạp trên đường phố nữa. Ở mấy khu chợ bình dân vẫn còn khá nhiều xe đạp, chủ yếu là của các bà bán rau quả, nhưng các bà vứt xe mỗi chiếc một nơi: gốc cây, cột điện, thậm chí để chúng đổ kềnh ra sau lưng, không chiếc xe nào có khóa (mặc dù mấy thằng nghiện ở khu này đến đôi dép cũng có thể bị chúng đánh thó). Người ta không còn coi chiếc xe đạp (dĩ nhiên là các loại xe cũ) là thứ có thể bị mất cắp nữa.

  • Ảnh bên: Biển số xịn cho xe đạp thời hậu hiện đại

Xét cho cùng thì chiếc xe máy có thể coi là một sự thay thế hoàn hảo cho những chiếc xe đạp bởi sự cơ động, tiện dụng tuyệt vời của nó. Nhưng đó không thể là sự thay thế tuyệt đối.

Trong những quãng đường ngắn hoặc cực ngắn, hoặc trắc trở thì xe đạp không kém xe máy về tốc độ, chưa kể nó còn ít cồng kềnh hơn, và giúp người ta rèn luyện sức khỏe tốt hơn. Về mặt kinh tế, chiếc xe đạp xứng đáng là cỗ máy thô sơ mà vĩ đại nhất mọi thời đại của loài người, bởi với nó, ta không phải dùng một nguồn năng lượng nào ngoài sức lực của chính mình mà lại sinh ra được nhiều “công” hơn và đi được những quãng đường dài hơn.

Điều đáng nói nhất là ở chỗ, hầu hết người Việt Nam ở các thành phố lớn đã gần như đánh mất hoàn toàn thói quen đạp xe. Cứ bước chân ra khỏi nhà là nhất thiết phải leo lên chiếc xe máy. Họ tưởng nhanh hơn, nhưng thực tế khi mỗi người với chiếc xe máy của mình đều chen lấn xô đẩy để được đi nhanh hơn người khác một tí, thì tất cả đều bị chậm lại. Có thể thấy rõ, tốc độ di chuyển trong nội đô bằng xe máy, ô tô bây giờ thậm chí còn thấp hơn cái thời kỳ toàn dân chỉ đạp xe.

Tôi đã thấy chiếc xe đạp thời bao cấp đi vào bảo tàng. Và tôi cũng chứng kiến các nghệ sĩ đương đại đưa chiếc xe đạp vào các tác phẩm trình diễn, sắp đặt của mình. Khi thoát ly khỏi chức năng giao thông để chuyên chở các tư tưởng đương đại của các nghệ sĩ, tôi bỗng thấy chiếc xe đạp, người bạn cũ của tất cả chúng ta, trở nên lạ lẫm vô cùng, dù mình mới rời xe đạp đâu có xa.

Sẽ đến một lúc nào đó, vượt qua cái hiện đại ồn ào chen chúc này, với giá xăng liên tục tăng cao, và nguồn nhiên liệu hóa thạch sắp cạn kiệt, có thể chúng ta sẽ tới thời “hậu hiện đại” với chiếc xe đạp, mà thực ra là trở về với những cái cổ sơ nhất, và văn minh nhất của loài người. Ngày ấy gần tới rồi chăng?

Nguyễn Mỹ

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo