Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Tương tác Nhìn ra thế giới Nhật Bản hơn Trung Quốc về uy tín xây dựng hạ tầng ở châu Á

Nhật Bản hơn Trung Quốc về uy tín xây dựng hạ tầng ở châu Á

Viết email In

Nhật Bản có thể không bắt kịp Trung Quốc về quy mô đầu tư cho các dự án hạ tầng ở châu Á nhưng nước này đang thắng thế về uy tín và tầm ảnh hưởng, theo hãng tin CNBC.

Trước khi Trung Quốc bắt đầu mời gọi các nước Đông Nam Á bằng các chương trình đầu tư hạ tầng khổng lồ thông qua sáng kiến Một vành đai, một con đường (BRI), Nhật Bản là nước bảo trợ tài chính hàng đầu cho các dự án về phát triển ở khu vực này.

Giờ đây, khi hai cường quốc này đang cạnh tranh sức ảnh hưởng thương mại và kinh tế ở châu Á, các chuyên gia cho rằng Tokyo có thể không theo kịp các dự án đầu tư của Bắc Kinh nhưng đang vượt lên trước về khía cạnh uy tín và sức ảnh hưởng tạo ra với các nước trong khu vực.


Tháng 8 năm ngoái, Malaysia thông báo hủy bỏ dự án tuyến đường sắt Bờ Đông (ECRL) do Trung Quốc tài trợ vốn vay với tổng vốn đầu tư gần 20 tỉ đô la do chi phí quá lớn và không minh bạch.
(Ảnh: Malaysiakini)

Nhật Bản bắt đầu hợp tác phát triển hạ tầng ở châu Á vào cuối những năm thập niên 1970 thông qua các công ty đa quốc gia trước khi chính phủ Nhật Bản nắm vai trò dẫn dắt cho đề án kết nối hạ tầng ở khu vực này vào thập niên 1990. Tổ chức các nước công nghiệp G7 và Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) xem các dự án của Nhật Bản là mô hình mẫu mực về “hạ tầng chất lượng” vì chúng có mức độ an toàn cao, đáng tin cậy, bảo đảm vấn đề môi trường đồng thời giúp cải thiện hạ tầng logistics tổng thể.

Chẳng hạn, Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) đã cung cấp các khoản vay cho Việt Nam để xây dựng đường cao tốc và nâng cấp cảng biển, giúp cải thiện thu nhập các hộ gia đình nông thôn và giảm tỷ lệ hộ nghèo.

Dù các dự án xây dựng hạ tầng theo sáng kiến BRI cũng được xem là hạ tầng chất lượng nhưng có nhiều ý kiến lo ngại Bắc Kinh sẽ sử dụng chúng như nền tảng để khuếch trương quyền lực Trung Quốc ra toàn cầu.

Jonathan Hillman, học giả cao cấp kiêm Giám đốc Dự án tái kết nối châu Á ở Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) ở Washington nhận định trong một báo cáo vào năm 2018: “Mức độ đầu tư đầy tham vọng của sáng kiến BRI không nói lên cho chúng ta được nhiều điều về tác động thực sự của các dự án hạ tầng mới. Liệu những khoản đầu tư lớn đó có giúp những người dân thực sự cần chúng nhất? Liệu chúng sẽ những dự án khả thi hay vô dụng? Liệu chúng sẽ giúp chống biến đổi khí hậu hay gây tổn hại thêm cho tình trạng này?”

Theo các chuyên gia, các dự án đường sắt, mạng lưới viễn thông và phát triển nông thôn được phát triển bởi các doanh nghiệp Nhật Bản và các tổ chức của chính phủ Nhật Bản đặc biệt được đánh giá cao nhờ những đóng góp về đào tạo kỹ thuật mà chúng mang lại cho nhân lực ở các nước châu Á. Điều này đã giúp hun đúc tình hữu nghị và thiện chí giữa Tokyo và các nước châu Á.

Phát biểu tại hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 33 hồi tháng 11 năm ngoái ở Singapore, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cam kết trong 5 năm tới, Nhật Bản sẽ hỗ trợ các nước ASEAN đào tạo 80.000 chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ số hóa và sản xuất như là một phần của nỗ lực thúc đẩy xây dựng các thành phố thông minh trong khu vực.

Trái lại, các nước nằm trong sáng kiến BRI của Trung Quốc thường phàn nàn về việc ít được tham gia vào các dự án. Nhiều dự án hạ tầng của Trung Quốc bị cáo buộc nhập khẩu phần lớn vật liệu và nhân công từ Trung Quốc, thay vì sử dụng nguồn lực từ các công ty địa phương.

Ngoài ra, các dự án trong sáng kiến BRI cũng làm dấy lên những lo ngại về tham nhũng. Chẳng hạn, hồi đầu tháng này, tờ The Wall Street Journal đăng bài viết nói rằng các quan chức Trung Quốc đã đồng ý thổi phồng chi phí xây dựng các dự án hạ tầng ở Malaysia vượt xa so giá thị trường và các nguồn tiền dôi ra này được chính quyền của Thủ tướng Malaysia Najib Razak sử dụng cho các hoạt động chính trị và các mục đích khác. Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc bác bỏ cáo buộc này.

Viết trong báo cáo gần đây, học giả Jonathan Hillman cho rằng Bắc Kinh có thể học hỏi Tokyo. Ông viết: “Khi cựu Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos tháo chạy ra nước ngoài vào năm 1986, các tài liệu của ông hé lộ một hệ thống tham nhũng có dính líu đến hàng chục công ty Nhật Bản. Thông tin này khiến Tokyo thấy xấu hổ và bắt tay tiến hành các cải cách thực sự, dẫn đến sự minh bạch lớn hơn, sự cạnh tranh cởi mở hơn và cuối cùng là sự ra đời của hiến chương Viện trợ Phát triển chính thức (ODA) đầu tiên của Nhật Bản”.

Các khoản cho vay nước ngoài của Nhật Bản cũng được nhìn nhận đáng tin cậy hơn vì Nhật Bản có lịch sử hoạt động lâu đời trong lĩnh vực này. “So với các dự án do nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn, các dự án của Nhật Bản có tính bền vững hơn vì chúng nhận được rất nhiều tổ chức tài chính bảo trợ”, báo cáo của Viện Các nền kinh tế phát triển thuộc Tổ chức Thúc đẩy ngoại thương Nhật Bản nhận định hồi năm 2018.

Nhiều dự án của Nhật Bản được các tập đoàn tư nhân như Mitsubishi, Toyota, Nintendo và Sumitomo Mitsui Financial Group hỗ trợ tài chính, đang thúc đẩy hội nhập kinh tế ở Đông Nam Á và hiểu rõ tầm quan trọng của mối quan hệ giữa người dân trong khu vực.

Trong khi đó, học giả Hillman cho rằng các tổ chức tài chính của Trung Quốc chỉ công bố các dự án sau khi các nhà thầu đã được chọn và họ hiếm khi công bố các điều khoản cho vay và chậm giải ngân. Chính điều này làm dấy lên những nghi ngại ở các dự án của sáng kiến BRI. Các nghi ngại về các điều khoản cho vay của Trung Quốc đã khiến nhiều thỏa thuận hợp tác phát triển các dự án hạ tầng của Trung Quốc ở châu Á bị hủy bỏ hoặc tái đàm phán trong những tháng gần đây.

“Bắc Kinh có thể giỏi hứa hẹn nhưng Tokyo hiệu quả hơn nhiều trong nỗ lực thực hiện các cam kết và bằng cách làm như vậy, Tokyo đang tạo ra sức ảnh hưởng”, Viện Nghiên cứu chính sách ngoại giao (FPRI) có trụ sở bang Pennsylvania (Mỹ) nhận định trong một báo cáo hồi năm 2018.

Chánh Tài

(TBKTSG)

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo