Tên đường phố: Di sản văn hoá của một đô thị

Thứ bảy, 14 Tháng 12 2013 20:34 SGTT
In

Tên đường phố phản ánh lịch sử – văn hoá của quốc gia nói chung và của thành phố ấy nói riêng, bao gồm các yếu tố đặc trưng của địa lý tự nhiên, tên nhân vật, sự kiện lịch sử, văn hoá... Nhìn chung tên đường phố cần dễ nhớ, thuận tiện cho nhân dân sinh sống tại thành phố cũng như khách vãng lai, vừa phải khoa học phục vụ cho công tác quản lý hành chính. Quan trọng hơn, tên đường phố và công trình công cộng còn là “vốn văn hoá”, dần dần sẽ trở thành di sản văn hoá phi vật thể, ghi lại dấu ấn những chính quyền đô thị đã góp phần tạo nên và làm giàu thêm cho vốn văn hoá của thành phố. Vì vậy, tên đường phố (nói riêng, tên gọi các công trình văn hoá, công trình công cộng nói chung) cần mang tính ổn định, hạn chế tối đa sự thay đổi và được tồn tại ít nhất qua vài thế hệ cư dân.


TP.HCM có nhiều tên đường không tuân thủ nguyên tắc, quy định nào.
(Ảnh: soha.vn)

HĐND TP.HCM vừa thông qua đệ trình của UBND TP.HCM về việc bổ sung vào quỹ tên đường tại thành phố 101 tên, gồm: 19 tên nhân vật lịch sử trước thế kỷ 20; 45 tên nhân vật lịch sử sau thế kỷ 20; 27 tên nhà nghiên cứu, nhà hoạt động văn hoá nghệ thuật, khoa học kỹ thuật; tám tên danh nhân nước ngoài; hai địa danh.

Để tên đường phố (và công trình công cộng) có thể bền vững với thời gian thì nó cần mang những ý nghĩa và giá trị không chỉ đã bền vững trong quá khứ mà còn phải bền vững trong tương lai. Do đó, người ta thường sử dụng những danh từ mang giá trị nhân văn vĩnh cửu của nhân loại mà bất cứ dân tộc nào, quốc gia nào cũng hướng tới, như Độc Lập, Tự Do, Dân Chủ, Hoà Bình, tên các danh nhân văn hoá, các sự kiện lịch sử thế giới…

Đó còn là tên gọi của những sự kiện có ý nghĩa quan trọng nhất của quốc gia, của thành phố; là tên những nhân vật lịch sử, nhà văn hoá, nhà khoa học... có công lao đặc biệt, đã được thời gian kiểm chứng đóng góp của họ cho công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước; những địa danh lịch sử – văn hoá nổi tiếng của đất nước, của vùng miền thực sự trở thành niềm tự hào của người dân; những địa danh dân gian, truyền thống, tuy nôm na nhưng được cộng đồng yêu quý, khi đi xa vẫn luôn nhớ đến cũng làm nên sự bền vững của tên đường phố, vì nó phổ biến trong cộng đồng, trở thành một phần ký ức đô thị, có giá trị như những bài học lịch sử – văn hoá được lưu truyền qua nhiều thế hệ.

Sự bền vững thể hiện ở tính khoa học của việc đặt tên đường phố theo đặc trưng của quy hoạch đô thị như trong một “ô bàn cờ” hay tuyến đường “xương cá”: các nhân vật, sự kiện hay địa danh trong khu – tuyến này có mối liên hệ với nhau, nhắc đến một tên đường thì có thể nhớ và tìm ra nhiều đường phố khác. Việc đặt tên đường phố phù hợp với cách thức quản lý khoa học bằng những phương tiện hiện đại cũng là yếu tố quan trọng tạo nên sự bền vững của nó.

Tên đường phố là “tài sản” của toàn bộ cư dân đô thị chứ không chỉ của những người đặt tên và quản lý đường phố. Vì vậy, cộng đồng cần được tham gia vào quá trình đặt tên đường (hoặc đổi tên đường khi thực sự cần thiết), bắt đầu từ việc đóng góp cho “ngân hàng tên đường”. Cơ quan chức năng tiến hành nghiên cứu và phản hồi cho người dân về những tên gọi mà người dân đóng góp; công bố rộng rãi quỹ tên đường; trước khi đặt, đổi tên đường ở đâu thì cư dân nơi đó cần được biết trước để có ý kiến.

Mong sao qua tên đường phố và các công trình công cộng, nhân dân cả nước, du khách và cư dân thành phố bây giờ và sau này sẽ có những hiểu biết đầy đủ về lịch sử – văn hoá của thành phố chứ không chỉ biết về một giai đoạn ngắn ngủi là thế kỷ 20.

Khi người dân yêu quý lịch sử thì họ sẽ bảo vệ những di sản văn hoá của thành phố./.

TS Nguyễn Thị Hậu


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: