Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Tương tác Nhìn ra thế giới Quản lý đô thị hiệu quả tại Singapore

Quản lý đô thị hiệu quả tại Singapore

Viết email In

Singapore được đánh giá là quốc gia có trình độ quản lý đô thị hàng đầu thế giới hiện nay. Đó chính là kết quả của cả một quá trình hoạch định, thực thi chính sách phát triển, xây dựng và triển khai quy hoạch đô thị với mục tiêu đưa Singapore trở thành đô thị hàng đầu thế giới. 

Singapore là một quốc đảo bao gồm một đảo chính với 63 đảo nhỏ xung quanh, là một quốc gia diện tích nhỏ, dân số ít ở khu vực Đông Nam châu Á, diện tích cả nước khoảng hơn 700 km2 và dân số khoảng 4,8 triệu người.  

Khi nhắc đến quốc gia nổi tiếng về môi trường xanh, sạch, hiện đại, người ta thường nghĩ ngay đến Singapore, đặc biệt trong đó nhấn mạnh kế hoạch xanh: “Xanh lá cây và xanh da trời”. Từng mét vuông đất tại Singapore được nâng niu và sử dụng hiệu quả, đặc biệt là việc phủ xanh đường phố. Singapore đã áp dụng các chiến lược vườn tường, vườn mái, vườn ở bất cứ đâu để đi tới đâu cũng là màu xanh của thiên nhiên. Từ bài học về việc đưa thiên nhiên gần gũi với con người, tôn trọng thiên nhiên, hòa quyện thiên nhiên vào đô thị, “mềm hóa” sự thô cứng của các đô thị bằng cây xanh của nước bạn, Việt Nam, nếu muốn đưa được thiên nhiên vào đô thị, cần có một chiến lược về cây xanh khi hoạch định quy hoạch đô thị. 

Với kế hoạch trên, Singapore đã gặt hái được nhiều thành công, diện tích cây xanh đã chiếm xấp xỉ 50% diện tích lãnh thổ, một tỉ lệ đáng mơ ước của nhiều thành phố trên thế giới. 

Theo các nhà chuyên môn, khi phủ đầy được khoảng 20-50% mật độ cây xanh, mặt nước tại dự án thì có thể giảm được 3,3 độ C đến 4,9 độ C tại khu vực dự án. Ngoài ra đô thị xanh, công trình xanh còn có ý nghĩa về bản sắc đô thị riêng, nhờ đặc thù của các loại cây, loài hoa. 


Cây xanh ở Singapore được quy hoạch ở khắp mọi nơi  

Mỗi đường phố của đảo quốc này trồng một loại cây với chiều cao được khống chế và cắt tỉa tạo dáng phù hợp. Singapore hiện có 300 công viên với 9.000 ha với kinh phí bảo dưỡng cây xanh hàng năm vào khoảng 100 triệu SGD. Từ những năm 1980 trở lại đây, Singapore trồng cây ăn trái và các loại cây quý hiếm; tạo những hầm cây; tiến hành quy hoạch thay thế cây tạp; xây dựng hệ thống theo dõi, kiểm soát cây xanh bằng công nghệ thông tin để phát hiện các cây bệnh và theo dõi tuổi đời của cây...

Ngày nay, mặc dù đã là một thành phố đẳng cấp hàng đầu thế giới nhưng Singapore vẫn tiếp tục thực hiện chiến lược “Nâng Singapore lên một tầm cao mới” với tham vọng biến quốc đảo này trở thành thiên đường cho cuộc sống với 3 mục tiêu: Là ngôi nhà của mọi người, là nơi làm việc lý tưởng, là thiên đường vui chơi giải trí. 

Singapore chủ trương xây dựng nhà ở với sự đa dạng, cao tầng, thấp tầng ở các khu vực khác nhau; xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ tốt nhất cho phong cách sống của các cộng đồng dân cư khác nhau và giữ gìn các di sản cho thế hệ sau. 

Singapore tiếp tục chuẩn bị để đáp ứng nhu cầu phát triển của các doanh nghiệp mới, thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn, hình thành thêm các khu thương mại mới, tạo ra các khu vực tăng trưởng mới. Là một trong những trung tâm tài chính hàng đầu thế giới, thành phố này khuyến khích người nước ngoài có trình độ, năng lực trong một số lĩnh vực như tài chính, kiến trúc, y tế, giáo dục, công nghệ thông tin... đến làm việc và định cư lâu dài. 


Tổ hợp giải trí Marina Bay sand 

Du lịch là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, hàng năm Singapore đón tiếp trên 14 triệu lượt khách. Vì thế, Singapore đang tập trung xây dựng, phát triển thêm các khu vui chơi, tạo thêm các không gian giải trí mới, điển hình là Khu liên hợp giải trí phức hợp Marina Bay, Gardens by the Bay (Khu vườn bên vịnh). 

Ngoài ra, Singapore còn có hệ thống giao thông phong phú, đa dạng và cực kì hiệu quả. Hệ thống giao thông công cộng như mạng lưới tàu điện ngầm và hệ thống xe buýt đã không ngừng nâng cấp để trở nên thân thiện hơn với môi trường và giúp người dân thuận tiện hơn trong sinh hoạt. Hệ thống tàu điện ngầm (MRT) có 84 ga với chiều dài 130 km và có giờ làm việc là từ 06:00 tới 24:00. Là hệ thống giao thông xương sống của Singapore, MRT phục vụ khoảng 2 triệu lượt khách mỗi ngày. 


Bản đồ hệ thống MRT tại Singapore


Xe buýt công cộng tại Singapore 

Cựu thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu, đã đưa ra kết luận: Khi mà các đô thị lớn đang bức xúc về nơi ở, nóng nực, khó chịu thì giải pháp đó là “đưa công viên vào thành phố” và “đưa nhà ở về với thiên nhiên” để hướng đến một không gian xanh và môi trường sống tốt hơn. Đây chính là tư tưởng chủ đạo trong phát triển đô thị tại Singapore mà theo những giáo sư hàng đầu thì Việt Nam nên học tập theo mô hình này. 

Ông Khaw Boon Wan - Bộ trưởng Bộ Phát triển Quốc gia Singapore cũng đã từng khẳng định rằng: “Xây dựng đô thị bền vững phải tập trung vào yếu tố con người - người dân phải xem Singapore là một môi trường tốt mà họ không tìm thấy ở bất cứ nơi đâu”. 

Cũng theo như TS.KTS Trương Văn Quảng - Phó viện trưởng Viện quy hoạch đô thị nông thôn Quốc gia, chính quyền đô thị nào tập trung cho phát triển cây xanh, cho không gian sống xanh và bền vững thì chính quyền nơi đó đã thực sự quan tâm đến đời sống của người dân và người dân nơi đó thấy hạnh phúc hơn. 

Chính vì vậy, những chiến lược quy hoạch và quản lý đô thị hợp lý, chặt chẽ đã giúp Singapore có được nhiều thành tựu đáng nể phục. Kinh nghiệm xây dựng, quản lý, thực hiện quy hoạch đô thị và hoạch định chính sách phát triển của Singapore thực sự là những bài học kinh nghiệm rất quý giá cho Việt Nam trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước hiện nay, nhất là trong việc quy hoạch, quản lý đô thị. Đó là bài học về một quốc gia có tốc độ đô thị hóa đến “chóng mặt” nhưng lại mang lại cho người dân một cuộc sống chất lượng cao trong khi vẫn bảo toàn việc phát triển bền vững. 

Hồng Nhung (Báo Xây dựng /tổng hợp) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo