Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Tương tác Phản biện Đổi mới chính sách nhập cư đô thị

Đổi mới chính sách nhập cư đô thị

Viết email In

Các đô thị lớn và vùng kinh tế trọng điểm cần chủ động khảo sát đánh giá thực trạng nhập cư, nắm vững nguyện vọng của người dân, dự báo được xu hướng và đề xuất các giải pháp thỏa đáng để nhập cư là cơ hội đóng góp cho phát triển đô thị chứ không trở thành gánh nặng.

Chính sách công bằng

Việc quản lý dân số đô thị hiện thời dựa vào hộ khẩu gia đình tại nơi cư trú. Những người nhập cư có tổ chức (xuất phát từ nhu cầu tìm việc làm hay đoàn tụ gia đình) sau một thời gian đăng ký tạm trú có thể được đăng ký hộ khẩu chính thức. Còn những người nhập cư tự do (nhập cư tạm thời theo mùa vụ để kiếm thêm thu nhập lúc nông nhàn) rất khó khăn trong việc có hộ khẩu chính thức. Những người không có hộ khẩu nhưng đã có nơi cư trú và việc làm tương đối ổn định, có ý định cư trú lâu dài thì gọi là đối tượng KT3. Những người mà nơi ở và việc làm tạm bợ là đối tượng KT4. Các đối tượng KT3, KT4 gặp nhiều khó khăn khi tìm việc làm trong khu vực kinh tế chính thức, khi chữa bệnh trong bệnh viện công hoặc cho con cái vào học trường công. Việc mua bán bất động sản cũng gặp nhiều trở ngại, buộc họ phải mua lèn lút hoặc lấn chiếm đất công để dựng những túp lều tạm bợ rồi sửa sang nâng cấp dần dần, tạo thành các “xóm liều” các khu “ổ chuột” không có cơ sở hạ tầng tối thiểu.

Thế nhưng chính các đối tượng này đã bổ sung nguồn lao động đáng kể cho thị trường lao động đô thị và có đóng góp nhất định cho sự phát triển của đô thị. Họ thường làm những công việc tuy cần thiết nhưng người dân đô thị không muốn làm vì vất vả, nặng nhọc hoặc lương thấp.

Quốc hội và trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng đã diễn ra các tranh luận sôi nổi về việc xóa bỏ chế độ hộ khẩu và thay bằng thẻ cư trú hay thẻ công dân để người nhập cư được đối xử công bằng như các công dân khác chứ không còn là công dân hạng hai nữa.

Chính sách toàn diện

Phần lớn người nhập cư đô thị tìm kiếm việc làm trong khu vực kinh tế không chính thức. Thế nhưng chưa có chính sách rõ ràng đối với khu vực kinh tế này. Bộ LĐTB&XH phân chia hoạt động trong khu vực kinh tế không chính thức thành 3 loại hình chủ yếu:

  • Đơn lẻ: bán hàng rong, xe ôm, giúp việc gia đình…
  • Theo hộ gia đình: hàng quán, may vá, rửa xe…
  • Doanh nghiệp tư nhân quy mô nhỏ (dưới 10 lao động).

Như vậy, khu vực kinh tế không chính thức cung cấp việc làm cho khoảng 60% lao động đô thị, bao gồm cả người nhập cư.

Chính quyền đô thị chấp nhận một số dạng hoạt động kinh tế không chính thức như giúp việc gia đình, phụ việc bán hàng, xe ôm… nhưng lại khó chịu với một số dạng hoạt động khác được xem là tổn hại đến mỹ quan, cản trở giao thong như hàng rong, chợ cóc nên ra sức cấm đoán. Thế nhưng các hoạt động đó tạo ra nguồn thu nhập cho người nghèo và người nhập cư nên họ phải bám lấy bằng cách này hay cách khác, không thể xóa bỏ được. Vì vậy biện pháp quản lý hiệu quả là tạo điều kiện và khuôn khổ thích hợp cho các hoạt động này và chỉ cấm đoán khi chúng vượt ra ngoài giới hạn khuôn khổ đó. Chẳng hạn khi bề rộng của vỉa hè cho phép thì chính quyền nên cho phép lập các kiot bán báo, thức ăn nhẹ, hoa quả… Nên mở chợ tại các khu chung cư chứ không chỉ quan tâm đến phát triển siêu thị.

Các khu nghèo đô thị là nơi cư trú chính của người nhập cư. Lúc đầu đó là những khu đất không giá trị như đầm lầy, hồ ao hoặc ven bờ kênh rạch ở ven đô. Nhưng dần dần đô thị mở rộng, bao trùm cả khu vực này, làm nảy sinh các dự án cải tạo đô thị, xóa bỏ các xóm nghèo, tái định cư dân để xây dựng khu đô thị hiện đại. Khi quyết định như vậy, chính quyền đô thị nên cân nhắc rất kỹ vì dự án cải tạo như vậy khá tốn kém, việc tái định cư làm đảo lộn cuộc sống và các mối quan hệ kinh tế, xã hội đã hình thành một cách ổn định.

Các đô thị nước ta song song với chính sách cải tạo đô thị và phát triển khu đô thị mới nên quan tâm đến chính sách nâng cấp đô thị, đưa các hạ tầng cơ bản và hạ tầng xã hội (trường học, trạm xá) vào các khu dân nghèo, giúp họ có điều kiện tiếp cận tốt hơn với việc làm (đường, đèn đường) điều kiện sống tốt hơn (điện, cấp thoát nước), giúp họ nâng cao giá trị tài sản hiện có để khi cần có thể thế chấp để vay ngân hàng. TP Cần Thơ và một số đô thị đã có những điển hình tốt, hiệu quả về nâng cấp đô thị như vậy.

Chính sách hoàn chỉnh

Chính sách nhập cư không chỉ quan tâm đến các vấn đề của người nhập cư tại nơi nhập cư mà còn phải giảm bớt “lực đẩy” ở nơi xuất cư, tức là tại các vùng nông thôn. Chính phủ đã thực hiện nhiều chính sách như xóa đói giảm nghèo, khuyến nông, phát triển hạ tầng nông thôn, đưa công nghiệp về nông thôn để nông dân “ly nông bất ly hương”, phát triển các thị trấn và đô thị nhỏ làm hạt nhân cho phát triển nông thôn… Thế nhưng chính quyền đô thị lại không tham gia gì đáng kể vào việc phát triển nông nghiệp và nông thôn, khiến chính sách nhập cư của đô thị thiếu tính hoàn chỉnh.

Chẳng hạn Hà Nội có thể giảm dòng di cư từ các tỉnh bằng cách góp phần cùng địa phương khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào các tỉnh để tạo việc làm, giảm thất nghiệp tại các nơi này.

Tóm lại, khi chính quyền đô thị nhận thấy trách nhiệm phải phối hợp với các địa phương để điều tiết hợp lý dòng nhập cư thì sẽ tìm được nhiều cách để thực hiện trách nhiệm đó.

TS Phạm Sỹ Liêm - Viện trưởng Viện nghiên cứu Đô thị và Phát triển hạ tầng

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo