Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Tương tác Góc nhìn 7 tháng không điện nước ở chung cư cao cấp

7 tháng không điện nước ở chung cư cao cấp

Viết email In

Bảy tháng, từ khi chuyển về tòa nhà A6B, Nam Trung Yên, Cầu Giấy, Hà Nội,  những hộ dân sống tại đây rơi vào cảnh khốn cùng: không điện, không nước, không truyền hình cáp, internet và ngay cả “quyền công dân” cũng không được công nhận…

Chuyện thật mà cứ tưởng như bịa về hơn 50 hộ dân Hà Nội. Tòa nhà A6B, Nam Trung Yên, Cầu Giấy, Hà Nội ai nhìn cũng đều “mê” bởi dáng vẻ hiện đại, tiện nghi, giao thông thuận lợi. Thế nhưng chẳng ai ngờ rằng, bên trong tòa nhà, những hộ dân đang phải chịu cảnh "bốn không" với lý do là nhà thầu chưa bàn giao.

Khốn khổ trong toà nhà hiện đại

Ngay sau khi nhận được phản ánh của bà con, chúng tôi đến tòa nhà hiện đại này để xác minh. Lúc này trời sắp tối, bà con đang chạy tất tả chạy đi mua nước, xin điện thắp nhờ.

  • Ảnh bên : Tòa nhà A6B, Nam Trung Yên, Cầu Giấy, Hà Nội. 

Hơn 50 hộ dân này cách đây 7 tháng là những người dân sinh sống tại đường Lê Văn Lương kéo dài, thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân. Họ thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội tại thông báo 25/TB-UBND ngày 30/6/2010 về công tác giải phóng mặt bằng dự án đường Lê Văn Lương kéo dài nhằm tạo nên một diện mạo chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long. Mấy chục hộ dân được bố trí chuyển về sinh sống tại dãy nhà chung cư cao tầng A6B với sự háo hức vì có nơi ở mới rất hiện đại.

Thế nhưng, theo như lời anh Trần Văn Hùng, thì 7 tháng này gia đình anh phải bỏ tiền ra mua nước tinh khiết với giá 25.000 đồng một bình về sinh hoạt. Vì thế mọi sinh hoạt như tắm rửa, giặt, nấu ăn đều phải hạn chế. Anh Hùng bức xúc: “Chúng tôi phải câu điện từ công trường gần đó dùng tạm với giá 1500 đồng/kw. Đã thế, khi dùng quá tải là bị cắt, đến tivi, internet… còn không có mà dùng.” 

Nhiều người dân chán nản chỉ cho chúng tôi xem mấy mấy thùng phi hoen gỉ của ban dự án để lại cho bà con xin nước về đổ vào dùng.

Sinh hoạt đảo lộn

Cái khổ do không điện nước ở tòa nhà này khiến sinh hoạt đảo lộn. Khổ đến nỗi bà Hoà, ở tầng 3, có chồng ốm mấy tháng nay, mặc dù bệnh đã thuyên giảm, các bác sĩ cho xuất viện về nhà điều trị nhưng bà Hoà vẫn xin cho chồng ở lại bệnh viện với lý do về nhà điện không, nước không thì ông nhà lại càng thêm ốm…

  • Ảnh bên : Người dân phải mua nước đổ vào những thùng phuy này để dùng chung 

Bà Nguyễn Thị Ký, 62 tuổi, ở phòng 804, còn cho biết: “Vừa rồi tôi có đến công an phường Trung Hoà đăng ký tạm trú thì được đồng chí cảnh sát khu vực bảo “rất vui vì ý thức công dân cao, nhưng nhà A6B chưa cho đăng ký được, vì chưa bàn giao về quận Cầu Giấy”.

Bà Ký lại chạy lên quận Thanh Xuân, thì các đồng chí lãnh đạo bảo đã bàn giao giấy tờ văn bản đầy đủ cho Cầu Giấy. Với việc này, không riêng gì bà Ký mà tất cả các người dân ở tòa nhà này đều bị “bỏ rơi” kiểu như trên.

Biết kêu ai?

Người dân ở đây đã làm đơn gửi khắp các ban ngành Hà Nội, nhiều lần cử đại diện lên UBND thành phố Hà Nội, UBND quận Cầu Giấy và Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng đô thị, chủ đầu tư dự án đường Lê Văn Lương kéo dài, cơ quan chịu trách nhiệm di dân đến nơi định cư mới, thế nhưng cũng chỉ nhận được những lời hứa.

Quá bức xúc, bà con lại đem đơn lên Tập đoàn Nam Cường, đơn vị chủ quản thi công dự án nhà A6B nhưng lại nhận được câu trả lời kiểu thách thức rằng, thích thì cứ đi kiện. Khi nhóm PV có mặt, trước lời kêu cứu khẩn thiết của bà con, chúng tôi đã liên lạc với ông Phúc, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng đô thị nhưng không liên lạc được. Còn đại diện của Tập đoàn Nam Cường tại toà nhà A6B thì rất nhiệt tình với dân, nhưng lại không biết vì sao mọi thứ chậm trễ (!?).

Thành Văn

[ Chuyên đề : Chất lượng sống ở các khu đô thị mới

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo