Ngày 23/8, tham gia hội thảo đóng góp ý tưởng điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 là chuyên gia trong và ngoài nước về lĩnh vực quy hoạch đô thị, kinh tế...
Theo Phó chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng, quyết định điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng được ban hành năm 2014, đến nay sau sáu năm thực hiện thành phố cần có quan điểm, tầm nhìn mới về quy hoạch và lựa chọn mô hình phù hợp để tăng tốc phát triển, đáp ứng yêu cầu xây dựng Đà Nẵng trở thành đô thị thông minh, hiện đại.
Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: báo Công an TP Đà Nẵng)
Bà Ame Engelhart, Giám đốc Văn phòng SOM tại Hong Kong (Trung Quốc), đề xuất Đà Nẵng nên đi theo mô hình đô thị nén thay vì phát triển tràn lan nhà cao tầng tại nhiều vị trí như hiện nay. Trong đó, cần xác định khu vực trung tâm là đô thị nén. "Đà Nẵng cần có chiến lược phát triển khu vực nội đô thành đô thị thông minh, khu vực đồi núi nên được bảo tồn để phát triển bền vững", bà nói.
Khái niệm đô thị nén được hiểu là không xây dựng tràn lan nhà cao tầng, quy hoạch hạ tầng cho những khu vực có mật độ dân số cao, kèm hệ thống ngầm, giao thông tích hợp và các tiện ích xung quanh như trường học, bệnh viện...
Cùng quan điểm, ông Olivier Souquet, giám đốc công ty tư vấn DE-SO (Pháp), khuyến cáo khi làm đô thị nén không nên mở rộng quá nhiều diện tích ra vùng ven vì khi đó Đà Nẵng sẽ là đô thị nén trung bình. Thành phố nên tính toán giữ lại một phần khu vực nông thôn giống như Paris đã làm để hài hòa cảnh quan.
Chuyên gia này cho rằng đơn vị tư vấn cần đưa ra được giải pháp cho hệ thống giao thông hỗn hợp, tính toán đến phương án đường sắt tốc độ cao. Đà Nẵng cũng là địa phương thường xuyên bị nhiễm mặn và bị ảnh hưởng lớn từ thiên tai nên phải có kịch bản ứng phó biến đổi khí hậu; trồng thêm cây xanh đô thị dù thành phố có đồi núi bao quanh.
Ủng hộ quan điểm Đà Nẵng nên làm đô thị nén, tuy nhiên KTS Ngô Viết Nam Sơn (ảnh bên) cho rằng điều này chỉ có thể thực hiện được khi thành phố kết hợp với hệ thống giao thông công cộng, tính toàn làm đô thị sân bay và hình thành khu trung tâm quốc tế mới ở quận Sơn Trà. Thành phố cần hạn chế xây dựng những tòa nhà cao tầng chắn hết mặt tiền biển và sông Hàn.
Ông Sơn nói: "Đà Nẵng đang còn cơ hội để điều chỉnh lại việc cấp phép xây dựng quá nhiều nhà cao tầng như hiện nay". Riêng giải pháp cho an ninh nguồn nước, thành phố nên làm nhiều hồ chứa, kết nối lưu thông với nhau bằng hệ thống kênh mương để vừa dự trữ được nước, vừa không để nước tù có nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Tiến sĩ Trần Du Lịch (ảnh bên), thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nói lần này Đà Nẵng làm xong điều chỉnh quy hoạch chung thì phải tuân thủ nghiêm ngặt, tránh tình trạng quy hoạch vài năm đã điều chỉnh. Vấn đề ở Đà Nẵng và nhiều thành phố lớn là không thực hiện theo quy hoạch chứ không phải là thành phố "chưa có quy hoạch". Như TP HCM quy hoạch sớm nhất, từ năm 1993 nhưng lãnh đạo đã không thực thi mà sửa nhiều lần dẫn đến những hệ luỵ về hạ tầng.
Cái khó của Đà Nẵng, theo tiến sĩ Lịch, là quy hoạch lại trên một đô thị đang tồn tại, không đơn giản như làm mới. Quỹ đất của thành phố nếu nhìn qua thì còn nhiều bãi đất trống, nhưng thực tế đã có chủ hết. Phía tư vấn không nên làm quy hoạch theo hướng "quá lãng mạn" vì sẽ rất khó thực hiện.
Nếu Đà Nẵng thống nhất làm giao thông công cộng thì triết lý này phải gắn liền với phát triển các khu dân cư có độ nén. Đà Nẵng phải làm được đô thị nén thì mới có không gian cho công cộng, có diện tích trồng cây xanh. Nếu vẫn tư duy phân lô, bán nền, nhà ống, xe máy thì không giải quyết được các tồn tại hiện nay.
Đại diện Công ty Tư vấn Surbana Jurong (Singapore, đơn vị được tư vấn Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng) đã có bốn tháng nghiên cứu quy hoạch lại Đà Nẵng, từ đó chỉ ra việc thành phố đang thiếu chiến lược phát triển hạ tầng, ngăn cản sự phát triển về lâu dài. Ngoài ra, Đà Nẵng thiếu sự kết nối giữa đô thị với ngoại ô và đồi núi xung quanh; giao thông đang có quá nhiều điểm giao cùng mức làm ảnh hưởng đến tốc độ lưu thông, mật độ các con đường không đáp ứng được khi dân số tăng; ô nhiễm môi trường đe dọa bãi biển du lịch; thiếu cây xanh đô thị; xây dựng quá nhiều nhà cao tầng quanh sân bay... Surbana Jurong đưa ra nhiều giải pháp khi quy hoạch lại Đà Nẵng, trong đó giữ nguyên trạng sân bay, nhanh chóng xây dựng cảng biển Liên Chiểu chuyên cho hàng hóa để phát triển logistics; giữ nguyên hiện trạng các nhà máy nước hiện nay và đầu tư thêm nhà máy nước ở phía tây để đảm bảo nguồn nước; xây dựng nhà máy xử lý rác ở phía bắc thành phố... Những giải pháp của đơn vị tư vấn đang nhận được nhiều phản biện của các chuyên gia. Đà Nẵng sẽ tổ chức hội thảo thứ hai để phía tư vấn trình bày các ý tưởng đã tiếp thu từ hội thảo lần này, trước khi trình Thủ tướng. |
Nguyễn Đông
(VnExpress)
- Lỗ hổng trong quyền sử dụng đất
- Bộ Xây dựng "hiến kế" giải pháp hạn chế ô nhiễm không khí đô thị
- Bản sắc kênh rạch - sông nước Sài Gòn trước bước ngoặt phát triển
- TPHCM không nên phát triển các tòa nhà cao tầng lấn át sông Sài Gòn
- Lấn biển Cần Giờ 2.870 ha: Chưa đánh giá hết tác động nhưng vẫn trình Thủ tướng phê duyệt
- Chính quyền không được thu hồi đất cho nhà đầu tư kiếm lời
- Phú Quốc ngập nặng do vẫn dùng hệ thống thoát nước cũ từ năm 2003
- Phố núi Đà Lạt ngập nặng do vỡ quy hoạch nhà kính?
- Giải pháp dùng LU chống ngập là khoa học, hiệu quả, nhân văn và sinh thái
- Thu phí ô tô vào trung tâm: Nên làm nhưng vẫn phải phát triển giao thông công cộng