Ashui.com

Thursday
Mar 28th
Home Tương tác Nhìn ra thế giới Những thành phố bị bỏ hoang

Những thành phố bị bỏ hoang

Viết email In

Cuộc khủng hoảng kinh tế nhanh chóng làm tăng số lượng những thành phố bị bỏ hoang ở các nước giàu như Nga, Anh, Mỹ. Trước hết đó là những thành phố “mono”, sống dựa vào một doanh nghiệp duy nhất. Doanh nghiệp làm ăn thua lỗ đồng thời với việc người dân lũ lượt bỏ đi.

Những thành phố ma
 
Tờ Trud xuất bản ở Moskva cho biết hiện tại Nga có 460 thành phố “mono”, bằng 40% tổng số các thành phố ở nước này, còn dân cư chiếm 25%. Vào thời kỳ khủng hoảng các thành phố “mono” đang đứng trước nguy cơ trở thành “hồn ma” vì không có người sinh sống. Tại Nga những điểm dân cư “ma” xuất hiện từ cuối thế kỷ 20.



Kadychan là một thị trấn ở tỉnh Magadansk. Tên gọi của thị trấn theo tiếng thổ dân có nghĩa là “Thung lũng chết”. Bộ dạng của thành phố hiện này xứng với tên gọi không chê vào đâu được. Thị trấn lập ra vào những năm chiến tranh vệ quốc (1941 – 1945), là nơi ở của thợ mỏ than. Than ở Kadychan cung cấp cho nhà máy nhiệt điện Arkagalin đủ dùng cho cả tỉnh. Thời đó dân cư lên tới 6.000 người. Năm 1996 xảy ra vụ nổ lò và thị trấn bị đóng cửa, công nhân bỏ đi tản mát. Từ năm 2003 trở đi Kadychan bị coi là “thị trấn không hiệu quả”, tới năm 2007 dân cư chỉ còn 287 người. Họ, chủ yếu là những người già, kiên quyết bám trụ trên mảnh đất không có sự sống.

Amderma là thị trấn ở khu tự trị Nenets bên bờ biển Karc, gần vùng cực Bắc. Thị trấn lập ra năm 1933 để phục vụ cho việc khai khoáng. Dân số lên cực điểm vào thập niên 80 – khoảng 10.000 người. Năm 2009 chỉ còn không quá 300 người ở lại Amderma do tại đây không còn tồn tại một cơ sở sản xuất nào.

Thị trấn Halmer – Yu ra đời năm 1957 bên bờ sông cùng tên, làm nơi cư ngụ của công nhân mỏ than cốc. Khi nước Nga chuyển sang kinh tế thị trường thì sự tồn tại của mỏ than Halmer – Yu không còn cần thiết nữa. Mỏ ngừng hoạt động năm 1993. Đến năm 2005 cảnh sát đặc nhiệm OMON đã dùng vũ lực đẩy lên xe tải những người ngoan cố không chịu rời thị trấn. Bây giờ đây là trường bắn quân sự.

Sắp tới một số thành phố khác ở Nga cũng sẽ thưa thớt dân cư. Đó là Magnitogorsk, tỉnh Chelyabinsk, với dân số 409.417 người. Nhà máy “Magnitka”, một trong những cơ sở luyện kim lớn nhất nước Nga hiện nay, vừa mới cho thôi việc 2.000 công nhân. Do khủng hoảng nên nhu cầu tiêu thụ kim loại giảm mạnh, sản lượng của “Magnitka” giảm 6 lần. Tỷ lệ thất nghiệp cao nhất khu vực, người dân buộc phải bỏ đi nơi khác sinh sống. Các thành phố Tagil Hạ ở tỉnh Sverdlovsk, với dân số 375.000 người; Mezhdurechensk, tỉnh Kemerovo, với dân số 103.800 người; Bratsk, tỉnh Irkutsk, với dân số 252.000 người,… cũng đang chờ đợi một kết cục nghiệt ngã.



Không chỉ ở Nga mà ở Mỹ cũng có những thành thố “mono”. Một loạt khu vực ở Đông – Bắc Mỹ, các trung tâm công nghiệp nặng của Mỹ trước đây, giờ được mệnh danh là “vành đai hoen gỉ”.

Những năm 50 Detroit (bang Michigan) là thủ đô ngành chế tạo ô tô của Mỹ với các nhà máy của Ford, General Motors, Chrysler. Vào thập niên 80 nhu cầu tiêu thụ xe hơi giảm, General Motors đã chuyển bớt các nhà máy sang Mexico để tìm nguồn nhân công rẻ. Người dân không có việc làm nên đã bỏ đi. Trước đây Detroit được coi là một Paris của khu vực thì nay đứng hàng thứ hai trong danh sách “những thành phố hoang” của Mỹ. Năm 2008 thành phố này bị xếp hạng là thành phố tồi tệ nhất của Mỹ về mọi chỉ số: Tội phạm, thất nghiệp, mù chữ, ô nhiễm sinh thái. Năm 1950 Detroit có 1,8 triệu dân thì năm 2007 chỉ còn 800.000 người. Tin mới về sự phá sản của General Motors thực sự là bản án tử hình đối với thành phố. Chỉ trong thời gian ngắn tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt, đạt 20%. Cùng chung số phận với Detroit là thành phố Newcastle, bang Pensilvania.

Tại Anh thành phố Grimethorpe (Yorkshire) là điểm dân cư nghèo nhất nước. Vốn dĩ đây là thành phố “mono” chỉ sống nhờ hai mỏ than đã bị đóng cửa năm 1993. Một nửa cư dân là thợ mỏ, giờ đây họ chẳng còn việc làm, còn thanh niên bỏ đi nơi khác gần hết. Hiện nay ở Grimethorpe chỉ còn chưa đầy 2.000 dân với tỷ lệ thất nghiệp 50%.

Làm gì để cứu các thành phố chết?

Nga và Mỹ có các phương pháp khác hẳn nhau để hồi sinh những thành phố ma.

Chính phủ Mỹ áp dụng chương trình “Co hẹp để tồn tại”. Theo quan điểm kinh tế này các thành phố nghèo nhất sẽ bị phá dỡ để “nhường mặt bằng cho thiên nhiên”. Dân thành phố Flint, hàng xóm của Detroit, chủ yếu “kiếm cơm” trong các nhà máy của General Motors, nhưng do hãng này phá sản nên chỉ có 8.000 người trong tổng số 80.000 công nhân có việc làm. Người dân bỏ đi bốn phương nên chính phủ đã quyết định tháo dỡ toàn bộ các công trình nằm trong 40% diện tích của thành phố thuộc diện “co lại”.

Trong khi đó Nga vẫn đang đi tìm giải pháp tối ưu. Viện Chính sách khu vực được giao nhiệm vụ cứu các thành phố “mono”. Theo các chuyên gia kinh tế, chỉ có việc xây dựng một nền sản xuất đa dạng, tránh dựa vào một lĩnh vực công nghiệp độc tôn thì mới cứu được các thành phố sắp bị bỏ hoang. Tuy nhiên, trong điều kiện khủng hoảng điều này là không khả thi. Cách duy nhất hiện nay là trợ cấp cho các thành phố “mono” theo các chương trình quốc gia có trọng điểm.

Trần Quang Vinh

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo