Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Tương tác Nhìn ra thế giới Khả năng phục hồi của đô thị và ý tưởng đô thị chống bão lũ

Khả năng phục hồi của đô thị và ý tưởng đô thị chống bão lũ

Viết email In

Loài người chúng ta đang sống trong một thế giới ngày càng năng động và có nhiều biến động. Đó là thế giới có sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ và nhiều liên kết tác động lẫn nhau đã làm thúc đẩy qúa trình vận động không ngừng, đồng thời tác động đến sự thay đổi của lối sống loài người. Khả năng phục hồi là năng lực của cá nhân, cộng đồng và các hệ thống liên quan để tồn tại, thích ứng, phát triển trong bối cảnh vượt qua căng thẳng, những cú sốc và những điều kiện khi chuyển đổi. Xây dựng khả năng phục hồi là làm cho cộng đồng và các hệ thống đó có sự chuẩn bị tốt hơn để có thể vượt qua được những sự kiện thảm khốc (cả thiên nhiên và nhân tạo) có thể phục hồi trở lại một cách nhanh chóng hơn, mạnh mẽ hơn.  

Con người không được sinh ra với khả năng phục hồi sẵn có mà thường chúng ta phải tìm hiểu nó, thích ứng với nó và xoay xở với nó. Điều này cũng đúng với toàn thể xã hội loài người. Có một số đặc điểm cốt lõi mà chúng ta cần phải chia sẻ, thực hành trong thời điểm thích hợp và trong thời điểm có sự cố: 

1. Dự phòng khả năng nhằm đảm bảo có giải pháp thay thế hoặc giải pháp có sẵn một khi có sự cố hoặc một mắt xích quan trọng nào đó thất bại;

2 . Khả năng linh hoạt, khả năng thay đổi, phát triển và thích ứng khi đối mặt với thảm họa;

3 . Tổn thất một cách "an toàn" nhất, hạn chế nhất và ngăn chặn tổn thất trước khi lan rộng;

4 . Phục hồi nhanh chóng, khả năng thiết lập lại các chức năng bị tổn hại và tránh không bị gián đoạn lâu dài;

5. Tiếp tục học hỏi, tạo các giải pháp mới cho điều kiện thay đổi.

Quỹ Rockefeller (Mỹ) là một tổ chức từ thiện vào cuối năm 2013 vừa qua đã thông báo về nhóm các thành phố đầu tiên được lựa chọn trong số 100 thành phố có khả năng hồi phục của thế giới. Đó là các thành phố thể hiện cam kết cho việc xây dựng năng lực của mình để chuẩn bị đối phó và phục hồi nhanh chóng sau những cú sốc và căng thẳng từ thiên tai và nhân tạo. Thành phố Đà Nẵng của Việt Nam đã vượt qua 400 thành phố trên thế giới, trở thành một trong số 33 thành phố đầu tiên được lựa chọn vào Mạng lưới 100 thành phố có khả năng hồi phục của thế giới. 

ONE Prize Award là một cuộc thi quốc tế mở cơ hội cho tất cả mọi người trên toàn thế giới từ chuyên nghiệp đến sinh viên nhằm tôn vinh thúc đẩy ý tưởng thiết kế xanh cho sự phục hồi và tự bảo vệ của các thành phố. Cuộc thi năm 2013 vừa qua đã kêu gọi các nhà quy hoạch và thiết kế đô thị tìm ra các giải pháp để ngăn chặn những tác động của bão lũ thông qua các sáng kiến như hàng lang bảo vệ xanh, hàng rào chắn lũ, nhà ở chống bão, công nghệ chống thấm và quy hoạch không gian công cộng. 

Đối tượng tham gia được giao nhiệm vụ phát triển những ý tưởng tạo ra hệ sinh thái đô thị có thể ngăn chặn lũ lụt; khôi phục cơ sở hạ tầng xã hội và không gian công cộng, bảo vệ thành phố chống lại những thảm họa không báo trước hoặc tạo ra vùng bờ biển có thể đóng vai trò như những tương tác có thể làm rào cản bão lũ. 

Có 4 ý tưởng đứng đầu sau đây đã dành được giải thưởng trong cuộc thi ONE Prize Award năm 2013: 

1. Ý tưởng về hệ thống con đập tại Tokyo 

Giải thưởng đầu tiên là ý tưởng về một hệ thống con đập có thể giúp tạo ra một chiến lược quản lý nước tại Tokyo do KTS. Kenya Endo (Nhật Bản) đề xuất. Sau một cơn bão lớn vào năm 1947, Tokyo đã xây dựng một mạng lưới các con đập nhưng thành phố vẫn chưa có sự chuẩn bị cho lũ lụt. Một cơn bão tương tự có thể ảnh hưởng đến 2,3 triệu người và thiệt hại hàng tỷ đô. Vì vậy sẽ rất tốn kém cho chính phủ để xây dựng và duy trì hệ thống con đập mới, dự án của Endo đã đề xuất xây dựng hệ thống hàng rào xung quanh sông sử dụng các trầm tích thu thập được từ các con đập hiện tại. 

Khu vực được lựa chọn cho dự án này nằm dọc theo bờ sông Tone, cách 100 km từ trung tâm thành phố Tokyo - nơi có 12 triệu người đang sinh sống. Hệ thống hàng rào này sẽ tạo ra một mạng lưới vùng đất ngập có thể nuôi dưỡng động vật hoang dã trong khi lại có thể bảo vệ thành phố khỏi lũ lụt. Hệ thống này cũng sẽ thanh lọc nguồn nước của thành phố và không giống như hệ thống con đập bê tông thông thường, mà còn có thể tạo ra khu công viên vui chơi giải trí cho thành phố. Đó là một loại hệ thống con đập có thể tương tác với thiết kế đô thị, làm phong phú thêm hệ sinh thái cho đô thị. 

2. Ý tưởng về một hòn đảo nhân tạo Barrier Staten Island 

Một trong ba vị trí dành giải thưởng thứ hai là ý tưởng về một hòn đảo chắn có tên gọi là Barrier Staten Island được thiết kế bởi KTS. Cricket Day (Mỹ). Ý tưởng đề xuất tạo ra một hòn đảo nhân tạo để bảo vệ bờ biển phía đông Staten đã bị tàn phá bởi cơn bão Sandy vào năm 2012. Ý tưởng đề xuất xây dựng một số khu vùng nước nông để có thể tạo ra một hàng rào bảo vệ đảo. Cricket đã đề xuất gia cố kỹ thuật và tăng cường các quá trình tự nhiên cho khu vực này. 

Ý tưởng này cũng bao gồm phát triển một số khu vực phục vụ cho thể thao và khu vui chơi giải trí, bao gồm một vành đai xanh phục vụ đi bộ và đi xe đạp; khu vực chèo thuyền, câu cá; khu vực dã ngoại và không gian mở sử dụng cho các buổi hòa nhạc và các hoạt động cộng đồng. Theo các nhà quản lý đô thị, ý tưởng này rất khả thi và trong khả năng cho phép sẽ trở thành hiện thực, thành công cao. 

3. Ý tưởng về khu đô thị ngoại vi tại Raritan Bay 

Đồng vị trí thứ hai là ý tưởng về khu đô thị ngoại vi tại Raritan Bay, một vịnh nằm ở phần phía nam của vịnh New York thực hiện bởi KTS. Katherine Rodgers (Mỹ). Ý tưởng đề xuất di chuyển người và các tòa nhà dọc theo bờ biển có khả năng bị tổn thương một khi có lũ lụt. Đồng thời, đề xuất một hệ thống công viên rộng lớn bao quanh toàn bộ vịnh ở New York và New Jersey để tạo ra khu hàng rào chắn và tạo ra khu vực trú nước trong những trận bão, trong khi vẫn cho phép sử dụng không gian này vào các thời điểm không có bão lũ. Đề xuất ngăn chặn sự phát triển đô thị ra ngoài bờ biển và tạo ra một loạt các hệ thống đệm cây xanh, đất ngập nước và các con đường ngăn chặn các làn sóng lớn. 

Theo ban giám khảo, ý tưởng này không chỉ tạo ra một hệ thống kết nối có tổ chức mà còn tạo ra phương thức để người dân địa phương cùng tham gia vào mạng lưới giao thông ra ngoài thành phố với các khu vực quanh đó. Đề xuất này không chỉ bảo vệ cho sự an toàn của con người và vật chất mà còn tạo ra yếu tố tinh thần cho người dân của khu vực cùng hợp tác trên quy mô lớn. 

4. Ý tưởng bảo vệ cộng đồng ven biển khỏi sóng thần tại Indonesia 

Được thiết kế để bảo vệ cộng đồng ven biển ở Sumatra, Indonesia khỏi sóng thần. Ý tưởng này được thực hiện bởi Ben Devereau (Indonesia). Ý tưởng đề xuất sắp xếp các container đã qua sử dụng và đặt dưới đáy đại dương cùng với việc phát triển các rạn san hô. Bằng cách thêm một điện tích nhỏ vào các container bằng kim loại, hệ thống này có thể kích thích sự tăng trưởng của san hô, tạo thành một rào cản có thể làm chậm sự di chuyển của các cơn bão lũ. Đề xuất này của Ben Devereau tận dụng công nghệ phát triển của hệ thống tích lũy âm cực - một quá trình mà trong đó canxi cacbonat lơ lửng trong nước biển có thể cùng gắn kết lại với nhau thành dạng dẫn với sự hiện diện của một điện tích nhỏ. 

Theo Ban giám khảo, ý tưởng này rất dễ dàng áp dụng, thích nghi và thuận lợi về mặt kinh tế. Ý tưởng này một khi được thực hiện sẽ làm giảm sức mạnh của sóng thần gần thông qua sự kết hợp của các tác nhân tích điện, tăng ma sát đáy biển, chuyển hướng sóng và sẽ duy yếu dần dần. Ý tưởng cũng đề cập đến việc tạo ra một loạt các cấu trúc ven biển hoạt động như các địa điểm cộng đồng và như nơi cư trú khi có bão. Đây là ý tưởng ban đầu được phát triển để giảm thiểu những thiệt hại do sóng thần dọc theo bờ biển của Indonesia, tuy nhiên nó có thể được áp dụng cho các vùng ven biển trên toàn thế giới. 

Khánh Phương 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo