Làng thông minh kết hợp giữa hiện đại và bền vững

Thứ sáu, 10 Tháng 8 2012 00:05 SGTT
In

Nhằm giải quyết vấn đề nghèo đói ở nông thôn, đồng thời thúc đẩy cộng đồng và tính bền vững, Malaysia đã đưa ra giải pháp thành lập những “ngôi làng thông minh”.

Xây dựng ở phía đông bắc thủ đô Kuala Lumpur, làng Rimbunan Kaseh là kết quả của sự hợp tác nhà nước và tư nhân, mà theo những người sáng lập, có thể sử dụng như một mô hình để xóa đói giảm nghèo trên khắp thế giới.


Xây dựng trên khuôn viên 12 hecta, 100 nóc nhà ở Rimbunan Kaseh với khả năng tự cung tự cấp cùng những nguồn năng lượng bền vững sẽ có thể được nhân rộng ở nhiều nước nhằm xóa đói giảm nghèo hiệu quả
(Ảnh: MIGGHT)

Với 100 căn hộ được xây dựng trên khuôn viên 12 hecta, các cư dân sinh sống ở làng mô hình này có thể dễ dàng tiếp cận các cơ sở giáo dục, đào tạo, giải trí cũng như hệ thống nông nghiệp bền vững, cung cấp nguồn thực phẩm đáng tin cậy và tạo thu nhập bổ sung cho người dân. Kết hợp các tiện ích hiện đại, người dân còn có thể dễ dàng truy cập internet thông qua hạ tầng 4G hỗ trợ dịch vụ học tập và y tế điện tử. Với diện tích mỗi ngôi nhà khoảng 100 m2, chỉ mất 10 ngày xây dựng trong khi giá thành lại khá phải chăng, giao động từ 320-400 triệu đồng mỗi căn.

Với hệ thống nuôi trồng thủy sản bốn cấp là nhà của các loại cá nhỏ như cá bảy màu và tảo, cung cấp thức ăn cho những loại cá lớn như cá rô phi giàu protein. Nước thải từ bể cá này sau khi đi qua hệ thống lọc có thể được tận dụng để tưới cây, hoa, các loại ngũ cốc, cây trồng khác. Sau đó, lại có thể sử dụng các loại cây lá và chất thải hữu cơ này để chăn nuôi gia cầm. Về cơ bản, dự án này gợi nhớ lại mô hình vườn-ao-chuồng (VAC) từ những năm 1990 ở Việt Nam. Tuy nhiên, VAC chỉ là mô hình sản xuất, khép kín đơn giản các yếu tố trong sản xuất nông nghiệp. Còn với Rimbunan Kaseh ở Malaysia, đó là hệ thống khép kín cho cả một cộng đồng, đồng bộ từ sản xuất cho đến đời sống sinh hoạt.

Theo ông Tan Say Jim, giám đốc quản lý của tập đoàn IRIS Corporation Berhad Malaysia, chịu trách nhiệm chính của dự án, “Đây là một mô hình khép kín hoàn toàn, một trang trại hiện đại. Bằng cách tận dụng hết mọi thứ, mỗi tháng các hộ gia đình có thể tạo thêm thu nhập cho mình từ 400-650 USD. Với dự án này, chúng tôi kích thích sự phát triển nông thôn với các hoạt động nông nghiệp hiện đại, cân bằng phát triển và hoạt động kinh tế giữa đô thị và nông thôn, cung cấp thu nhập và cải thiện tiêu chuẩn sống”.


Với thời gian xây dựng nhanh, chi phí khá phải chăng, nhưng những ngôi nhà ở "làng thông minh" Rimbunan Kaseh vẫn rất khang trang và tiện nghi
(Ảnh: CNN)

Tất cả các gia đình sẽ sử dụng nguồn điện từ các tấm pin năng lượng mặt trời kết hợp với năng lượng sinh học và thủy điện, một cách phát triển bền vững mà lại thân thiện với môi trường. Mẫu hình này tương lai sẽ được đặt ở 12 địa điểm khác nữa trên toàn lãnh thổ Malaysia, tạo thành mạng lưới “cộng đồng thông minh” đặt nền móng cho nhiều công việc hơn trong thời gian sắp tới.

Tiến bộ trong công tác xóa đói giảm nghèo ở Malaysia hiện không đồng đều vì các hộ nghèo cốt lõi vẫn còn ở các vùng quê, theo Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (LHQ). Tuy nhiên, trong hai thập kỷ qua, tình hình dần dần được cải thiện khi tỉ lệ đói nghèo quốc gia giảm mạnh.

Phát biểu tại Học viện Ngoại giao và Quan hệ nước ngoài tại Kuala Lumpur vào đầu năm nay, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon ca ngợi nỗ lực của Malaysia nhằm giải quyết đói nghèo như là một phần của các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ rộng lớn hơn. 

Theo lời ông Ban Ki-moon, “Malaysia là một đất nước đa sắc tộc, đa tôn giáo và đa văn hóa. Thúc đẩy thống nhất trong đa dạng, khuyến khích một Malaysia trong số nhiều người Malaysia là một tầm nhìn tuyệt vời, không chỉ cho người dân Malaysia, mà còn cho cả khu vực. Kinh nghiệm của đất nước này có thể giúp các quốc gia ở Nam bán cầu, tôi kêu gọi Malaysia xem xét làm thế nào để tăng cường hợp tác Nam-Nam”.

Trong khi đó, ông Ellis Rubenstein, chủ tịch và giám đốc điều hành của Viện Hàn lâm Khoa học New York (NYAS) đồng chủ tịch toàn cầu của Hội đồng Tư vấn Khoa học và Đổi mới (GSIAC), một sáng kiến chung của NYAS và nhóm ngành công nghiệp chính phủ Malaysia về công nghệ cao (MIGGHT), nói mô hình của Malaysia là một "cơ hội tuyệt vời" để c ải thiện cuộc sống của những người nghèo khó trong nước và trên thế giới. Mạng lưới cộng đồng nông thôn thông minh và hội nhập có thể chuyển đổi dịch vụ có sẵn cho công dân của Malaysia trong khi tạo ra hàng ngàn việc làm mới lúc nền kinh tế toàn cầu trên đà suy thoái và thất nghiệp tràn lan”.

Khả Anh (Theo CNN, MIGGHT)


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: