Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Tương tác Phản biện Nghề Kiến trúc - Thách thức và Hội nhập

Nghề Kiến trúc - Thách thức và Hội nhập

Viết email In

Nếu qui định được trách nhiệm rõ ràng giữa thiết kế và thi công, việc quản lý sẽ đơn giản, mọi vi phạm đều có pháp luật xử lý. Bên thiết kế chủ yếu bảo đảm công năng sử dụng, mỹ thuật kiến trúc, giám sát công trình. Do uy tín nghề nghiệp, trách nhiệm trước pháp luật, cạnh tranh về chất lượng, đơn vị thi công thường tự tổ chức giám sát riêng, với đội ngũ chuyên viên có trình độ.

Ưu tiên cho một mô hình quản lý xây dựng

Tôi không đồng tình lắm với nhận xét cho rằng tất cả các công trình xây dựng của ta đều yếu kém. Có lẽ một số công trình nhà nước thì như vậy thật, nhưng công trình tư nhân, nhất là công trình sở hữu nước ngoài đa phần đều tốt. Rồi ai cũng ngạc nhiên: vì sao cũng với những công nhân, kiến trúc sư, kỹ sư người mình đó, nhưng xây cất công trình cho nước ngoài thì tốt, mà làm công trình cho mình thì lại rất dở?

Xem xét lại thì rõ ràng ta chưa làm tốt khâu cơ bản đầu tiên: Quản lý xây dựng. Yếu nhất là khâu giám sát thi công. Thực tế ở các nước, vào bất cứ thời đại nào, nếu không quản lý chặt chẽ, trách nhiệm phân chia không rõ ràng, tiêu cực vẫn có.

Trước tình trạng thất thoát lãng phí đó, thay vì tìm ra các giải pháp căn cơ, ngăn chặn tận gốc thì phải chăng ta chỉ đề ra các biện pháp mang tính đối phó tình thế. Như tăng cường bộ máy kiểm tra phức tạp nhiều tầng bậc; ban hành thêm qui định mới, chồng chéo nhau; giao phó cho nước ngoài thiết kế và thi công... Làm như vậy, trong tình hình pháp lý chưa rõ ràng, năng lực cán bộ quản lý còn yếu lại quan liêu, xử lý vi phạm chưa minh bạch thì chỉ gây thêm khó khăn cho người làm nghề kiến trúc.

Vì sao để giải quyết vấn đề trên, ta không làm một cách đơn giản hơn? Đó là ưu tiên rà soát và ấn định lại các qui định, thủ tục điều hành công tác quản lý xây dựng: đơn giản, chặt chẽ, khả thi, nhằm bảo đảm chất lượng, đẩy nhanh tiến độ thiết kế và thi công. Nhìn ra các nước chung quanh, họ đều có kinh nghiệm và làm tốt khâu này, ta cần học hỏi. Tham khảo rồi chọn một mô hình nào phù hợp và đạt được chất lượng công trình tốt nhất, có biện pháp hữu hiệu, tránh tiêu cực, thất thoát lãng phí trong xây dựng.

Nếu qui định được trách nhiệm rõ ràng giữa thiết kế và thi công, việc quản lý sẽ đơn giản, mọi vi phạm đều có pháp luật xử lý. Bên thiết kế chủ yếu bảo đảm công năng sử dụng, mỹ thuật kiến trúc, giám sát công trình. Do uy tín nghề nghiệp, trách nhiệm trước pháp luật, cạnh tranh về chất lượng, đơn vị thi công thường tự tổ chức giám sát riêng, với đội ngũ chuyên viên có trình độ.

Điều đó, ngành kiến trúc xây dựng ở miền Nam trước 1975 đều làm. Các công trình xây dựng tại Sài Gòn thời đó như Dinh Độc Lập, Thư viện Quốc gia, Khách sạn Caravelle, Bệnh viện Vì Dân (Thống Nhất), Trường Y khoa... đã áp dụng mô hình này, chất lượng và thẩm mỹ cho đến nay không có vấn đề gì đáng phàn nàn.

4.jpg
Ảnh minh họa 


Xác định vai trò thiết kế của kiến trúc sư

Trước đây ở Sài Gòn và nay thì cả thế giới đều áp dụng việc phân công tách bạch các khâu thiết kế và thi công trong xây dựng công trình. Chỉ có ở nước ta là có tình trạng mập mờ và nhập nhằng này mà thôi!

Kiến trúc sư chủ yếu đảm trách phần công năng, mỹ thuật công trình: bố cục, kiểu dáng, hình khối, màu sắc, vật liệu, tổng dự toán. Theo thông lệ quốc tế, phần thiết kế thể hiện (kết cấu, điện, nước) được chuyển qua khâu thi công, giải tỏa trách nhiệm của kiến trúc sư không có điều kiện quán xuyến hết mạng lưới kỹ thuật rất phức tạp. Căn cứ trên hồ sơ thiết kế kiến trúc, bên thầu đảm trách việc này vì một công ty thầu đúng nghĩa đều có bộ phận chuyên viên, kỹ sư riêng.

Một khi đã có phân công rạch ròi, đơn vị thi công chịu trách nhiệm về phần kết cấu từ 10 đến 15 năm, các phần khác từ 1 đến 2 năm. Xảy ra sự cố, bên thi công phải sửa chữa, làm chậm có thể mất tiền ký quỷ, bảo hành và nếu nghiêm trọng hơn thì đưa ra tòa xét xử theo luật.

Ở đây có một vấn đề cần lưu ý ngay. Do những mâu thuẫn và khó khăn trong thiết kế, nhiều người trách nhiệm bộ ngành, thành phố đã không tìm hiểu giúp khai thông bế tắc mà vội vàng gây cả phí phạm không sử dụng đội ngũ chuyên viên người mình cần việc làm. Tôi đã thử phân tích và nhìn thấy hầu hết công trình do nước ngoài đảm trách đơn giá quá cao, điều hành bảo quản tốn kém, không phù hợp với điều kiện sử dụng tại Việt Nam (lạm dụng điều hòa nhiệt độ, ít tận dụng ánh sáng, thông thoáng tự nhiên, không phù hợp với thời tiết khí hậu nhiệt đới). Trong thực tế, điều này tạo điều kiện cho người nước ngoài giành hết công ăn việc làm, rồi tiếp tục thuê mướn lại chuyên viên và nhân công trong nước làm thay với lương rẻ!

Trước đây ở Sài Gòn và tại tất cả các nước, giới thiết kế nước ngoài làm ăn tại nước nào đều bắt buộc phải hợp tác một cách nào đó với chuyên gia, người thiết kế tại chỗ. Điều này tôi nhìn thấy trước 1975 người ta đã làm và Trung Quốc thì đã áp dụng cách đây trên 20 năm rồi.

Nói như vậy, không phải ta cứ chủ quan cho rằng cái gì mình cũng  giỏi, không cần kinh nghiệm của người. Phải nhìn nhận có một số công trình đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao ta chưa có kinh nghiệm, vẫn cần tư vấn nước ngoài. Nhưng không phải công trình nào cũng cần làm như vậy, mà nên làm kiểu sao cho họ phải hợp tác với người mình để ta học hỏi được thêm. Trung Quốc chẳng hạn, nay tuy đã khá, vẫn không ngần ngại tiếp tục thuê tư vấn nước ngoài cho các công trình lớn và phức tạp về kỹ thuật, nhưng bản thân chuyên gia họ đều được hợp tác làm việc với chuyên gia nước ngoài.  

2.jpg

3.jpg
Ảnh minh họa 

Một Đoàn nghề nghiệp đích thực  

Suốt mười năm qua, anh em trong nghề không ngớt tranh luận và tìm kiếm phương cách tập hợp nhau lại, nhằm tạo sức mạnh trong hoạt động nghề nghiệp đạt hiệu quả cao.

Phải nói lực lượng kiến trúc sư và kỹ sư của ta nay đã khá đông đảo, nhưng hoạt động còn rất phân tán. Một số làm việc trong cơ quan nhà nước, đa phần thì chưa có công ăn việc làm ổn định. Đặc biệt đối với giới trẻ hành nghề càng khó khăn hơn, thường phải bươn chải tự làm lấy (do chưa được đào tạo hành nghề ở nhà trường hoặc thực tập cụ thể sau tốt nghiệp). Không ít người phải tìm kiếm nghề khác kiếm sống. Số đeo bám nghề, phải thỏa hiệp, móc ngoặc để có việc làm, tranh giành nhau rất mất đoàn kết, vì vậy mà hoạt động nghề nghiệp khó đạt hiệu quả cao.

Đất nước đang bước vào thời tích cực hội nhập với khu vực và thế giới, khối lượng xây dựng cơ sở vật chất là rất lớn (từ nguồn ngân sách nhà nước, vốn nước ngoài, tư nhân trong nước). Nếu ta chấn chỉnh lại đội ngũ, tổ chức nghề nghiệp rõ ràng, tìm biện pháp nâng cao tay nghề anh em trong nước thì đây là thời cơ hiếm giúp cho lực lượng xây dựng nước mình có cơ hội phát triển nghề nghiệp ngang tầm thế giới.

 
Tôi nhận xét thấy hình như ta đang lúng túng giữa hai mô hình tổ chức nghề nghiệp:

Hoặc như Trung Quốc vẫn duy trì Hội kiến trúc sư quy về một mối lực lượng thiết kế, nhưng nhằm đáp ứng yêu cầu kinh tế thị trường vẫn hình thành các tổ chức thiết kế tư vụ cùng một số tập đoàn thiết kế & thi công lớn, đầy đủ năng lực kỹ thuật và nhân sự tay nghề cao, có thể cạnh tranh ngang ngửa với nước ngoài.       

Hoặc theo gương hầu hết các nước trên thế giới, nhất là ở khu vực Đông Nam á (và cũng là mô hình Sài Gòn trước 1975), hình thành Đoàn chuyên nghiệp về nghề thiết kế kiến trúc, hoạt động tương tự như Đoàn Luật sư hiện nay.

Nay ở ta, phải chăng đang có sự nhập nhằng về các quan niệm tổ chức “Hội kiến trúc sư” (hoạt động đoàn thể) hay “Đoàn kiến trúc sư” (hoạt động nghề nghiệp). Theo thông lệ quốc tế và lề lối hành nghề trong nền kinh tế thị trường, văn bằng cấp phát ở đại học chỉ là một chứng chỉ xác nhận trình độ đào tạo chuyên môn, Đoàn nghề nghiệp mới là tổ chức quyết định về việc hành nghề tư vụ. Tốt nghiệp bất cứ một môn học nào, sau một thời gian thực tập ta có thể thi để lấy chứng chỉ hành nghề, do tổ chức nghề nghiệp cấp phát. Đây là một dạng thi tuyển làm nghề, do nhà nước ủy quyền cho Đoàn nghề nghiệp thực hiện theo đúng Luật hành nghề chuyên môn nào đó. Đối với nghề kiến trúc cũng tổ chức như vậy, giống như Đoàn Luật sư, Đoàn Bác sĩ...

Phải chăng đó là những công việc cấp bách của tất cả anh em trong nghề kiến trúc chúng ta hôm nay. Dẫu làm muộn còn hơn không trước thách thức hội nhập cũng như yêu cầu việc làm của đội ngũ ngày càng đông đảo kiến trúc sư trẻ.
 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo