Ashui.com

Friday
Apr 19th
Home Tương tác Góc nhìn "Phù hợp quy hoạch"

"Phù hợp quy hoạch"

Viết email In

Hầu như mọi hoạt động liên quan đến vấn đề hạ tầng đô thị đều liên quan đến công tác quy hoạch.

Cụm từ “phù hợp quy hoạch” được sử dụng trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan chức năng. Những văn bản mới đây liên quan đến giao dịch, cấp giấy chủ quyền nhà ở, đất đai, đầu tư dự án… của người dân và doanh nghiệp đều được yêu cầu là phải phù hợp quy hoạch. Ví dụ muốn cấp số nhà, phải phù hợp quy hoạch; muốn tách thửa đất phải phù hợp quy hoạch, muốn đầu tư dự án cũng phải phù hợp quy hoạch…


Bản đồ QH tổng thể Khu đô thị mới Nam Sài Gòn (click vào ảnh để xem kích thước lớn hơn / Ashui.com)

Quy hoạch giống như một cái khung, mọi hoạt động đều phải được pháp lý hóa bằng công tác quy hoạch. Thế nhưng, nhìn lại công tác quy hoạch tại TP.HCM trong những năm gần đây, điều dễ nhận thấy là còn có quá nhiều bất cập. Hơn 300 đồ án quy hoạch 1/2.000 trên địa bàn TP.HCM được phê duyệt từ năm 1997, 1998 sau một thời gian áp dụng đều được điều chỉnh, sửa chữa lại. Suốt 5 năm qua, Sở Quy hoạch-Kiến trúc TP.HCM và các quận huyện dù đã rất cố gắng, song vẫn chỉ mới phê duyệt điều chỉnh được hơn 50% trong số đồ án quy hoạch phải chỉnh sửa, số đồ án còn lại vẫn đang trong quá trình thẩm định nhiệm vụ quy hoạch hoặc đang trong quá trình xem xét, phê duyệt.

Sự chậm trễ này khiến cho rất nhiều hoạt động liên quan đến nhà đất của người dân và doanh nghiệp bị ách tắc. Có đến các phòng tài nguyên - môi trường hoặc phòng quản lý đô thị của các quận huyện mới thấy hết được sự bực dọc, thất vọng của những người dân có nhà nằm trong khu vực chưa được duyệt đồ án quy hoạch 1/2.000 hoặc đã duyệt rồi nhưng hồ sơ nhà đất của họ bị ghi chú là “không phù hợp quy hoạch”. Mới đây, tại một hội thảo góp ý dự thảo Luật Quy hoạch đô thị, các đại biểu Quốc hội TP.HCM đã đặt lên bàn hàng loạt vấn đề bức xúc liên quan đến công tác quy hoạch và thống nhất một quan điểm rằng dự thảo luật cần đặt nguyên tắc tôn trọng, bảo vệ lợi ích của người dân lên hàng đầu.


Đồ án điều chỉnh QHCT tỷ lệ 1/2000 khu dân cư liên phường 1-3-4, quận 5, TPHCM (ảnh minh họa / SGTT)

Có những khu vực quy hoạch “treo” năm này sang năm khác, thậm chí thập kỷ này sang thập kỷ khác. Nhưng cũng có những khu vực thay đổi quy hoạch xoành xoạch khiến cho người dân và nhà đầu tư không biết đâu mà lần. Quy hoạch, có thể nhằm để phát triển đô thị một cách hài hòa nhưng đôi khi lại biến thành một nỗi ám ảnh đối với người dân.

Và cũng có những đồ án quy hoạch nhằm để phục vụ chỉ riêng lợi ích của Nhà nước hoặc một nhóm các nhà đầu tư mà bỏ quên mất quyền lợi của đại đa số những người dân đã từng sinh sống bao đời trên mảnh đất của họ. Đến với các khu phố 4, 6, 7, 8 thuộc phường Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức) mới thấy vì sao người dân phạm luật, xây nhà không phép hàng loạt.

Bởi họ không thể chờ quy hoạch, hoặc đồ án quy hoạch đã “treo” hàng trăm ha đất thuộc dự án xây dựng cụm đầu mối giao thông đường sắt Bình Triệu từ năm 1997 đến nay, còn người dân cứ ngóng cổ chờ đợi nhưng chẳng thấy ai thực hiện dự án… Đó chỉ là một trong rất nhiều ví dụ về tình trạng quy hoạch “treo” tại TP.HCM, khiến cho người dân buộc lòng phải “phá rào” dù biết rằng như vậy là sai phạm.


Mô hình đồ án của Viện Kiến trúc, Quy hoạch Đô thị & Nông thôn (VIAP) đoạt giải Nhì cuộc thi “ý tưởng quy hoạch tổng thể khu đô thị Cảng Hiệp Phước” (ảnh minh họa / Ashui.com)

TP Hồ Chí Minh muốn phát triển năng động và hợp lý, không thể không đẩy nhanh công tác quy hoạch và quy hoạch phải căn cơ, có tầm nhìn lâu dài chứ không thể để biến tướng quy hoạch thành quy hoạch “treo” hoặc quy hoạch thiếu thực tiễn, quy hoạch phục vụ quyền lợi cho một bộ phận nào đó. Nếu cứ tiếp diễn động cơ quy hoạch như vậy, thì sẽ không bao giờ đảm bảo được tiêu chí phát triển đô thị có định hướng, bền vững đã đề ra trong nhiều năm qua.

Trần Thanh Bình

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo