Nhà đất công: Lợi thế nhiều, lãng phí lớn

Thứ sáu, 23 Tháng 3 2012 14:45 SGTT
In

Nhà, đất tại các cơ quan nhà nước, các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp Nhà nước chiếm diện tích rộng, phần lớn nằm tại những vị trí đắc địa của các đô thị, trung tâm công nghiệp lớn nhưng bị sử dụng lãng phí, sai mục đích, dẫn đến thất thoát tài sản lớn của Nhà nước.

Bộ Tài chính đang xây dựng đề án “Khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai và tài sản Nhà nước”, trong đó có xem xét nhiều biện pháp nhằm quản lý chặt chẽ, hiệu quả hơn nguồn lực lớn lớn này. Đề án này sẽ được thảo luận tại một hội nghị cùng chủ đề do bộ này tổ chức hôm nay (23/3) tại Hà Nội.  


Tập đoàn Vinashin nắm tới 1.200 ha chưa sử dụng. Ảnh: cụm công nghiệp tàu thuỷ và nhà máy đóng tàu của Vinashin tại khu công nghiệp Sông Hậu (huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang).
(Ảnh: H.A) 

Doanh nghiệp nhà nước góp phần tạo "sốt nóng" thị trường nhà đất 

Theo rà soát của bộ Tài chính, đến nay, trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước và cơ sở hoạt động có diện tích khoảng 1,5 tỷ m2 với tổng giá trị khoảng 594 nghìn tỷ đồng, và hơn 100 nghìn m2 nhà với tổng giá trị khoảng 138 tỷ đồng. Riêng các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đang quản lý, sử dụng khoảng 155 triệu m2 đất, trong đó nhiều đơn vị chiếm giữ số lượng nhà, đất rất lớn. Tuy nhiên, một lãnh đạo cục Quản lý công sản, bộ Tài chính cho biết, một bộ phận đất đai, trụ sở làm việc của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp bị sử dụng lãng phí, sai mục đích: cho thuê, cho mượn, bố trí làm nhà ở, sử dụng để kinh doanh, dịch vụ sai mục đích được giao, thậm chí bỏ trống... dẫn đến thất thoát tài sản Nhà nước. Như tổng công ty Lương thực Miền Nam có 351 mặt bằng trên địa bàn TP HCM, trong số này trở thành nhà ở cán bộ công nhân viên, cho thuê, cho mượn, lấn chiếm. Tại Hà Nội, công viên Tuổi trẻ Thủ đô (giao cho công ty Đầu tư và dịch vụ Tuổi trẻ quản lý) đã trở thành một khu cung cấp “dịch vụ tổng hợp”, bao gồm quán bar, karaoke, nhà hàng, siêu thị, sân tennis, bãi trông giữ xe, sân bóng đá mini... Kết quả rà soát của sở Tài nguyên môi trường Hà Nội mới đây cho thấy, có 30 cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn (chủ yếu là các doanh nghiệp Nhà nước) đang để hoang hàng trăm ngàn mét vuông đất, trị giá hàng chục triệu USD như khu đô thị Cầu Giấy, khu 18,6 ha quận Tây Hồ…

Sẵn lợi thế về đất đai, trong khi chính sách thu tiền sử dụng đất, tiền cho thuê đất chưa sát với giá chuyển nhượng trên thị trường đã đem lại địa tô chênh lệch lớn, nhiều tập đoàn, tổng công ty đã đầu tư nguồn lực lớn vào lĩnh vực này. Do vậy, không chỉ gây thất thoát, lãng phí tài sản lớn của Nhà nước, bộ Tài chính còn cho rằng, các tập đoàn, tổng công ty đã tạo ra sự phát triển quá nóng cho thị trường bất động sản.

Sắp xếp nhà đất: hình thức, đối phó

Trong khi đó, theo bộ Tài chính, công tác sắp xếp lại nhà, đất và huy động nguồn lực từ đất được thực hiện còn chậm và mang tính hình thức, đối phó ở một số cơ quan, đơn vị. Tính đến tháng 12.2011 đã có 71 bộ, ngành trung ương, 17 Tổng công ty Nhà nước và 51/53 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện báo cáo kê khai và đề xuất phương án xử lý nhà đất với tổng số 117.498 cơ sở nhà, đất. 

Theo số liệu chưa đầy đủ, đến nay số thu từ sắp xếp nhà, đất là 24.812 ngàn tỷ đồng, trong đó số tiền thu được từ chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước trên 15.000 tỷ đồng. Chỉ tính tại TP.HCM, tổng công ty Thuốc lá Việt Nam có số thu từ bán và chuyển mục đích sử dụng ba cơ sở nhà, đất trên 1.809 tỷ đồng, được sử dụng để di dời nhà máy sản xuất thuốc lá trong nội thành ra khu công nghiệp. Tổng công ty Lương thực Miền Nam số thu từ bán nhà và chuyển nhượng quyền sử dụng đất đến nay là 727, 34 tỷ đồng, sử dụng để đầu tư hệ thống kho chứa lương thực khu vực ĐBSCL. Tập đoàn dệt may Việt Nam thu được 259,6 tỷ đồng, sử dụng để di dời cơ sở sản xuất ô nhiễm vào khu công nghiệp và phát triển hệ thống siêu thị dệt may tại phía Nam...

Tuy nhiên, bộ Tài chính cho biết, còn nhiều đơn vị trực tiếp quản lý sử dụng, cũng như một số Bộ, ngành cố giữ đất, như tập đoàn Vinashin nắm tới 1.200 ha chưa sử dụng song rất chậm sắp xếp lại nhà, đất, không đề xuất bán để tạo nguồn, chỉ đề xuất chuyển mục đích để kinh doanh bất động sản.

Để xử lý vấn đề này, bộ Tài chính cho biết sẽ siết lại các quy định về quản lý nhà, đất là tài sản công, trong đó đáng chú ý như nghiên cứu trình Quốc hội ban hành Luật Thuế tài sản, trong đó đối tượng chịu thuế phải gồm cả đất và tài sản gắn liền với đất; nghiên cứu đánh thuế nặng hơn đối với đất bỏ hoang, đất đã giao, đã cho thuê nhưng chậm đưa vào sử dụng; xem xét thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trong giao dịch bất động sản... 

Thảo Nguyễn  


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: