Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Tương tác Nhìn ra thế giới Du khách đang “nhấn chìm” Venice

Du khách đang “nhấn chìm” Venice

Viết email In

Người dân địa phương ở thành phố Venice, Ý đang cảm thấy bị “lụt” bởi sự có mặt của 20 triệu du khách mỗi năm. Các quan chức Ý bắt đầu tính tới việc xem xét giới hạn lượng khách có thể vào thành phố hoặc các địa điểm tham quan nổi tiếng.  

Vừa ăn vừa chạy

“Các bạn, chỉ cần nói xin lỗi rồi đi vượt lên đi. Chúng ta không có nhiều thời gian đâu”, một phụ nữ trẻ người Mỹ giục giã nhóm bạn đang bị mắc kẹt tại một điểm nút đông người trên các tuyến phố hẹp của thành phố du lịch nổi tiếng Venice, phía Đông Bắc nước Ý. 


Du khách nườm nượp đổ về Venice khiến thành phố này quá tải. 

Venice, nơi thời xưa từng là trung tâm của các hoạt động hàng hải và giao thương, nay đang là địa điểm thu hút khách du lịch nổi tiếng. Nhưng nơi được mệnh danh là “thành phố tình yêu” này đang có nguy cơ bị “xâm chiếm” bởi số lượng quá đông du khách ghé thăm. 

Âm thanh chủ yếu của thành phố lãng mạn này giờ đây là tiếng lạch cạch của bánh xe lăn từ những chiếc va ly kéo, kết hợp với tiếng bước chân trên cầu đi bộ, khi từng đoàn từng đoàn du khách ra bến để đi thuyền trên các tuyến kênh rạch của thành phố. Người ta vẫn có thể nghe thấy phương ngữ của những người bản địa làm nghề chèo thuyền, nhưng chúng bị lấn át bởi tiếng ồn ã của các cặp du khách đang đua nhau chụp hình tự sướng. Ngôn ngữ ở đây chủ yếu là tiếng nước ngoài, gồm tiếng Anh, tiếng Trung và bất cứ thứ tiếng nào khác, tùy thuộc vào những người tới từ những chiếc tàu thủy lớn hay các chuyến bay giá rẻ vào buổi sáng hôm đó. Nhà cửa ở đây giờ được thay thế hầu hết bằng khách sạn.

Các quan chức chính phủ Ý đang tỏ ra sốt ruột với cái mà họ gọi là “khách du lịch chất lượng thấp” và đang cân nhắc việc giới hạn số lượng khách du lịch có thể vào thành phố hoặc các điểm du lịch nổi tiếng.

“Nếu bạn đến từ tàu biển, sau khi cập bến, bạn chỉ có hai hoặc ba tiếng đồng hồ, đi theo những người hướng dẫn, tới thăm các điểm nổi tiếng như quảng trường Piazzale Roma, cầu Rialto và quảng trường San Marco rồi quay lại”, Bộ trưởng Văn hóa Ý Dario Franceschini cho biết. Ông gọi đó là kiểu du lịch vội vã “vừa ăn vừa chạy” và không mang lại giá trị.

Ông Franceschini nói thêm: “Vẻ đẹp của các thị trấn Ý không chỉ là kiến trúc, mà còn là những hoạt động thực tế của các địa điểm, cửa hàng... Chúng ta cần phải lưu giữ bản sắc của chúng”.

Người dân địa phương ở Venice đang cảm thấy bị ngập lụt bởi 20 triệu khách du lịch mỗi năm. Nhiều cửa hàng ở đây thậm chí đã vẽ những dấu hiệu chỉ lối đi về hướng quảng trường St. Mark hoặc cầu Rialto ở cửa để du khách đỡ mất công hỏi mà chủ nhà cũng không phải trả lời.

Phần lớn mối lo của người dân tập trung vào những chiếc tàu biển du lịch khổng lồ đi ngang qua kênh Giudecca. Họ ví những chiếc tàu lớn làm lu mờ cả địa điểm này như hiện tượng nhật thực che khuất mặt trời vậy.

Theo số liệu của chính quyền, nếu như năm 1951 có khoảng 175.000 người dân sống ở Venice thì tới nay con số này đã giảm hơn một phần ba, xuống còn 50.000. Những người dân đang sống trong thành phố đã thành lập các hiệp hội để phản đối “những con tàu lớn” (big ships). Tháng 6 vừa qua, 18.000 người Venice đã tham gia bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý về tàu du lịch. Kết quả là đa số ủng hộ việc loại những chiếc tàu khổng lồ này ra khỏi khu vực thành phố. Nhiều cửa hàng đã vẽ hình những chiếc tàu du lịch lớn với hàm răng cá mập đang đe dọa ngư dân, in lên áo phông để bán làm đồ lưu niệm cho khách.

Chính Bộ trưởng Franceschini khi nhìn những dòng khách ùn ùn di chuyển trước quảng trường St Mark, cũng phải thừa nhận đây là “một cảnh tượng không thể chấp nhận”. “Vấn đề chính là từ những chiếc tàu”, ông nói. 

Ngày càng khó sống

Nhưng thực tế là, những con tàu biển trên mang tới du khách, đồng nghĩa với việc mang tới tiền. Kể từ khi Venice không còn là trung tâm giao thương như hồi xưa nữa thì thành phố này cần phải có tiền. Và các tàu du lịch không chỉ tạo ra thu nhập từ bán vé tham quan thành phố, mà còn tạo công ăn việc làm cho toàn bộ chuỗi cung ứng, mang lại thu nhập cho thợ cơ khí, bồi bàn và cả taxi nước. Những người dân làm nghề chèo thuyền du lịch ở Venice cũng có công việc ổn định hơn.

Tại Venice, giờ đây khi khách du lịch muốn mang quà lưu niệm về nhà, thì luôn sẵn có những thứ như mặt nạ, mô hình thuyền, bát thủy tinh, trang phục bóng đá... Nhưng rất khó để tìm thấy những tiệm bán trang phục địa phương. Thanh niên hầu như đã bỏ đi khỏi thành phố.

“Càng ngày càng khó sống ở đây” - Bruno Ravagnan, 33 tuổi, một người dân địa phương nói khi anh đang bắt “xe buýt trên sông”, chuyến xe chở đầy khách du lịch mang theo va li.

Nhiều người dân ở Venice đã tìm cách tái định cư ở khu Castello của thành phố, một địa điểm cách khá xa quảng trường San Marco. Họ muốn rời xa điểm thu hút du lịch chính của Venice để mong tận hưởng một cuộc sống bình thường. Nhưng, mọi thứ chỉ diễn ra ở bề ngoài.

Ông Tommaso Mingati, 41 tuổi, tâm sự: “Nếu bạn muốn ăn một ít dăm bông truyền thống (prosciutto), bạn không thể có được vì các cửa hàng đặc trưng (mang tên Salumeria) giờ đã không còn.

Gia đình của ông Mingati vẫn giữ một căn hộ nhỏ ở khu Mestre, nơi có đông khách du lịch, nhưng cũng giống như hầu hết cư dân cũ, người thân của ông đã chuyển hết khỏi nơi này. Giờ đây người địa phương không ai còn gọi Mestre là vùng đất Nữ hoàng biển Adriatic nữa. Hầu hết nhà cửa ở khu vực này đã biến thành phòng trọ hoặc khách sạn dành cho du khách.

Tất cả những phòng trọ và khoảng 2.500 khách sạn của Venice phải sử dụng một lượng lớn khăn và ga trải giường khiến thành phố này không thể đáp ứng được nhu cầu về giặt sấy. Vì vậy, vào lúc bình minh, tàu thuyền mang theo quần áo bẩn và rác thải từ Venice ra Tronchetto, một hòn đảo nhân tạo và là bãi đỗ dành cho các xe tải đến từ đất liền. Các xe này sẽ chở khăn, ga cũ đi và cung cấp trở lại khăn sạch cùng những hàng hóa và nhu yếu phẩm khác.

Mỗi năm, vào một ngày cuối tuần của tháng 7, người dân Venice mới chiếm lại thành phố của mình để tổ chức lễ hội Feast of the Redeemer. Họ từ vùng Mestre ngược trở về các khu trung tâm để uống rượu trên bờ kênh Grand và xem màn pháo hoa đặc sắc. Năm nay, lễ hội này trùng với một lễ hội nghệ thuật khác có tên là Biennale Venice. Vì vậy, Venice chật cứng khách đến để khám phá các màn biểu diễn nghệ thuật, múa và sân khấu mới nhất.

Ông Paolo Baratta, Chủ tịch lễ hội Biennale Venice, phàn nàn ban tổ chức cố gắng xây dựng những mô hình hấp dẫn, nhưng những người đến từ tàu du lịch chỉ lướt qua ào ào mà chẳng quan tâm đến những gì đang diễn ra.

Vào ban đêm, nhiều du khách quay trở lại tàu du lịch của mình sau bữa tối sớm. Lúc ấy, Venice dường như mới được trở lại chính mình. Quãng thời gian êm ả này kéo dài cho tới sáng sớm, trước khi bị các du khách khuấy động. Lúc ấy, quảng trường St. Mark hoàn toàn vắng lặng, chỉ có những con chim bồ câu và người dậy sớm dọn dẹp.

Raffaelle Nocera, một người lái tàu taxi chở khách ở kênh Grand, cho biết: “Nếu bạn dậy sớm, tự bạn sẽ cảm nhận được tất cả về Venice”.

Nó nhắc nhở bạn về lý do tại sao cần phải bảo vệ thành phố này, và tại sao người Ý đang bắt đầu chống lại du khách.

“Hôm nay nó là quảng trường Piazza San Marco hoặc cầu Rialto. Nhưng vài năm tới tình trạng (đông đúc) này sẽ còn lan rộng nữa”, Bộ trưởng Franceschini cảnh báo. 

Minh Đức
(TBKTSG /Theo The New York Times


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo