Việc giãn dân trong khu vực phố cổ Hà Nội đang được nghiên cứu thực hiện. Cùng với các phương án di dân, tái định cư, thì việc lên kế hoạch trùng tu, bảo tồn phố cổ cũng cần phải sẵn sàng để thực hiện bảo tồn ngay. Tuy nhiên, thực tế cho thấy điều này chưa được coi trọng.
Dư luận từng biết đến những thông tin trên báo chí về thực trạng đời sống một bộ phận dân cư trong khu phố cổ Hà Nội. Mật độ dân số cao, cơ sở hạ tầng cũ kỹ, xuống cấp, cộng với sự phát triển ồ ạt các loại hình dịch vụ trong khu vực này và quá tải phương tiện giao thông, những nguyên nhân đó khiến cho chất lượng cuộc sống của người dân giảm sút. Vấn đề dãn dân nhằm giảm áp lực, nâng cao chất lượng sống, tạo điều kiện bảo tồn cảnh quan và kiến trúc khu vực phố cổ đã được đặt ra từ lâu.
Nhà trong khu phố cổ Hà Nội hiện được cơi nới khá nhếch nhác. (Ảnh: L.Q.V)
Cho đến thời gian qua, việc xây dựng đề án giãn dân đã được quận Hoàn Kiếm khởi động và theo chỉ đạo của thành phố Hà Nội, đang tiếp thu các ý kiến của các sở, ngành để hoàn chỉnh, bổ sung trình các cấp, phấn đấu phê duyệt vào tháng 8/2011. Hà Nội cũng đã lập tổ chuyên gia nghiên cứu, đề xuất cơ chế ưu đãi về nhà ở và giá bán nhà cho đối tượng giãn dân, cơ chế kiểm soát, ngăn ngừa khả năng tăng dân số trở lại, cơ chế ưu đãi đối với nhà đầu tư xây dựng khu đô thị phục vụ giãn dân, đề xuất trách nhiệm các đơn vị có liên quan khi thực hiện đề án giãn dân phố cổ Hà Nội. Việc xây dựng đề án và kế hoạch triển khai công tác giãn dân phố cổ được đánh giá là có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị khu phố cổ, góp phần thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thủ đô.
- Ảnh bên : Một số ngôi nhà đã được cải tạo hoàn thiện theo “Dự án cải tạo chỉnh trang thí điểm đoạn phố Tạ Hiện” do Ban quản lý (BQL) phố cổ Hà Nội thực hiện với sự giúp đỡ của TP Toulouse (Pháp)
Được biết, đề án đưa ra nhiều giải pháp cho việc tổ chức di dân với công tác tuyên truyền, vận động, chuẩn bị quỹ nhà phục vụ di dân, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết đối với khu đất giãn dân, giải pháp thiết kế đối với nhà ở tại khu đất giãn dân; giải pháp về hình thành các dự án để thực hiện công tác di dân tại khu đất giãn dân; giải pháp cải tạo sử dụng những căn hộ thuộc diện di chuyển, giải phóng mặt bằng của đề án; giải pháp về phân kỳ đầu tư. Tuy nhiên, mục tiêu tạo điều kiện cho bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị phố cổ, nhà cổ vẫn chưa được coi trọng, khi không có đồng thời những biện pháp cải tạo nhà cổ trong và ngay sau khi giãn dân; cũng như còn thiếu những ý tưởng, kế hoạch phối hợp giữa chính quyền, cơ quan chuyên môn và các hộ dân trong việc sửa chữa, tôn tạo những ngôi nhà.
Tiếp đó là việc khai thác giá trị phố cổ ra sao sau khi đã giảm tải được cả lượng người lẫn phương tiện giao thông. KTS Nguyễn Trực Luyện - nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư VN - cho rằng, ngoài các yếu tố dân sinh khác, việc nghiên cứu các phương án cải tạo phố cổ rất cần được chú trọng. Nhiều ngôi nhà có những đặc điểm riêng, có quan hệ với đời sống các gia đình người dân trong khu vực qua hơn một thế hệ, việc sửa chữa, bảo vệ, phục hồi lại phần nào không khí sinh hoạt nhà cổ, phố cổ Hà Nội rất cần được thông suốt và phải nhận được sự đồng thuận của quần chúng.
Lưu Nguyễn
- Đấu giá khu đất vàng 164 Đồng Khởi: Không gian kiến trúc nào cho khu vực?
- Gầm cầu: đẹp và xấu
- Phát triển đô thị Hà Nội: Báo động sự mất cân đối
- Phố cổ Hà Nội không phải chỉ có kiến trúc cổ
- Quần thể di tích cổ giữa rừng bị đe dọa
- Tầm nhìn quy hoạch Thủ đô
- Từ Angkor Wat nghĩ về Việt Nam
- Làng sạch bóng tre
- Hà Nội: Khó di dời hàng nghìn hộ dân khỏi phố cổ
- Không thể né tránh mãi vấn đề đất đai