Ashui.com

Friday
Apr 19th
Home Tương tác Góc nhìn “Đêm sáng” và câu chuyện mưu sinh của người di cư về Hà Nội

“Đêm sáng” và câu chuyện mưu sinh của người di cư về Hà Nội

Viết email In

Bằng những câu chuyện chân thực, những vật dụng vô cùng đơn giản và bình dị, triển lãm “Đêm sáng” đã mang đến cho người xem sự xúc động và cảm phục đối với những mảnh đời bị số phận xô đẩy, phải di cư ra Hà Nội mưu sinh bằng đủ mọi công việc vất vả. 

Tiếng thở dài từ cuộc sống lầm than 

Mười câu chuyện về mười con người, với những miền quê khác nhau, những hoàn cảnh khác nhau, nhưng cùng dạt theo dòng đời đến sinh sống tại bãi Phúc Xá ven sông Hồng (Hà Nội). Họ chọn cho mình con đường mưu sinh tại chợ đầu mối Long Biên và làm tất cả mọi công việc nặng nhọc, vất vả, chủ yếu vào ban đêm như: khuân vác, kéo xe, gánh hàng… để kiếm tiền trang trải cho cuộc sống bản thân và gia đình ở quê. Họ phải sống trong khu nhà trọ chật chội, những "căn nhà" nổi trên thuyền tập hợp thành “xóm bụi” thiếu thốn đủ bề, phải im lặng và chịu đựng trước các bạo lực của xã hội, bị coi thường, khinh rẻ, bớt tiền công hay thậm chí là cả đánh đập, bạo hành… 

  • Ảnh bên: Khu chợ Long Biên trong đêm với đủ những công việc nặng nhọc được tái hiện tại triển lãm. 

Những mảnh đời, những số phận nghiệt ngã dần hiện lên qua từng không gian của triển lãm. Chân dung những người nhập cư kham khổ và lam lũ được khắc họa qua những câu chuyện rất thật: “Năm 2005, tôi từ Thanh Hóa ra Hà Nội làm giúp việc gia đình, nhưng vì chủ nhà không chịu trả tiền nên tôi bỏ đi kiếm việc khác. Lân la ra chợ hỏi thăm bà bán nước và được chỉ cho công việc gánh thuê tại chợ Long Biên. Bà đã cho tôi thuê trọ và mượn quang gánh giúp. Được một thời gian chồng tôi cũng ra làm cùng, nhưng trong một lần xô xát, anh bị người ta đánh gãy chân, phải đóng đinh và thành tật, bây giờ chỉ ở nhà cơm nước cho các con. Về quê chăm chồng một thời gian, vì ruộng ít, đất cằn, tôi lại ra Hà Nội gánh thuê lấy tiền gửi về nuôi chồng con” (chị L.T.H, hiện đang làm nghề gánh thuê).  

Trải qua hai phần của buổi triển lãm “Con đường di cư” và “Cuộc sống nơi đô thị”, đâu đó, người xem hiểu được phần nào sự trĩu nặng ưu tư, những bất công cuộc đời, những gánh nặng oằn lên đôi vai qua những lời tâm sự tưởng chừng như rất ngắn kia. 
 

Và ánh sáng ngay trong đêm tối 

Những tưởng cuộc sống bất công đeo đẳng số phận sẽ làm cho con người ta mất dần đi niềm tin vào cuộc sống, bào mòn đi những giá trị tốt đẹp trong mỗi con người. Nhưng trên tất cả, bản chất chân quê trong họ vẫn không hề bị mất đi. Làm việc trong đêm tối nhưng niềm tin trong những người lao động nhập cư này luôn được thắp sáng. Triển lãm “Đêm sáng” mang đến một thông điệp nhân văn như vậy.

Nhờ sự quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ của cộng đồng nơi cư trú, các tổ chức xã hội trong và ngoài nước, những người nhập cư đã dần tự tin hơn, có thêm hiểu biết và kỹ năng ứng phó với vấn đề bạo lực trong gia đình, ngoài xã hội cũng như biết nhân rộng mô hình nâng cao nhận thức trong nhóm người di cư.

  • Ảnh bên: Câu chuyện về những ánh sáng trong đêm. 

Phần ba của buổi triển lãm - “Bình minh” - đã mang đến cái nhìn lạc quan hơn cho người xem về một xã hội tốt đẹp, nơi những người nhập cư được giúp đỡ và quan tâm tận tình. Chính điều đó đã thổi bừng lên niềm tin mãnh liệt trong những con người này về một tương lai tươi sáng. 

“Con trai tôi đang học lớp 5. Cháu là học sinh giỏi và luôn đứng nhất, nhì trong lớp. Tôi quyết tâm cho con ăn học đến nơi đến chốn, ít nhất cháu phải vào đại học. Tôi hy sinh tất cả vì con, ngoài thời gian học ở trường tôi cho cháu học thêm câu lạc bộ tin học – ngoại ngữ.” (anh L.Đ.H – làm nghề đẩy xe).   

Tiếp nối thành công của dự án giai đoạn I “Bạo lực đối với Phụ nữ - Phương pháp tiếp cận dựa trên cơ sở quyền nhằm tăng cường cho phụ nữ di cư bị ảnh hưởng bởi bạo lực”, triển lãm “Đêm sáng” nằm trong khuôn khổ dự án giai đoạn II với tên gọi “Bình Minh – Phụ nữ và nam giới di cư chung tay phòng chống các hình thức bạo lực” đã chính thức khai mạc vào sáng ngày 6/3/2012. 

Triển lãm do Câu lạc bộ Phụ nữ Quốc tế Hà Nội, Liên minh Châu Âu, Đại sứ quán Thụy Sỹ tài trợ. Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam và Viện phát triển Sức khẻo cộng đồng LIGHT là hai đơn vị tổ chức thực hiện, với sự tham gia hỗ trợ của Tổ chức di cư Quốc tế (IOM), Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học về Giới, Gia đình, Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA), mạng lưới Tinh Thần và các nhóm tự lực Bình Minh thuộc dự án “Phụ nữ và nam giới di cư chung tay phòng chống các hình thức bạo lưc”. 

Triển lãm mở cửa trong vòng 3 tháng, bắt đầu từ ngày 6/3/2012 tại Phòng triển lãm chuyên đề tầng 1, nhà B, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, 36 Lý Thường Kiệt, Hà Nội.  

Thu Hằng 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo