Tòa nhà Trung tâm Thương mại 19/12: "Rác kiến trúc" ở Hà Nội?

Thứ tư, 17 Tháng 12 2008 15:54 KTS Đoàn Đức Thành / TT&VH
In

Việc xây dựng Trung tâm Thương mại – Dịch vụ 19/12 trên nền chợ 19/12 cũ (Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đang là điểm nóng dư luận tuần qua, bởi nền chợ này chính là phố 19/12 cũ nối thông phố Lý Thường Kiệt với Hai Bà Trưng với nhiều dấu ấn lịch sử văn hóa... Theo thông tin mới nhất, thì chủ đầu tư đã đưa ra cách “dung hòa” hai nhu cầu này bằng cách sẽ “vừa làm đường, vừa xây trung tâm thương mại”.

Tuy vậy, từ góc độ chuyên môn thuần túy, KTS Đoàn Đức Thành đưa ra cách nhìn về kiến trúc của tòa nhà này.
 
Thông thường, trước khi cho phép xây dựng một dự án phải xét đến chiến lược phát triển đô thị, từ tổng thể đến chi tiết. Cần có quy hoạch đô thị đến từng ô phố, từng con đường, phân tích hiện trạng xem có nên xây dựng thêm không, xây dựng như thế nào, xây công trình gì? Làm được điều đó phải là một nhạc trưởng tài năng, có tầm nhìn và lương tâm nghề nghiệp, biết điều phối các yếu tố xã hội, văn hóa - nhân văn, kinh tế và các yếu tố kỹ thuật như môi trường, giao thông,...

Hà Nội, không ngừng phấn đấu trở thành thành phố xanh - sạch - đẹp, văn minh - văn hóa, xứng tầm với lịch sử 1000 năm hình thành và phát triển. Muốn vậy đòi hỏi trước mỗi việc làm phải chính xác một cách tuyệt đối. Phải biết dọn rác, thứ rác làm hỏng không gian kiến trúc, chứ không được bày thêm rác, làm hư hại đến thẩm mỹ cảnh quan đô thị! Dự án Trung tâm Thương mại - Dịch vụ (TTTM-DV) 19/12 được công luận biết đến từ khi giải phóng mặt bằng chợ tạm "Âm phủ" để chuẩn bị xây dựng. Tôi cảm thấy ngỡ ngàng và bức xúc trước quyết định xây dựng tòa nhà nói trên vì nó chẳng khác nào trước đây cho xây Khách sạn Hà Nội Vàng, toà nhà EVN ở chung quanh Hồ Gươm!

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội - KTS Nguyễn Thế Thảo cho biết: "Dự án liên quan đến chợ 19/12 đã làm xong quy trình, thủ tục và đã có những quyết định rồi. Nhưng trước ý kiến của dư luận xã hội, nhân dân và những người tâm huyết với thủ đô Hà Nội, chúng tôi cũng sẽ xem xét" (Báo Tiền Phong, 12/12/2008).

Để đáp ứng với yêu cầu này, tôi mạn phép phân tích thêm ở góc độ chuyên môn quy hoạch – công trình kiến trúc công trình này.
 
Về quy hoạch

Từ cuối thế kỷ 19, KTS tài năng người Pháp Ernest Hébrard có công lập quy hoạch Hà Nội mang tính khoa học cao, tạo nên một không gian văn hóa đô thị đẹp, hài hòa giữa phần mở rộng và khu phố cổ truyền thống. Hai trục phố chính Hai Bà Trưng và Lý Thường Kiệt chạy song song, giữa hai tuyến phố đó có những con đường nối với nhau theo khoảng cách hợp lý, tạo nên mỗi ô phố có chức năng sử dụng riêng. Kề bên đường 19/12 là công trình Tòa án nằm ở ô phố riêng, chung quanh công trình này có sân vườn, cây xanh cách ly cần thiết để tạo nên môi trường pháp lý kỷ cương xã hội, cũng vì vậy mà bốn mặt đường quanh đó để thông thoáng, có trời cao đất rộng, cách ly khu dân cư. Từ đó đến nay ở khu vực này chưa hề có bản quy hoạch chi tiết nào thay thế. Chỉ có hai tình huống xảy ra mang tính tạm thời trên con đường này. Đó là ngày Toàn quốc Kháng chiến, 19/12/1946, một số đồng bào, chiến sĩ hy sinh trong chiến đấu bảo vệ Thủ đô. Do cuộc chiến không có điều kiện đưa hài cốt ra nghĩa địa nên đã chôn tạm ở con đường 19/12. Năm 1982, Nhà nước ta đã di dời nấm mồ chôn chung này lên Bất Bạt. Ban đầu hai "chợ cóc" vốn có ở hai đầu đường dồn vào trong, thành "chợ tạm", gọi là chợ 19/12, dần dần dựng lên những lều quán chợ với quy mô nhà cấp 4.

Nếu nhìn xa trông rộng một chút, sắp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, thì nên dọn "đống rác kiến trúc" là chợ tạm này đi, để môi trường đô thị trong lành, trả miếng đất về với mục đích ban đầu là con đường đi. Nhưng tiếc là đã không làm như vậy, lại quyết định cho xây TTTM-DV cao 7 và 17 tầng, tiếp tục làm sai mục đích sử dụng đất, mà cái sai này nếu thực hiện thì khó sửa vô cùng! sẽ tiếp tục làm hỏng, làm xấu một không gian hoàn chỉnh, trường tồn, vốn đạt yêu cầu thẩm mỹ cao có từ khi phôi thai.

Cuối thế kỷ trước, Hà Nội đã cho xây Khách sạn Melia và Hà Nội TOWER, hai tòa nhà cao tầng này đã kẹp công trình Tòa án ở giữa, đè nén một cách áp đảo. Nay lại thêm TTTM-DV 19/12 nữa thì hoàn toàn triệt tiêu một khoảng không quý giá của Thủ đô, không tiền nào có thể mua được!

Khi TTTM-DV 7 và 17 tầng dựng lên sẽ che mất hướng Đông cả khu vực Tòa án Nhân dân Tối cao, Tòa án Nhân dân HN, Viện Kiểm sát Nhân dân HN - cơ quan pháp lý kỷ cương xã hội - quần thể công trình này sẽ bị bao chùm trong bóng râm, thiếu tia sáng mặt trời xán lạn rọi ánh sáng ban mai. Mùa hè lại bị che hết gió mát Đông - Nam. Buổi chiều, thì nắng hướng Tây gay gắt, không khí bị vây hãm không thoát được, đó là điều cấm kỵ trong thuyết Phong thuỷ, nhất là cơ quan pháp đình của một nước, của một thủ đô!
 
Về công trình kiến trúc

Nếu TTTM-DV 19/12 được xây dựng theo dự án đã duyệt chia làm 2 khối nhà (7 và 17 tầng), thì Hà Nội sẽ có một công trình đoạt nhiều kỷ lục nhất: xây chen trên đất hẹp nhất với khối tích lớn nhất và dài nhất. Tòa nhà này cùng với Khách sạn Melia sẽ tạo nên một cái khe hẹp nhất, và cao nhất Thủ đô!

Hà Nội đang không ngừng lên án nhà “siêu mỏng”, đó là nỗi nhức nhối của những người tâm huyết với Thủ đô. Nhưng hãy chờ đấy, chưa hết đâu, TTTM-DV 19/12, nếu tính tương quan giữa chiều cao với bề rộng, biết đâu sẽ là toà nhà “siêu mảnh” nhất nước? Song phải đợi khi Hà Nội vào đúng năm thứ 1000, khi tòa nhà này xây xong. Ngày ấy nếu được đứng trước trụ sở Bộ Thương mại nhìn sang, sẽ thấy rõ ràng nhất “kỷ lục mới” của Hà Nội!

Trên đây không còn là tiên đoán, mà cá nhân tôi thấy là điều trông thấy trước nhãn tiền và cũng là điều cảnh báo từ trước khi công trình xây dựng.

Tôi hy vọng vị KTS - nhạc trưởng của Hà Nội, hãy xem xét trước khi quyết định xây dựng công trình này.

>> Hãy giữ những khoảng không quý giá còn lại của Hà Nội 

>> Hà Nội cần "hy sinh" một số lợi ích! - Dương Trung Quốc 


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: