Các nghiên cứu gần đây cho thấy, phễu hạ thấp mực nước ở Hà Nội liên tục mở rộng về diện tích, hạ thấp về độ sâu và bao trùm toàn bộ các quận nội thành và hai huyện ngoại thành. Đi cùng với đó là hiện tượng sụt lún bề mặt diễn ra ở nhiều khu vực. Đây được xem là hai tai biến kỹ thuật địa môi trường đô thị mà Hà Nội đang phải đối mặt.
Nguy cơ cao
Theo PGS.TSKH Trần Mạnh Liểu (Trung tâm Nghiên cứu đô thị - ĐH Quốc gia Hà Nội), Hà Nội hiện có khoảng 150 ngôi nhà từ 2 đến 6 tầng có tổng độ lún vượt quá cho phép 2-5 lần, tức là vượt quá 15-40cm. Khoảng 50 nhà bị lún nghiêm trọng cần phải đầu tư sửa chữa ngay. Đây là hệ quả của tình trạng hầu hết các công trình đều được thiết kế trên móng nông, đặt trên nền tự nhiên hoặc san lấp, khi gặp những khu vực có khả năng chịu tải của nền rất thấp như Thành Công, Giảng Võ, Quỳnh Lôi, Quỳnh Mai... thì khả năng lún sụt là không tránh khỏi.
- Ảnh bên : Khu vực Thành Công có độ lún nhiều và có xu hướng tăng mỗi năm (Ảnh: Đàm Duy)
Cách đây gần 20 năm, các trạm quan trắc lún mặt đất tại Hà Nội bắt đầu được xây dựng. Các số liệu đo từ đó tới nay cho thấy, lún bề mặt đất là rất rõ ràng. Khu vực Ngọc Hà, Mai Dịch có giá trị lún không đáng kể, chỉ là 1,3mm/năm và có xu hướng ổn định. Tuy nhiên, khu vực Lương Yên, Hạ Đình có độ lún trung bình khoảng 11-18mm/năm. Khu vực Pháp Vân, Thành Công có độ lún lên đến 23-38mm/năm và lún bề mặt có xu hướng tăng 1-2mm mỗi năm.
Thống kê của Trung tâm Nghiên cứu đô thị cũng cho thấy, phễu hạ thấp mực nước ngầm ở Hà Nội hiện là khoảng 305km2 và tăng bình quân 8,6km2/năm. Có tình trạng này là do mực nước dưới đất bị suy giảm nghiêm trọng. Tại các bãi giếng Yên Phụ, Lương Yên, do được bổ sung từ nước sông Hồng nên tốc độ suy giảm mực nước là khoảng 0,2-0,4m/năm. Trong khi đó, các bãi giếng xa sông (Mai Dịch, Ngọc Hà, Hạ Đình), tốc độ giảm mực nước từ 0,3-0,8m/năm. Mực nước dưới đất sâu nhất ở Hà Nội hiện nay là ở trung tâm bãi giếng Hạ Đình khi cách mặt đất 36,5m. Mực nước hạ thấp làm gia tăng khả năng thấm nước và ô nhiễm từ trên xuống do nước thải sinh thoạt và công nghiệp, nước từ các bãi rác cũ. Đây là thực trạng mà khu vực Tây Nam Hà Nội (khi chưa mở rộng địa giới) đã và đang phải đối mặt.
Các nhà khoa học cho rằng, sụt lún đang làm mất đi sự chính xác của toàn bộ số liệu về độ cao tuyệt đối, vốn có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thiết kế thi công công trình xây dựng; và là "cánh tay nối dài" cho hiện tượng ngập lụt đô thị. Ngoài ra, việc hạ thấp mực nước ngầm tiềm ẩn mối nguy cơ lớn về việc sẽ gây biến dạng, đổ vỡ các công trình xây dựng.
Thận trọng khi thiết kế công trình xây dựng
Theo GS.TSKH Lê Đức An (Viện Địa lý, Viện KHCN Việt Nam), Hà Nội nằm trên đới đứt gãy sông Hồng, là nơi xảy ra quá trình trượt bằng, tách giãn và sụt lún mạnh mẽ, tạo võng kiến tạo dạng địa hào - đó chính là trũng Hà Nội... Vị trí của Hà Nội cũng tạo ra khó khăn nhất định, cụ thể là có chế độ động đất vào loại mạnh so với vùng khác.
PGS.TSKH Trần Mạnh Liểu cho biết thêm, cấu trúc nền địa chất khu vực Hà Nội bất đồng nhất và phức tạp nên việc thiết kế, thi công các công trình xây dựng cần phải lưu tâm. Bằng chứng là gần đây, một số công trình xây dựng ở khu vực Tây Nam Hà Nội gặp sự cố do hiện tượng ma sát âm chưa được xét đến khi thiết kế. Hiện tượng này xuất hiện khi tốc độ lún của đất cao hơn tốc độ lún của móng cọc, làm cho ma sát giữa cọc - đất phát sinh theo chiều hướng đi xuống, tăng tải trọng tác dụng lên cọc, gây giảm khả năng chịu tải của cọc móng.
Để giảm thiểu tình trạng này cần phải sử dụng vật liệu làm cọc có cường độ cao đóng lên lớp đất cứng; sử dụng biện pháp thi công thích hợp bằng cách hạ cọc trong lỗ khoan dẫn và sử dụng vữa bentonite để cách ly thân cọc với đất nền; vật liệu sử dụng để xử lý bề mặt thân cọc là bitum asphalt. Ngoài ra, để giảm thiểu các tai biến địa kỹ thuật môi trường do khai thác nước ngầm, hệ thống nhà máy khai thác nước ngầm nên thiết kế ở khu vực Từ Liêm, Tây Hồ và ven sông Hồng.
Quá trình sụt lún, suy giảm tầng nước ngầm không ngừng diễn ra, không thể quan sát bằng mắt thường và hậu quả chưa phát tác ngày một, ngày hai. Chính điều này tạo ra sự chủ quan trong cộng đồng thời gian qua. Nhà cao tầng mọc lên như nấm nhưng vì nhiều lý do, chủ nhân mua chúng không hề biết, không được cảnh báo là đang sở hữu một tài sản lớn ở khu vực được đánh giá có nền đất yếu. Mặt khác, các nhà cao tầng xây trên nền đất yếu vẫn đang được thi công, thậm chí nhà đầu tư còn thay đổi giấy phép để xin nâng tầng cho hàng loạt các đơn nguyên nhưng vẫn được đồng ý.
Cách đây khoảng 6 năm, Hà Nội đã bỏ nhiều tiền để xây dựng một bản đồ chi tiết phân vùng nền đất yếu, trong đó chỉ rõ khu vực có nguy cơ cao về sụt lún. Tuy nhiên, lời cảnh báo của các nhà khoa học dường như đang rơi vào im lặng.
Thế Dũng
- Không thể cấm người dân di cư vào Hà Nội
- Dự án công trình điều tiết Sông Hồng phục vụ quy hoạch tổng thể vùng Hà Nội
- Quản lý chung cư: Việc cấp thiết của chính quyền đô thị
- Phát triển đường trên cao tại Hà Nội
- Giao thông đô thị cho trường hợp Hà Nội
- Cắt giảm đầu tư công: Loại bỏ những khoản chi phi lý
- Chờ cho hạ tầng tốt thì không biết bao giờ hết kẹt xe
- Cải tạo chung cư cũ và 4 vấn đề nhạy cảm
- Đô thị Việt Nam với biến đổi khí hậu
- Nhận dạng tham nhũng trong quản lý đất