Một sáng nào đó, người Hà Nội thức dậy không thấy cầu Long Biên, chắc họ sẽ bàng hoàng như người Paris không thấy Eiffel in bóng trên bầu trời hay người Bắc Kinh không còn thấy Thiên An Môn trên quảng trường.
Ký ức không gian xoá trắng, lịch sử thành phố bị xé rách nhiều trang, sợi tơ duyên se hiện tại và quá khứ đứt toang, người ta đến ngày mai với tâm thế trống vắng và tẻ nhạt biết bao.
Cầu Long Biên khi mới xây xong.
Vượt qua hoài nghi và chế giễu
Thời gian làm cây cầu giống như người cha già nua, không còn đủ sức để cõng trên lưng mình nữa đàn con sinh sôi đông đúc , nặng nề vô tâm. Chỉ còn có thể đứng đó làm gương cần mẫn, chắt chiu để đám con cháu trông vào mà chăm chỉ làm ăn, học hành tử tế, suy nghĩ thấu đáo: nên làm việc gì và không nên làm việc gì để gây dựng tương lai cho xứng đáng.
Ai cũng biết cây cầu do người Pháp làm ra nhằm bóc lột xứ thuộc địa này một cách dễ dàng hơn. Nhưng ít người biết chủ xướng xây cầu là Paul Doumer đã phải đối mặt với những ý kiến phản đối, hoài nghi và chế giễu như thế nào.
Tờ báo Thư tín Hải Phòng (Courries de Haiphong) viết: “Khi xây một cây cầu, người ta phải biết nó có dùng được hay không, liệu nó có bắc ngang một con sông hay không. Thế nhưng, ông ta (Paul Doumer-TG) không nghĩ tới điều đó, không nghĩ tới sự thay đổi liên tục của sông Hồng. Ông ta không nghĩ tới việc con sông tính khí thất thường này luôn thay đổi dòng chảy.
Hơn nữa, ông ta phải biết là Toà công sứ tỉnh Hưng Yên đã bị dòng sông nuốt chửng, phải biết trong tỉnh Sơn Tây có một dòng sông cũ cách con sông hiện nay 5km, có biết rằng một sáng mở mắt ra người ta sẽ thấy một cây cầu đẹp nằm trên đất chắc chắn cách dòng sông cái quỷ quái hàng trăm mét”.
Người Pháp đã vậy, các quan lại Việt Nam lúc ấy thì cho rằng không thể thực hiện được. "Đặt một cây cầu trên sông Hồng à? Thật điên rồ! Y như việc chồng núi này lên núi kia để lên trời. Một con sông rộng như biển, sâu tới 20 mét cộng thêm 8 mét nước nữa vào mùa lũ, dòng nước sẽ cuốn phăng mọi thứ - không gì chống đỡ nổi...”.
Bản vẽ mặt bằng và mặt cắt toàn bộ cầu năm 1897 (bản gốc 0,5mx1,83m)
Vượt qua những lời chỉ trích của giới thương gia và quan chức người Pháp và người Việt, cây cầu đã được hoàn thành sau 3 năm 7 tháng (hạn định là 5 năm) với chi phí thấp hơn tín dụng đã duyệt là 6,2 triệu franc (tiền cũ của Pháp), trích từ công trái Đông Dương. 5.300 tấn thép chở từ Pháp; xi măng sản xuất tại Hải Phòng; gỗ từ Thanh Hoá; vôi từ Huế ra; 30.000 m3 đá chở từ xa đến.
Mở tân thời, đọng lịch sử
Công nhân Trung Quốc có mặt xây dựng cầu đường sắt khắp thế giới, cầu Long Biên cũng vậy. Nhưng họ sớm bị gạt ra bởi những người thợ Việt Nam khéo léo và giỏi chịu đựng hơn. Đội quân thợ đá, mộc, xây và thợ sắt đông nhất, lên đến 3.000 người dưới sự hướng dẫn của khoảng 40 kỹ sư, quản đốc, đốc công người Pháp.
Cầu hoàn thành thì phố Lò Rèn cũng sầm uất, những mặt hàng sắt thép phong phú trong cửa hàng mà chủ vốn là những người thợ xây cầu Long Biên. Phố phường Hà Nội còn đó những lan can hoa sắt tinh xảo, những hoa cửa sổ ghép mộng thép và tán đinh rivê như những tác phẩm mỹ nghệ kiêu hãnh trong khuôn cửa đi, cửa sổ mặt phố.
Bản vẽ mặt bằng và mặt cắt toàn bộ cầu năm 1897 (bản gốc 0,5mx1,83m)
Chỉ kể nghề sắt, vốn từ làng rèn Hoè Thị (Từ Liêm) với mặt hàng quen thuộc cái cuốc cái mai, con dao, cái kéo, những ngưòi thợ khéo léo đã nhận gia công các chi tiết kim loại cho cầu rồi đến các công trình sắt thép rải khắp các xứ Đông Dương. Nhiều người tháo vát trở thành người buôn bán phân phối các mặt hàng này mà trở nên giàu có, phát đạt. Họ mở mang kinh doanh ở Sinh Từ, Cửa Nam, Khâm Thiên, Sơn Tây, Ô Đống Mác… Những phố hàng bắt đầu như vậy, những người hàng phố đầu tiên là như vậy.
Các sĩ phu Bắc Hà vốn trọng chữ nghĩa, quý sự thanh tao, một ngày đầu thế kỷ 20, đứng dưới chân cầu Long Biên, chứng kiến công trình kỳ vĩ và họ thực sự choáng ngợp. Một bộ phần tiên phong đã can đảm gạt đi cái cao đạo cổ lỗ để dấn thân học hỏi những điều mới mẻ xuất hiện từ phương Tây – Phong trào Đông Du ra đời với hoài bão “ Chấn dân khí, hưng dân trí, hoá dân cường".
Bức tường, bậc thềm, vòm cầu kiều hay những trụ rồng hùng vĩ bằng đá - đánh dấu vương triều xa xưa trong Hoàng Thành. Mái cong vút, những bức chạm khắc sơn son thiếp vàng trên gỗ ghi lại những giấc mơ trong hàng ngàn đình chùa Việt.
Còn những nhịp cầu sắt kia duyên dáng làm sao? Có sáng tạo kỹ thuật nào hoà nhập với nhịp điệu không gian nhuần nhuyễn hơn thế? Có biểu đồ chịu lực nào được biểu diễn bằng chất liệu sắt thép uyển chuyển hơn thế? Cầu Long Biên vượt lên chức năng giao thông trở thành kiệt tác điêu khắc - kiến trúc - kết cấu thép trong cùng một thứ gắn bó với Hà Nội trăm năm qua. Nó xứng đáng được coi là một trong những biểu tượng của thành phố luôn dịch chuyển nhưng vẫn đọng lại, ngưng lại những ký ức không tên.
Người dân đương thời tới xem khánh thành cầu Long Biên.
Giá trị: Trân trọng và Đắc dụng
Người ta bỏ ra hàng ngàn tỷ đồng để mua những tầu du lịch không có khách đi, làm ra một khu phố giả cổ trong khu vui chơi hàng trăm tỷ đồng. Chỉ cần một phần số tiền làm cái việc vô duyên vô nghĩa ấy, ta có thể phục chế nguyên trạng những nhịp cầu biến dạng bởi bom đạn. Những toa tầu du lịch chạy qua khu phố cổ sang bên Cổ Loa vòng về là một "tua" giá trị hơn mấy trăm cái xích lô bát nháo tung hoành.
Hoặc giả, cứ để nguyên những thanh ray tầu trên cầu (vì nếu có dỡ ra bán sắt vụn, liệu thu về được mấy đồng kẽm?). Cứ để nguyên đấy mà lát trên nó những tấm kính dày, người đi lại được, mở trên đấy cả trăm cái "Restaurant du Pont" (Nhà hàng trên cầu) hay "Café de Long Biên".
Cũng có thể đây sẽ là không gian biểu diễn - giải trí đa năng lý tưởng. Hay hơn thế, cầu vẫn là cầu, xe cộ vẫn đi qua, những gánh rau hoa vẫn kĩu kịt sớm hôm. Cuộc sống phố phường trôi qua trên cầu sống động, những bước chân xuôi ngược kiếm tìm tương lai vẫn có cơ hội chứng kiến trăm năm dần trôi trên từng nhịp cầu.
Bố trí một nhánh đường sắt hay đường bộ mới thì thiếu gì cách để xây cầu mới cách đấy vài trăm mét - vạch ra một mạng tuyến mới, thế là vẹn cả đôi đường. Can cớ gì loay hoay cạp vá để cái mới thì cọc cạch còn cái cũ quý giá thì làm nó rẻ rúng đi?
Thiết nghĩ, Hà Nội là nơi hào kiệt bốn phương tụ hội, có lẽ không thiếu khôn ngoan để phân biệt cái nào quý giá, cái nào tầm thường, nên giữ cái gì, nên bỏ cái gì...
- Ghi chú: Bài viết sử dụng tài liệu của cụ Nguyễn Văn Uẩn và bài viết của Paul Boudet - Tuần báo Đông Dương số 184 năm 1944.
Trần Huy Ánh
>>
- Báo cáo Quy hoạch chung xây dựng Hà Nội lần 3 với nội dung giao thông và nâng cấp môi trường
- Nghệ thuật, kiến trúc & nghệ thuật kiến trúc
- Quản lý nói được, kiến trúc sư nói chưa
- Con đường nào ngắn nhất để Hà Nội trở thành thành phố sống tốt?
- Bảo tồn di sản: Cộng đồng giữ vai trò quyết định
- Bỏ đường sắt trên cầu Long Biên?
- Hệ thống đô thị Việt Nam: Chưa theo kịp với thực tiễn
- 4 vấn đề cần đặc biệt quan tâm khi phát triển điện hạt nhân
- Trục phát triển kinh tế xã hội Bắc - Nam Hà Nội: Sẽ là tuyến đường hiện đại nhất của Thủ đô
- Xây dựng văn minh đô thị - hành trình dài lâu