Ashui.com

Wednesday
Apr 17th
Home Tương tác Góc nhìn Hơn một nửa diện tích TP.HCM bị lún

Hơn một nửa diện tích TP.HCM bị lún

Viết email In

Chỉ tính từ năm 1992 (năm đầu tiên bắt đầu theo dõi lún mặt đất qua ảnh vệ tinh) đến 2011 đã ghi nhận được 17/24 quận, huyện của TPHCM đã bị lún từ 20 đến 50cm. Có nhiều dấu hiệu cho thấy, tốc độ lún ngày càng gia tăng tỉ lệ thuận với tốc độ đô thị hóa.

Lún mặt đất kết hợp với việc biến mất của các vùng chứa triều cộng với việc biến đổi khí hậu càng khiến cho công tác chống ngập của TPHCM thêm khó khăn. Một phần của phường 22, quận Bình Thạnh, kéo dài từ hầm chui Văn Thánh đến nút giao thông cầu Thủ Thiêm; chiều rộng từ đường Nguyễn Hữu Cảnh đến bờ sông Sài Gòn, cứ 1 - 2 năm người dân  phải nâng nền nhà một lần để chống tình trạng ngập nước.

Đặc biệt là những căn nhà nằm trên mặt tiền đường Phú Mỹ (trước đây là đường Ngô Tất Tố) chỉ trong vòng chưa đến 10 năm, đã phải nâng nền nhà lên cao hơn 1m mới có thể thoát được nạn ngập nước. Hầu hết người dân sống trên tuyến đường này sau vài lần nâng nền nhà, chẳng còn khoảng không để nâng, buộc phải đập nhà cũ, xây dựng nhà mới. 

  • Ảnh bên: Đường Phú Mỹ, phường 22, quận Bình Thạnh, TPHCM cứ vài năm lại phải nâng một lần để chống lại tình trạng ngập nước (Ảnh: Quỳnh Mai)

Riêng tuyến đường Phú Mỹ cũng đã được nâng mặt đường đến 3 lần. Không riêng gì nhà dân, ngay cả tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh cũng bị lún nghiêm trọng, buộc phải sửa chữa nhiều lần. Ở các quận khác, cũng ghi nhận được tình trạng lún mặt đất tương tự như quận Bình Thạnh. Chẳng hạn như ở quận Bình Tân, vài khu vực cục bộ ghi nhận tình trạng lún đến 30cm chỉ trong vòng vài năm. Có thể quan sát hiện tượng này thông qua hình ảnh các trụ giếng khoan cứ mỗi năm lại nhô lên khỏi mặt đất một ít. Huyện Hóc Môn, từng ghi nhận được hiện tượng sụt lún trên diện tích lớn lên đến cả hécta...

Dưới mắt các nhà khoa học, từng hiện tượng riêng lẻ này có một tên chung đó là lún mặt đất. Những kết quả ban đầu của dự án quan trắc biến dạng mặt đất trên địa bàn TPHCM do Trung tâm Địa tin học thuộc Khu công nghệ phần mềm Đại học Quốc gia TPHCM, được công bố trong thời gian gần đây phần nào chứng minh cho việc sụt lún mặt đất là có thật chứ không còn là nghi ngờ. Theo kết quả được công bố vào cuối năm 2011, hiện tượng lún mặt đất được ghi nhận tại 17 quận, với tốc độ lún bình quân là 10mm/năm.

Ở các quận ngoại thành (khu vực có tốc độ đô thị hóa nhanh và trước đây chưa được cấp nước sạch, người dân chủ yếu sử dụng nước giếng khoan), tốc độ lún  lên đến 15mm/năm.  Nếu tính từ năm 1992 -  năm được chọn làm mốc để phân tích độ lệch pha của các bức ảnh vệ tinh để tính ra mức độ biến dạng mặt đất – mức độ lún của nhiều khu vực thuộc 17 quận, huyện là từ 20 - 30cm, cá biệt có nơi lên đến 50cm. Đáng lo ngại, tốc độ lún mặt đất có dấu hiệu tăng nhanh kể từ năm 2003 đến năm 2011.

Nguyên nhân của tình trạng biến dạng mặt đất, chủ yếu là lún sụt được cho là gắn liền với quá trình đô thị hóa và khai thác nước ngầm quá mức ở TPHCM. Tình trạng  bêtông hóa trong quá trình đô thị hóa trên diện rộng đã ngăn cản quá trình bổ cập nguồn nước ngầm. Theo tính toán khả năng bổ cập nước ngầm hiện nay chỉ đạt khoảng 200.000m3/ngày đêm, ít hơn rất nhiều khối lượng nước khai thác, sử dụng.

Biến dạng mặt đất (sụt lún), sẽ không tác động nhiều đến TPHCM nếu nó không gắn liền với câu chuyện nhức nhối nạn ngập nước. Tình trạng sụt lún mặt đất sẽ làm cho việc ngập nước ở từng khu vực cục bộ trở nên trầm trọng cũng như biến các công trình chống ngập trở nên lỗi thời chỉ sau 10 năm. Nguyên nhân của tình trạng ngập nước ở TPHCM ngoài 2 nhóm nguyên nhân là mất các vùng chứa triều và biến đổi khí hậu, vốn đã được báo động từ lâu, thiết nghĩ đã đến lúc cần báo động thêm một nhóm nguyên nhân nữa là tình trạng sụt lún mặt đất.

Ngọc Huân

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo