"Không nên vội vàng xây nhà hát 1.500 tỷ ở Thủ Thiêm"

Thứ tư, 10 Tháng 10 2018 16:10 Zing.vn
In

Ngày 8/10, tại kỳ họp thứ 10 HĐND TP.HCM khoá IX (kỳ họp bất thường), đại biểu đã thông qua dự án xây dựng nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch

Đây là nhà hát đạt tiêu chuẩn quốc tế, đặt tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2). Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1.508 tỷ đồng từ nguồn thu bán đấu giá khu đất 23 Lê Duẩn (quận 1). Nhà hát có quy mô 1.700 chỗ, gồm hai khán phòng lớn và nhỏ. Thời gian thực hiện trong giai đoạn 2018-2022. 

Sau khi HĐND TP.HCM thông qua dự án này, rất nhiều ý kiến xoay quanh việc nên hay không dùng 1.500 tỷ để xây nhà hát. Zing.vn có cuộc trao đổi với KTS Ngô Viết Nam Sơn xoay quanh vấn đề này.  


Nhà hát Lincoln Center (Mỹ).
 (Ảnh: Nycplugged) 

Cần sử dụng ngân sách 1.500 tỷ hiệu quả

Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, TP.HCM chưa có nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch đúng tiêu chuẩn, việc xây dựng nhà hát lớn với đô thị như TP.HCM là cần thiết. Thủ Thiêm cũng là vị trí phù hợp để xây dựng nhà hát. 

Tuy nhiên, ông Sơn băn khoăn liệu quyết định từ HĐND đưa ra có vội vàng. "Đại biểu biểu quyết xây nhà hát phải có sự cân nhắc thấu đáo. Kỳ họp bất thường, đại biểu HĐND trước khi quyết định phải được tư vấn đúng. Tôi không biết là họ có được cung cấp thông tin đầy đủ để quyết định hay không?", ông Nam Sơn nói.

KTS cho rằng 1.500 tỷ là số tiền lớn, làm được rất nhiều việc. Trong bối cảnh TP.HCM đang gặp nhiều vấn đề về ngân sách thì việc sử dụng số tiền lớn này cần phải được cân nhắc thật kỹ lưỡng.

"Thành phố đang thiếu hụt ngân sách thì việc dùng 1.500 tỷ đầu tư vào mục đích gì rất quan trọng. Có nên dùng để xây dựng nhà hát liền hay không? Trong danh sách các công trình ưu tiên xây dựng của thành phố hiện nay thì nhà hát này có thật sự xứng đáng ở vị trí đầu không?", vị KTS băn khoăn. 

Bên cạnh đó, ông Sơn cũng nhận định việc đề xuất xây dựng này quá vội vàng, chưa có kế hoạch tốt. Quy mô nhà hát 1.700 chỗ ở một khu đất hẹp là không đúng tầm với TP.HCM. KTS cho rằng với tầm cỡ đô thị như TP.HCM thì nếu làm, phải dành khu vực văn hóa diện tích từ 2-3 ha trở lên, tạo thành khu biểu diễn nghệ thuật cao cấp, có cả trong nhà, ngoài trời, có đủ các bộ môn nghệ thuật biểu diễn.

"Nhà hát chỉ có 1.700 chỗ trên một miếng đất nhỏ thì theo tôi đây là quy hoạch chưa đúng tầm với khu trung tâm đô thị mới của TP.HCM. Tham khảo Trung tâm biểu diễn nghệ thuật Lincoln Center của New York (Mỹ), gồm khoảng 30 khu biểu diễn nghệ thuật lớn nhỏ, trong nhà lẫn ngoài trời, với quy mô từ 30 đến 3.900 chỗ, thì nhóm công trình văn hóa nghệ thuật tại trung tâm Thủ Thiêm có thể nhỏ hơn nhiều, nhưng nên quy hoạch tại vị trí cảnh quan đẹp, như ven sông hồ để làm điểm nhấn đô thị", ông Sơn bày tỏ.

KTS Ngô Viết Nam Sơn cũng cho rằng không chỉ có giao hưởng, nhạc kịch mà các bộ môn khác như cải lương, chèo, hát bội,... ở TP.HCM vẫn chưa có không gian để sinh hoạt. Do đó, cần cân nhắc lại quy hoạch để có quần thể nhà hát đa năng.

"Đã xây dựng thì phải xứng tầm với TP.HCM. Nếu chưa có tiền thì quy hoạch để đó từ từ xây, chứ không nên vội vàng. Trong giai đoạn hiện nay thì nhà hát mới chưa phải là ưu tiên hàng đầu", KTS nhấn mạnh. 


Thủ Thiêm cần được quy hoạch ở bờ Đông và bờ Tây.
 (Ảnh: Lê Quân) 

Nhà hát có giúp Thủ Thiêm phát triển?

Tại kỳ họp, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm nhấn mạnh dự án nhà hát rất quan trọng cho sự phát triển, nâng cao đời sống người dân thành phố. Bà khẳng định đây là dự án có tầm vóc thế kỷ.

Phó chủ tịch thành phố Lê Thanh Liêm cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của dự án này, bởi TP.HCM là đô thị văn minh, hiện đại, là đầu mối giao lưu kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật và nhiều giá trị khác nên rất cần một công trình văn hóa xứng tầm.

KTS Nam Sơn chia sẻ muốn TP.HCM phát triển thì chắc chắn Thủ Thiêm - nơi chọn để xây dựng nhà hát, cũng phải phát triển theo. Tuy nhiên, ông cho rằng việc xây dựng nhà hát không là yếu tố quan trọng giúp kích thích phát triển Thủ Thiêm, bằng việc dùng ngân sách đó đầu tư vào hạ tầng.

"Điều mà Thủ Thiêm cần ngay bây giờ, có lẽ không phải là nhà hát mà là xây cầu và hạ tầng. 1.500 tỷ có thể xây được 2-3 cầu. Xây cầu giúp kích thích Thủ Thiêm hơn nhà hát nhiều. Thủ Thiêm phát triển thì TP lợi gì? Đó là TP thoát nợ. Bởi mỗi ngày Thủ Thiêm vẫn đang phải trả 3-5 tỷ đồng tiền lãi. Giá trị vùng đất Thủ Thiêm tăng lên nhờ có hạ tầng và quy hoạch kết nối tốt, thì tự nó sẽ thu hút nhà đầu tư đến xây dựng dự án, là những người sẽ giúp trả nợ cho Thủ Thiêm. Thậm chí sau này khi Thủ Thiêm phát triển tốt, có thể thu hút đầu tư xây nhà hát bằng nguồn vốn xã hội hóa, mà TP không cần phải chi ngân sách", KTS chia sẻ quan điểm..

Ông Sơn chỉ ra ở các nước, việc xây dựng nhà hát thường được tiến hành sau cùng, khi mọi thứ ở nước họ đã ổn định. KTS dẫn chứng tại Mỹ, Trung tâm biểu diễn nghệ thuật Lincoln Center ở New York chỉ được xây khi TP này đã ổn về mặt hạ tầng, bệnh viện, trường học đầy đủ. Hay như tại Pháp, nhà hát mới Opera Bastille cũng "mọc" lên khi Paris đã ổn định về nhu cầu hạ tầng xã hội, chứ trước đây nước này không đặt vấn đề xây nhà hát mà họ tận dụng những gì đang có, bao gồm Nhà hát Opera Garnier cũ.

Xét bối cảnh TP.HCM, vị KTS cho rằng cơ sở hạ tầng của chúng ta vẫn chưa đầy đủ, Metro đang bị ngưng lại, thành phố ngập nước, bãi đậu xe thiếu, bệnh viện trường học thiếu trầm trọng,... thì cần phải xem xét lại việc có nên ưu tiên xây dựng nhà hát trong thời điểm này không?

Ông cũng nói thêm cần ưu tiên trích một phần ngân sách này cho việc gấp rút điều chỉnh quy hoạch hai bờ Đông - Tây, khu trung tâm theo một dự án duy nhất, vì ba lý do chính. Thứ nhất, hiện nay phát triển thực tế tại khu trung tâm đã không phù hợp định hướng quy hoạch. Thứ hai, việc tách quy hoạch hai bờ Đông - Tây thành hai dự án quy hoạch riêng là sai lầm chiến lược lớn, dẫn đến việc phát triển thiếu bền vững ở bờ Tây và việc bờ Đông không thu hút được nguồn vốn lớn xã hội hóa. Thứ ba, việc phê duyệt quy hoạch 2 bờ đã trên 5 năm, đã tới thời điểm điều chỉnh quy hoạch lại.

"Xét hiệu quả thì càng cần quy hoạch lại nơi đây vì đi sai hướng. Thủ Thiêm là khu đô thị mới, trung tâm tài chính nhưng giờ chỉ thấy địa ốc. Bờ Tây phải bảo tồn di sản thì chỉ toàn nhà cao tầng ven sông. Kinh phí cho việc nghiên cứu kỹ hiện trạng và điều chỉnh lại quy hoạch khu trung tâm đô thị mới trên 2 bờ Đông - Tây của sông Sài Gòn theo một quy hoạch thống nhất (gồm quy hoạch trước đây của Sasaki và Nikken Sekkei) dự kiến tốn khoảng 30-50 tỷ. Việc nghiên cứu điều chỉnh lại quy hoạch gắn kết với kế hoạch thực hiện theo các giai đoạn là rất quan trọng, vì đây là điều kiện giúp khu trung tâm TP phát triển hài hòa và bền vững hơn", KTS phân tích.

Đó là những vấn đề mà HĐND cần thảo luận trước khi xem xét lại quyết định cho việc sử dụng ngân sách 1.500 tỷ này.

KTS Ngô Viết Nam Sơn là chuyên gia quy hoạch kiến trúc tại Bắc Mỹ và Việt Nam. Ông có 30 năm kinh nghiệm làm quy hoạch và kiến trúc ở nhiều nơi trên thế giới, từng tham gia quy hoạch và thiết kế nhiều dự án lớn như Khu đô thị mới Nam Sài Gòn, Khu đô thị Bắc Hà Nội, quy hoạch Khu đô thị mới Filinvest và nhà ga sân bay quốc tế Aquino (Philippines), Phố Đông và hai bờ sông Hoàng Phố (Thượng Hải, Trung Quốc), thành phố Kyoto Thế kỷ 21 (Nhật Bản), dự án phát triển Le Havre (Montreal, Canada)… 

Hoài Thanh 

(Zing.vn) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: