Có thẩm định dự án hay không?

Thứ sáu, 22 Tháng 10 2010 01:58 TBKTSG
In

Năm 1996, chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright (gọi tắt là chương trình Fulbright) chính thức chiêu sinh khóa học về “kinh tế ứng dụng vào phân tích chính sách” ở Việt Nam. Tôi được may mắn tham dự khóa học này.

Lúc đó Fulbright là một chương trình đào tạo tiêu biểu không chỉ cung cấp kiến thức kinh tế thị trường chính thống mà còn ứng dụng chúng vào thực tiễn nền kinh tế Việt Nam. Trong chương trình, có một môn học rất hay là “Thẩm định dự án” (project appraisal). Để học được môn này, các học viên phải trải qua các môn kinh tế cơ bản như: kinh tế vĩ mô, kinh tế vi mô, kinh tế lượng và xác suất thống kê, tài chính kế toán... 

Mục tiêu của môn “Thẩm định dự án” là cung cấp những kiến thức và kỹ thuật để thẩm định một dự án đầu tư không chỉ về khía cạnh tài chính đơn thuần, mà còn về các khía cạnh kinh tế khác như tác động của dự án lên nền sản xuất địa phương (dự án tạo điều kiện phát triển công nghiệp phụ trợ, tạo thêm ngoại tệ do hướng vào xuất khẩu...), tác động lên lao động (dự án tạo thêm công ăn việc làm) hoặc tác động lên phúc lợi xã hội (dự án cung cấp nước sạnh, điện...).

Điều đáng nói là ở thời điểm đó, chương trình Fulbright đã đưa yếu tố môi trường vào trong môn học. Tôi còn nhớ lý thuyết môi trường được xác định đại ý là môi trường thiên nhiên khi bị phá hoại ở một mức độ giới hạn nào đó (ví dụ khoảng 60%) thì còn có thể hồi phục được, tuy nhiên chi phí thường tốn kém hơn lợi ích tài chính và lợi ích kinh tế mà dự án mang lại.

Còn nếu môi trường bị tàn phá nhiều hơn mức giới hạn cho phép thì không thể khôi phục được. Đó sẽ là một thảm họa (disaster - nguyên văn từ ngữ dùng trong chương trình). Chính vì vậy khi thẩm định các dự án đầu tư, người ta thường xem xét các yếu tố tác động đến môi trường và chi phí xử lý môi trường phải được tính đến trước khi thông qua.

Chương trình Fulbright cho đến nay đã đào tạo trên 10 khóa học và hàng ngàn học viên đã tiếp thu kiến thức này. Không những thế, hiện nay môn “Thẩm định dự án” đã được giảng dạy rộng khắp ở các viện, trường đại học ở Việt Nam cũng như các khóa đào tạo ngắn hạn. Thế nhưng, điều trớ trêu là càng ngày môi trường thiên nhiên của Việt Nam càng bị tàn phá nặng nề cùng với sự gia tăng của vốn đầu tư nước ngoài và sự tăng trưởng của nền kinh tế.

Nhiều chuyên gia kinh tế nói rằng sự kiện này, sự kiện kia là bài học cảnh tỉnh trong việc bảo vệ môi trường trước việc đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư nước ngoài, của toàn nền kinh tế. Thực tế chúng là kết quả tất yếu thì đúng hơn, khi chúng ta đã bỏ qua yếu tố môi trường trong thẩm định các dự án đầu tư, không chỉ của nhà đầu tư nước ngoài mà còn của nhà đầu tư trong nước.

Không nói chi đến nạn lũ bùn xa xôi, mới đây đi trên đường phố trong những ngày mưa ngập lụt, tôi phải chú ý để không lọt “hố tử thần” của một dự án đào đường vừa hoàn thành, lòng day dứt mãi về câu hỏi “người ta có thẩm định dự án hay không”?

Hoàng Ngọc


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: