Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Tương tác Nhìn ra thế giới Thành phố toàn cầu - Bài học Thượng Hải

Thành phố toàn cầu - Bài học Thượng Hải

Viết email In

Bài học Thượng Hải có thể có ích với TPHCM - một siêu thành phố tương lai, đang hướng tới thành phố toàn cầu.

Thành phố toàn cầu là những thành phố có vai trò chiến lược quan trọng, năng động độc đáo về không gian và điều quan trọng nhất là đã liên kết được với toàn cầu. Thành phố toàn cầu phải chứa đựng những khả năng phục vụ, quản lý và cung cấp tài chính cho các hoạt động toàn cầu của những công ty và thị trường.

Mở rộng cạnh tranh



Không thể tranh cãi về vai trò hàng đầu của các thành phố như New York, London, Tokyo, song sự chi phối có tính chất theo thứ bậc này bây giờ đang bị xói mòn. Mạng lưới ngày càng liên kết các thành phố toàn cầu với các chức năng toàn cầu chuyên môn hóa, một số thành phố đã hợp tác hữu hiệu với các thành phố khác đang nổi lên, đặc biệt là Thượng Hải.

Thành phố đã quyết định vượt sông Hoàng Phố thành lập Phố Đông làm vùng tăng trưởng mới trong đó có các khu kinh tế thỏa mãn nhu cầu thương mại xuất nhập khẩu, công nghiệp công nghệ cao, ngân hàng, dịch vụ và những khu khoa học để trở thành thành phố có tính cạnh tranh tốt nhất.

Sự phát triển ở Phố Đông đã cho thấy những dấu hiệu rõ ràng về tham vọng của Thượng Hải trở thành một trung tâm tài chính lớn của toàn cầu, sôi động vào bậc nhất thế giới.

Hiện đại bản sắc địa phương

Thượng Hải là thành phố chính của Vùng Châu thổ sông Dương tử của Trung quốc , là thành phố ven biển, thành phố cảng , có nhiều sông và nhánh sông tỏa vào thành phố trong đó có sông Hoàng Phố. Thượng Hải có diện tích 6.340km2, dân số khoảng 20 triệu người. 

Tính hiện đại bản sắc địa phương mô tả thực tiễn quy hoạch kiến trúc theo cách cố gắng diễn đạt nền văn hóa khu vực theo quan điểm văn hóa thế giới đang tồn tại để tạo nên bản sắc địa phương. 

Ở Thượng Hải không gian các công trình và cao ốc mang tính hiện đại, tôn vinh đường thẳng và góc vuông, tính hậu hiện đại phổ cập các đường cong và góc vát tạo cho hình tượng kiến trúc khả năng biểu cảm, cùng tồn tại khá phong phú. Song Thượng Hải đã có ý thức nâng cao giá trị của không gian ký ức làm cầu nối liên tục từ quá khứ đến tương lai, nổi bật là đường phố ven sông Hoàng Phố.

Trong lịch sử, đó là địa điểm khu cảng ngay kề mặt nước ở vị trí chiến lược về tài chính trong tô giới nước ngoài. Kiến trúc của nó được sao chép từ phong cách tân cổ điển châu Âu. Nó phản ánh một cách hoàn toàn rõ ràng về sinh hoạt thường nhật có tính chất đế vương và quá khứ nửa thuộc địa Trung Hoa đã được biểu tượng hóa một cách đầy quyền lực. Khung cảnh ngoạn mục tuyệt vời của đường ven sông Hoàng Phố, cũng như sự biến đổi thành không gian công cộng để nghỉ ngơi giải trí cho nhân dân, là nơi hấp dẫn khách du lịch khác xa với chức năng tài chính ban đầu của nó. Đứng trên bờ Tây sông Hoàng phố có thể thấy toàn cảnh Phố Đông và tháp truyền hình Minh Châu bên kia sông. Đường ven sông Hoàng Phố đã trở thành một đường phố lớn có tính biểu tượng, tạo ra hình ảnh không thể nào quên được về ký ức cho cả du khách và nhân dân địa phương.



Các cụm nhà ở cũ của Thượng Hải được gọi là lộng đường, là nhà ở tập thể có sân trong và tường bao bọc xung quanh. Được bố trí thành dãy, chúng dễ tiếp cận bằng những lối đi nhỏ nối liền với lối đi chính dẫn ra đường thông qua một cổng lưới thép. Kiến trúc lai tạp và mặt bằng sắp đặt tại các lộng đường là sự phản ánh đích thực của thành phố quốc tế và lối sống đang tiến hóa. Vào năm 1940 đại đa số dân cư Thượng Hải gần 3 triệu người kể cả người phương Tây đã sống trong các lộng đường. Trong tình trạng đổ nát, nhiều “lộng đường” bây giờ đã được coi là những nhà ổ chuột. Tuy nhiên trong những khu đó là chỗ ở và việc làm cho công nhân không lành nghề và dân nông thôn mới chuyển ra thành thị, song đó chính là sản phẩm của Thượng Hải và thuộc về nhân dân Thượng Hải.

Việc bảo tồn các không gian ký ức nêu trên đã tạo nên bản sắc địa phương của Thượng Hải.

Công bằng về không gian

Thượng Hải là thành phố xã hội chủ nghĩa, đã cân bằng được nền kinh tế thị trường với chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc và tạo nên sự công bằng xã hội, tuy nhiên nếu xét tới khía cạnh đô thị hóa thì phải tính tới sự công bằng về không gian trong toàn bộ quá trình phát triển.

Ở Thượng Hải công bằng về không gian có nghĩa là tiếp tục nâng cấp môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống cho tất cả công dân bao gồm cả hàng triệu người nông thôn di cư ra thành phố . Điều đó bao gồm việc cung cấp cho tất cả có nhà có thể ở được và hệ thống giao thông, công viên công cộng, không gian cây xanh, chỗ nghỉ ngơi giải trí, các phương tiện về y tế giáo dục.

Để đảm bảo công bằng về không gian, cũng cần bảo tồn và nâng cấp các cụm nhà ở cũ lộng đường để cung cấp nhà ở cho người nghèo đô thị.

Thành phố trong thành phố

Thành phố Thượng Hải được chia thành 14 quận nội thành và 6 huyện ngoại ô. Khu trung tâm trải dài trên 10 trong 14 quận nội thành và được xem là trung tâm thành phố Thượng Hải. Các quận nội thành dân số từ 1 đến 5 triệu người. Các đơn vị hành chính này có quyền điều hành rất cao để phát triển các đặc thù và bản sắc của mình như một tiểu thành phố, là thành phố trong thành phố . Với cách làm như vậy thì các siêu thành phố cũng dễ quản lý hơn, chức năng điều phối là chủ yếu.

Nguyễn Đăng Sơn - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đô thị & Phát triển Hạ tầng

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo