Ashui.com

Saturday
Apr 20th
Home Tương tác Phản biện Sự tham gia của cộng đồng – Nguồn lực xã hội và đầu tư bảo vệ di sản kiến trúc đô thị tại Hà Nội

Sự tham gia của cộng đồng – Nguồn lực xã hội và đầu tư bảo vệ di sản kiến trúc đô thị tại Hà Nội

Viết email In

Thách thức của công tác bảo tồn di sản trong bối cảnh đô thị hóa hiện nay chính là giải quyết bài toán cân bằng giữa nhu cầu bảo vệ những giá trị văn hóa nhưng không cản trở sự phát triển của đô thị. Đó cũng là bài toán huy động nguồn lực từ cộng đồng và thu hút đầu tư bảo vệ di sản để công tác bảo tồn di sản hướng đến sự bền vững và “có lý” trong sự phát triển chung của đô thị và không gian sống của cộng đồng. 

Ngày nay, nguồn lực Quốc gia dành cho bảo tồn di sản khá hạn chế, nguồn lực chủ yếu góp phần gìn giữ di sản chính là từ cộng đồng. Cộng đồng không chỉ bảo tồn di sản được công nhận bởi Nhà nước (thông qua chứng nhận về di sản và quy định trong Luật), mà còn bảo tồn cả những di sản chưa được và không được công nhận bởi chính quyền. Huy động nguồn lực từ cộng đồng chính là xu hướng của tương lai trong bảo tồn di sản vì những lý do: Cộng đồng là người gắn bó với di sản, là người sử dụng và hưởng lợi (về vật chất hoặc tinh thần), cộng đồng – di sản là mối quan hệ đã được khẳng định và định hình từ xa xưa, nó có liên quan đến các mối quan hệ xã hội, quan hệ kinh tế, sản xuất truyền thống, và sự tự nhận thức bản thân trong xã hội vẫn còn chịu nhiều ảnh hưởng của quan hệ làng xã. Đặc biệt các di sản tâm linh tín ngưỡng có sự ảnh hưởng nhất định đối với cộng đồng và truyền thống, định kiến xã hội. 

Phân loại nhóm Cộng đồng bảo tồn di sản

Phân loại theo khả năng ảnh hưởng đối với công tác bảo tồn di sản


Hình 1a - Vai trò của các nhóm cộng đồng đối với di sản. Nguồn: Đào Thị Như, 2017


Hình 1b - Vai trò của các nhóm cộng đồng đối với nhiệm vụ bảo tồn di sản. Nguồn: Đào Thị Như, 2017 

Có thể thấy có nhiều nhóm cộng đồng khác nhau cùng tham gia bảo tồn di sản kiến trúc đô thị ở các hình thức và mức độ khác nhau: nhóm nhà đầu tư, khách du lịch, ngưởi sử dụng và sở hữu, nhà quản lý, nhà chuyên môn, các nghệ sĩ và nghệ nhân. Các nhóm cộng đồng này có thể phân làm 3 nhóm chính có vai trò khác nhau trong bảo vệ di sản kiến trúc đô thị. Hình 1a/b cho thấy, nhóm cộng đồng nhà đầu tư, người dân địa phương có vai trò quyết định trong việc bảo vệ và ngăn không cho di sản xuống cấp thêm nữa. Trong khi chính những nhóm cộng đồng nghệ thuật (nghệ sĩ-nghệ nhân) có thể làm cho di sản tăng thêm giá trị bằng cách phát hiện, phát huy giá trị và sử dụng sáng tạo di sản theo một cách nghệ thuật. Nhóm cộng đồng quản lý và nhà chuyên môn có vai trò chủ đạo trong việc sử dụng các công cụ chính sách cơ chế để giữ, kiểm soát và ổn định các tình trạng của di sản sau khi được cải tạo, nâng cấp bởi các nhóm khác (Hình 1). 

Phân loại theo mức độ chủ động tham gia và phổ ảnh hưởng

Ngoài ra cũng có thể chia các nhóm cộng đồng làm 3 nhóm đặc trưng tham gia khác nhau vào bảo tồn di sản: Cộng đồng tham gia trực tiếp chủ động, cộng đồng cộng hưởng và cộng đồng tham gia thụ động. Ba loại cộng đồng này có mức độ ảnh hưởng khác nhau đối với di sản. 

+ Cộng đồng tham gia chủ động:

Là những người có sự liên quan trực tiếp đến di sản về mặt quan hệ sử dụng hoặc hưởng lợi. Sự tham gia của họ bị thôi thúc và bị chi phối bởi nhiều yếu tố như truyền thống, định kiến xã hội, trách nhiệm, sự tự hào, giá trị bản thân đối với cộng đồng. Những người tham gia chủ động có thể gồm: nhà đầu tư, người sử dụng, nhà quản lý. Tuy nhiên sự tham gia chủ động của họ cũng có thể mang lại hiệu quả tiêu cực hoặc tích cực. Sự chủ động mang lại hiệu quả tích cực là khi người dân tham gia bằng trách nhiệm và vì trách nhiệm, với cái nhìn rõ ràng về lợi ích và cơ hội thụ hưởng. Họ có kế hoạch hành động rõ ràng, lộ trình, có nhận thức về quyền lợi và có cam kết về trách nhiệm. Sự chủ động nhưng mang lại hậu quả tiêu cực là khi người mong muốn tham gia không có đủ/ không có được hỗ trợ các điều hiện để thực hiện (cơ chế đền bù, đánh đổi,...). Vì vậy, thay vì họ chủ động hành động của mình một cách có trách nhiệm, hành động của họ là một dạng của “chủ động” không lối thoát (tiến thoái lưỡng nam). Thay vì bảo vệ di sản đúng như nguyện vọng của mình, họ buộc phải can thiệp xấu đến di sản để phục vụ cho lợi ích và nhu cầu trước mắt của mình. Những hành động “bất đắc dĩ” này nhiều khi tạo rào cản cho quá trình bảo tồn di sản.

+ Cộng đồng tham gia theo dạng cộng hưởng:

Là những cộng đồng nhạy cảm, họ có thể không trực tiếp liên quan đến di sản nhưng họ nhìn thấy (có thể thông qua một cách tình cờ) lợi ích khi tham gia bảo vệ di sản ở một góc độ nào đó. Và vì vậy, họ tự chủ, tự nguyên tham gia với mong muốn và hy vọng sẽ kiếm được một phần lợi ích nào đó. Tất nhiên lợi ích này không phải là khoản thu nhập hay sinh kế duy nhất của họ giống như trường hợp cộng đồng (chủ yếu nhà đầu tư) tham gia chủ động.

+ Cộng đồng tham gia thụ động:

Là cộng đồng không có chủ đích tham gia nhưng “vô tình” tham gia vào hoạt động bảo tồn di sản “mà không biết” do họ “bị kéo vào bằng các kế hoạch hết sức “tinh vi” và “tinh tế” của nhà nước (thông qua các chương trình, hành động có chất lượng và hấp dẫn). Ví dụ cộng đồng dễ dàng tham gia trải nghiệm trong các chương trình bảo tồn di sản chất lượng được tô chức bởi nhà nước và qua đó “vô tình” đóng góp tiếng nói cộng đồng bảo vệ di sản mạnh mẽ. Sự tham gia thụ động càng nhiều chứng tỏ khả năng tổ chức, tuyên truyền, quản lý và kiểm soát di sản của nhà nước càng hiệu quả.

Thực tế cho thấy vai trò rất quan trọng của nhóm cộng đồng chủ động, vì họ trực tiếp liên quan hoặc tham gia với tinh thần trách nhiệm cao. Trong nhóm cộng đồng này, nhà đầu tư với vai trò vô cùng quan trọng. 

Một khi nhóm cộng đồng đầu tư vào di sản có thể “triển khai” được một mô hình đầu tư vào di sản thỏa đáng (vừa thu được lợi ích mong muốn, vừa đạt yêu cầu bảo tồn di sản) thì sẽ tạo cảm hứng cho rất nhiều nhà đầu tư cộng hưởng khác. Thú vị là, đối với kiểu đầu tư cộng hưởng, Nhà nước và cộng đồng nói chung sẽ được hưởng lợi thụ động thay vì phải chuẩn bị “cơ chế” để hỗ trợ giống như khi họ hỗ trợ cho các nhà đầu tư khởi xướng ban đầu. Ngược lại, chính nhà đầu tư cộng hưởng lại góp phần tạo nên phong trào và đóng góp nguồn lực bảo tồn di sản chủ động và hiệu quả.

Phân loại nhóm cộng đồng theo mục đích đầu tư bảo tồn di sản

Nhu cầu đầu tư vào di sản của các Nhà đầu tư

Ngày này, các khu vực di sản trong trung tâm đô thị lớn cạnh tranh như Hà Nội luôn là một khu vực hấp dẫn đối với các hoạt động đầu tư. Các nhà đầu tư đều muốn chiếm lĩnh được khu vực này để khai thác lợi thế vị trí và vị thế để thu lợi nhuận về nhiều mặt. Tuy vậy, khi đầu tư vào đây họ nhìn rõ những thuận lợi và khó khăn của mình:

Thuận lợi: Vị trí trung tâm, thuộc khu vực hấp dẫn về văn hóa, lịch sử, trung tâm thu hút du lịch, dịch vụ, cực thuận lợi cho các hoạt động kinh doanh sinh lời, dịch vụ, du lịch văn hóa. Ngoài ra, Giá trị của khu vực này còn được đảm bởi bởi giá trị bất động sản của khu vực luôn duy trì ở mức cao.

Khó khăn: i) Luật di sản không khuyến khích và tạo hành lang cho sự thay đổi di sản (Bị khống chế về giới hạn khai thác sử dụng di sản; bị khống chế về hoạt động chuyển đổi chức năng và không gian di sản; không có hướng dẫn trong việc khai thác, sử dụng di sản theo bối cảnh thay đổi của thị trường); ii) Khó tập hợp di sản vì di sản đang bị phân tách, chia nhỏ manh mún, được quản lý, sử dụng, chiếm dụng bởi các thành phần tư nhân khác nhau trong điều kiện không có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng hay sở hữu; iii) Các di sản bị chia nhỏ manh mún, lộn xộn, không theo cấu trúc không gian tạo ra những khó khăn, bất tiện khi sử dụng; iv) Định giá giá trị bất động sản tại khu vực này hiện không tuân theo định giá của nhà nước mà theo định giá thị trường và đang đứng ở mức giá rất cao (hoạt động chủ yếu theo giá chợ đen). Đây là một bất lợi đối với nhà đầu tư khi muốn thu gom và mua lại để thống nhất Di sản; v) Sự đa dạng về tình trạng sở hữu/sử dụng di sản (multi-ownership) gây khó khăn công tác thu gom, thuyết phục các hộ dân bán hoặc cho thuê dài hạn; vi) Bản chất/Tính chất của cộng đồng trong khu vực di sản tại trung tâm thường là những người có nhiều sự hạn chế về điều kiện kinh tế, điều kiện sống, giáo dục, các tầm nhìn dài hạn về di sản. Sự phụ thuộc của họ vào di sản, khu vực di sản (về mặt thu nhập, sinh kế, lợi ích kinh tế và sự thuận tiện trong cuộc sống) khiến cho vấn đề di dời, bồi thường, giải quyết thủ tục hợp thức hóa, bán/chuyển nhượng di sản khó khăn hơn, gây ảnh hưởng cho công tác thu hút đầu tư và chỉnh trang di sản của nhà đầu tư và quản lý; vi) Luật bảo tồn di sản thường đi độc lập, chưa thực sự tích hợp với các kế hoạch, quy hoạch đô thị và kế hoạch đầu tư cho di sản.

Nhu cầu đầu tư bảo vệ di sản của nhà quản lý

Nhà quản lý muốn bảo vệ di sản trong điều kiện tài chính và năng lực quản lý tối thiểu. Họ muốn gìn giữ các giá trị lịch sử văn hóa –được xem như bản sắc đô thị của địa phương. Các giá trị di sản cũng được hy vọng có thể tạo ra các giá trị về cảnh quan đô thị, và thu hút du lịch, dịch vụ phát triển cho đô thị. Nhà quản lý thường tập trung vào giá trị bất biến và dễ dàng xác định của di sản (có định lượng và nhìn thấy được- giá trị vật thể). Mục tiêu của họ khá cứng nhắc khi chú trọng tập trung vào gìn giữ tối đa, nguyên vẹn các giá trị này. Mục tiêu này đang ngày càng tạo ra những thách thức trong công tác bảo tồn di sản, khó huy động nguồn lực xã hội.

Nhu cầu đầu tư bảo vệ di sản của người dân

Người dân là những người có sự gắn bó nhất định đối với hệ thống di sản (phản ánh ở nhu cầu đời sống vật chất, sinh hoạt và tinh thần). Những mong muốn bảo vệ di sản của người dân liên quan đến tình cảm gắn bó của họ với khu vực, mong muốn giữ lại các ký ức văn hóa của cộng đồng, gìn giữ không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng, để được hưởng những giá trị lợi ích tinh thần và vật chất (chung và riêng) theo các mức độ thụ hưởng khác nhau.

Tuy nhiên, người dân, nhất là những người đang trực tiếp sống trong di sản gặp phải rất nhiều vấn đề từ di sản: i) Sử dụng/sở hữu di sản không có giấy tờ hợp pháp; ii) Phụ thuộc sinh kế và thu nhập vào di sản, khu vực di sản; iii) Không gian sống kém chất lượng và cần thay đổi về chất lượng tiện nghi môi trường sống, không gian sống; iv) Phụ thuộc về các tiện ích đô thị khác.

Kiến nghị (Phương hướng cho bài toán khuyến khích sự tham gia cộng đồng, huy động nguồn lực xã hội và huy động đầu tư bảo vệ Di sản)

Bài toán bảo tồn có thể được giải quyết khi chúng ta dần tháo gỡ những nút đầu tiên liên quan đến nhu cầu và thực tế mong muốn của cộng đồng / các nhóm cộng đồng. 

Cần xem xét lại định nghĩa và nhận thức về giá trị của di sản trong bối cảnh hiện nay 

Thực vậy, trong bối cảnh đô thị hóa với sự thay đổi gần như toàn diện về quan hệ sản xuất, quan hệ kinh tế và quan hệ văn hóa cộng đồng, giá trị của di sản cần được xem xét đánh giá lại để có sự phù hợp với “bối cảnh văn hóa kinh tế xã hội mà nó thuộc về”. Sự thay đổi này đã được nhìn thấy trong thái độ của cộng đồng (trên thế giới nói chung và cộng đồng địa phương nói riêng) đối với công tác bảo tồn di sản: Nếu trước kia, người ta thống nhất thừa nhận rằng, giá trị di sản gắn với những giá trị được khẳng định rõ ràng thông qua biểu hiện vật thể (chi tiết kiến trúc, chất liệu, kết cấu, cấu trúc thể hiện giai đoạn lịch sử và văn hóa của xã hội….) thì ngày nay, các giá trị này khó có thể là những giá trị duy nhất thuyết phục người dân và thậm chí cả các nhà chuyên môn về bảo tồn di sản. Hình 3 mô tả sự thay đổi của bối cảnh đô thị hóa đang tác động lên các “chuẩn mực” giá trị của di sản, không chỉ về giá trị vật thể, giá trị phi vật thể mà còn ở sự kết nối giữa di sản với không gian sống của cộng đồng và đô thị cũng như sự thay đổi trong nhận thức của cộng đồng. 


Hình 2 - Chất lượng không gian sống ở phía bên trong khu phố Cổ. Nguồn: HAIDEP, 2005

Trường hợp Phố Cổ cho ta nhìn rõ hơn về các thách thức khi các giá trị di sản không được đánh giá và xem xét phù hợp với bối cảnh thay đổi hiện nay. Những thách thức sẽ là: i) Phải giữ nguyên toàn bộ, không can thiệp vào hệ thống các di sản (nhà ở và di sản tâm linh, công cộng) trong khu vực phố cổ. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của cộng đồng dân cư tại đây: chất lượng sống, môi trường sống xuống cấp rất nhiều, thậm chí nguy hiểm đến an toàn tính mạng. Và vì không được thay thế,sửa chữa (Luật Di sản), người dân buộc phải đẩy các hoạt động này “ra phía sau”. Điều này hình thành nên một cấu trúc hết sức phức tạp cho khu phố cổ: Sự “đẹp đẽ” được phô ra bên ngoài mặt phố dễ dàng tạo ra sự “đánh lừa cảm giác” rằng bảo tồn đang đem lại giá trị tốt đẹp. Trong khi đó những bất cập đã được dồn nén về phía trong và ở phía sau: các không gian ở mật độ cao chật hẹp “như nêm như cối”, sự quá tải của dân số, những không gian sống kiểu ổ chuột với chất lượng không gian thấp, đặc trưng manh mún, tạm bợ….. Những vấn đề này đưa bài toán bảo tồn sang bài toán giải quyết các vấn đề quá tải của đô thị, đáp ứng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và các bất cập khác về an toàn môi trường (kém vệ sinh, tiện nghi, ô nhiễm…) và an toàn xã hội (các tệ nạn có thể xảy ra…); ii) Người dân không được đáp ứng nhu cầu phát triển chính đáng của mình sẵn sàng tham gia bảo tồn di sản theo một cách chủ động tiêu cực “không lối thoát”. Họ buộc phải can thiệp “giấu diếm” vào di sản để thỏa mãn nhu cầu trước mắt của mình. Vấn đề là, một khi người dân đã can thiệp thì sự can thiệp của họ lại không đạt được sự can thiệp về mặt tổng thể, mà tập trung vào sự manh mún và không đồng nhất, là tiền đề của các nguy cơ phá vỡ cấu trúc, kiến trúc thống nhất của di sản; iii) Sự thiếu hấp dẫn của khu vực di sản một khi các di sản được bảo tồn nguyên trạng nhưng thiếu đi sức sống của thực tế sinh động được tạo ra bởi chính lối sống phong phú và năng động của cộng đồng ở đây. Điều này có thể ảnh hưởng lớn đến hoạt động du lịch và phát triển văn hóa; iv) Sự khẳng định nghiêm ngặt về giá trị bất biến của di sản có thể là những rào cản cho công tác bảo tồn di sản, cản trở hoạt động sáng tạo và phù hợp với nguồn lực và khả năng của cộng đồng và đô thị. 

Những nhận thức về giá trị của di sản nên thay đổi ở phương diện sau:

+ Sự khả biến của các giá trị di sản. Sự khả biến này cho thấy giá trị của di sản không nhất thiết nằm ở các giá trị vật thể, mà còn ở các giá trị liên quan khác: ý nghĩa đối với cuộc sống của cộng đồng, ý nghĩa trong không gian đô thị,…

+ Tính xác thực của di sản nên được xem xét ở góc độ linh hoạt sẽ phù hợp với điều kiện thời tiết khắc nghiệt và thực trạng lịch sử khách quan trọng trường hợp Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng.

+ Xác định các di sản (danh mục/hệ thống) cần được bảo tồn theo các mức độ khác nhau. Trong đó có các mức độ bảo tồn 100%, 50%, 30%, 10%, (thực tế các phân loại này đã được thực hiện, nhưng danh mục di sản thực sự quan trọng vẫn dễ bị đánh đồng với các di sản ở mức độ ít quan trọng hơn) và không có lộ trình thực hiện rõ ràng.

Những di sản có giá trị nổi bật, đặc biệt quan trọng cần được đưa vào hệ thống các công trình đô thị trọng điểm, có ý nghĩa trong tổ chức không gian đô thị đương đại và định hướng tương lai.

+ Công nhận sự có mặt và quan trọng của các giá trị sống, giá trị xã hội của các di sản trong trung tâm đô thị, và ảnh hưởng của nó đến đời sống cộng đồng cũng như sự hấp dẫn của nó đối với hoạt động đầu tư phát triển đô thị

+ Thừa nhận khả năng sáng tạo di sản để tạo ra các di sản trong tương lai.


Hình 3 - Sự ảnh hưởng của đô thị hóa đến giá trị di sản. Nguồn: Đào Thị Như, 2017

Hợp thức hóa quyền sử dụng bất động sản có gắn với di sản của một bộ phận cộng đồng

Nhiều chuyên gia cho rằng sự xuống cấp của hệ thống di sản trong trung tâm có liên quan đến sự có mặt và can thiệp của một bộ phận người nghèo đang sở hữu “bất hợp pháp” (không có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng) di sản. Nói cách khác chính những người nghèo đã biến đổi di sản theo cách riêng của họ, manh mún, tự ý và thiếu đồng bộ (thông qua việc tự ý chia nhỏ, cơi nới, thêm bớt các không gian, cho thuê và sử dụng sai chức năng).

Tuy nhiên, vấn đề “sở hữu bất hợp pháp” của họ thực tế có liên quan đến hệ quả để lại của lịch sử, của thời kỳ khó khăn và sự hạn chế trong quản lý của chính quyền non trẻ trong và sau chiến tranh. Sự can thiệp tự ý của họ bắt nguồn từ việc: họ không thể tự chủ trong cuộc sống của mình: họ không thể bán nhà để đi nơi khác (vì không có giấy tờ thì không bán được); họ không thể đàng hoàng sửa chữa (vì nhà ở của họ thuộc diện di sản); họ cũng không thể giữ nguyên trạng di sản (vì họ cần một cuộc sống đảm bảo cho sự nảy nở sinh sôi và phát triển của gia đình, và các nhu cầu khác, và vì họ cần thay đổi hoặc chuyển đổi không gian ở của mình để có thể có thêm thu nhập và sinh kế). Họ bị “buộc tội” vì mong muốn của mình đang mâu thuẫn với thực trạng quản lý của nhà nước (chỉ muốn giữ lại di sản trong khi không quan tâm đến cuộc sống và có phương án giải quyết cho họ).

Tuy nhiên, việc hợp thức hóa quyền sử dụng bất động sản cho một số đông những người đang sử dụng và sở hữu di sản trong các di sản thuộc khu vực đông đúc và thương mại sôi động bậc nhất thành phố không hề đơn giản. Nhất là việc hợp thức hóa quyền sử dụng này có liên quan đến lợi ích, sự công bằng (giữa những người vốn là công chức nhà nước, có công với cách mạng, được phân bổ đúng luật và những người là dân “nhảy dù” chiếm dụng trái phép),khả năng chi trả, đền bù, kiểm soát và quản lý của chính quyền địa phương.

Chính sách định hướng cho hoạt động cải tạo và đầu tư vào di sản

Hoạt động đầu tư vào di sản không chỉ là một xu hướng thị trường mà nó còn là cơ hội để bảo tồn di sản. Vì vậy các chính sách đón đầu các xu hướng này sẽ tạo ra những hành lang pháp lý thuận tiện cho công tác đầu tư của những nhà đầu tư. Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi mà các hoạt động đầu tư tiên phong đạt hiệu quả, sẽ có khả năng hấp dẫn và lôi kéo các hoạt động đầu tư cộng hưởng khác. Và với hoạt động đầu tư cộng hưởng, nhà nước hoàn toàn không mất nhiều chi phí và công sức quản lý.

Chính sách hỗ trợ đầu tư vào di sản cần chú ý:

+ Coi hệ thống di sản (đã được phân loại và phân cấp) trở thành tiềm lực của đô thị. Cần được đưa vào các kế hoạch quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển không gian và kế hoạch phát triển đầu tư kinh tế của đô thị.

+ Kế hoạch đầu tư muốn hiệu quả cần phải có nghiên cứu xu hướng đầu tư của các nhà đầu tư, thị trường đầu tư (khả năng đầu tư vào di sản để làm dịch vụ, thương mại, không gian học thuật kết hợp thương mại?)

+ Cần có cơ chế hợp tác chặt chẽ giữa các tác nhân (actors) là Nhà đầu tư – Nhà quản lý – Chủ sở hữu/sử dụng di sản. Hiện nay, công cụ TDRs (Transfer of Development rights[1]) đang phát huy hiệu quả ở rất nhiều quốc gia và khu vực có di sản . Trong đó cơ chế đánh đổi được xác định rất rõ ràng và linh hoạt (cơ chế này sẽ được phát huy hiệu quả khi có sẵn một hệ thống các danh mục di sản đồng ý tham gia đánh đổi và danh sách các hạng mục đầu tư có thể đánh đổi, cũng như danh sách các nhà đầu tư quan tâm. Ở nước ngoài, các danh mục này còn được hỗ trợ thành “ngân hàng danh mục” và đưa lên 1 “sàn giao dịch” có sự quản lý và điều phối của nhà nước [Andrew M. Cuomo và Rossana Rosado, 2015].

+ Hợp tác liên ngành, liên vùng để việc đầu tư có hiệu quả và có thể thực hiện được (vì nhiều khi sự đánh đổi không thể đáp ứng được ở khu vực này của thành phố này nhưng lại đáp ứng tốt ở khu vực khác của thành phố khác)

+ Xem xét các khả năng Đánh đổi để đảm bảo đầu tư mang lại lợi ích không chỉ cho nhà đầu tư, nhà quản lý mà cả những người sử dụng và sở hữu di sản. 

Kết luận:

Bài toán bảo tồn di sản chính là bài toán tổng hợp của bài toán đầu tư, bài toán xác định lại giá trị của di sản trong bối cảnh mới, bài toán xây dựng và huy động nguồn lực… Những bài toán này nên được giải đồng thời, với sự tham gia hỗ trợ tích cực từ các cấp, ngành và cộng đồng. 

TS. Đào Thị Như - Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng 

[1] TDRs: Là một công cụ công nhận quyền “phát triển” chính đáng của cộng đồng – những người đang sở hữu/sử dụng di sản. Công cụ cho phép những người này có thể thực hiện “quyền phát triển” của mình ở một nơi được phép khác thay vì họ sẽ can thiệp tại chỗ lên di sản và biến đổi di sản. Họ có thể tự do bán/chuyển nhượng quyền phát triển này cho các nhà đầu tư và hưởng lợi ích. 
Tài liệu tham khảo: 
  • Dao Thi Nhu, 2017, Đô thị hóa và bảo tồn di sản kiến trúc đô thị tại Hà Nội: sự tham gia của cộng đồng, Luận án tiến sĩ, Panthéon Sorbonne Paris 1 University, Pari, Pháp.
  • Hoang Huu Phe, 2002, Investment in residential property: taxonomy of home improvers in Central Hanoi. Habitat International, vol. 26, no 4, p. 471-486.
  • Hoang Huu Phe, NishimuraYukio, 1990, The Historical Environment, Housing Conditions in the “36 Old Streets” Quarter of Hanoi. Bangkok: Division of Human Settlements Development (Ed.), Asian Institute of Technology.
  • HAIDEP (The Comprehensive Urban Development Programme in Hanoi Capital City), 2005, Hanoi urban environment fact book. Opinions of 20,000 households. Hanoi: HAIDEP Study Team, Hanoi People’s Committee, JICA, 24 p.
  • Andrew M. Cuomo và Rossana Rosado, 2015, Transfer of Development rights , A Division of the New York Department of State, [https://www.dos.ny.gov/lg/publications/Transfer_of_Development_Rights.pdf].

(Bài đăng trong Tạp chí Quy hoạch Đô thị số 30+31


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo