Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Tương tác Góc nhìn Nhà rông thời "bê tông, cốt thép"

Nhà rông thời "bê tông, cốt thép"

Viết email In

Hầu hết những căn nhà rông xây dựng bằng xi măng, cốt thép ở nhiều buôn làng Gia Lai rơi vào tình trạng “đắp chiếu” quanh năm…

Trong khi nhà rông truyền thống đang dần bị mai một, phong trào xây dựng hàng loạt nhà rông văn hóa bằng bê tông, cốt thép lại chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người dân ở Tây Nguyên. Lý do được nhiều nhà nghiên cứu văn hóa chỉ ra là phong trào đang thiếu giá trị văn hóa tinh thần hay “phần hồn” ẩn chứa bên trong những căn nhà bê tông, cốt thép ít nhiều mang hơi hướng hiện đại này.

Nhà rông văn hóa bỏ không

Trước đây, tại tỉnh Gia Lai, các nhà rông văn hóa đều do Nhà nước bỏ tiền ra đầu tư xây dựng. Còn hiện nay, chính quyền khuyến khích các doanh nghiệp, đơn vị trên địa bàn tỉnh xây sẵn nhà rông bằng bê tông, cốt thép tặng cho các buôn làng.

  • Ảnh bên : Nhà rông văn hóa làng Pring Der (xã Gào, TP Pleiku) đóng cửa im ỉm suốt năm (Ảnh: D. Ngọc)

Có nhà rông, không hội họp

Cách TP Pleiku 20 km, xã Gào không chỉ được biết đến là vùng căn cứ nổi tiếng qua hai cuộc kháng chiến và hai lần được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, mà còn bởi có nhà rông văn hoá to nhất tỉnh.

Ngôi nhà rông cao chót vót, nằm ngay trong khuôn viên trụ sở UBND xã Gào không được làm bằng các vật liệu truyền thống thường thấy ở các nhà rông truyền thống, mà trông khá thô cứng với mái tôn và tường xi măng.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Phó bí thư Đảng uỷ xã Gào, cho biết: Đây là nhà rông của cả xã, được xây vào năm 2005, với kinh phí lên đến gần 1 tỷ đồng. Trong đó, UBND TP Hà Nội tặng 500 triệu đồng và TP Pleiku hỗ trợ thêm gần 500 triệu. Tuy nhiên, từ khi khánh thành đến nay, nhà rông bạc tỷ này rất hiếm khi mở cửa để… hội họp.

Trong khi đó, tại mỗi làng trong xã cũng có một nhà rông, nhỏ hơn, cũng được các đơn vị trên địa bàn xây tặng bằng xi măng, cốt thép, lợp tôn. Nhà rông các làng Pring Der, Gao Choang, Gao Nang, Gao Klăh đều có cùng một kiểu dáng với một chức năng làm nơi hội họp của thôn nhưng trống trơn và phủ đầy bụi không khác nhà bỏ hoang.

Cách đó khoảng vài chục cây số về hướng Bắc, nằm ngay trên Quốc lộ 14 từ TP Pleiku đi Kontum, nhà rông làng Brut Ngol (phường Yên Thế, TP Pleiku) từ lâu đã biến thành sân phơi “kiêm” nơi chăn thả trâu, bò.

Đây là nhà rông được Binh đoàn 15 xây tặng cho làng vào năm 2004. Già làng Rơ Chăm Ngơk phân trần: “Họ xây tặng thì mình nhận, nhưng đó không phải là nhà rông như trước kia đâu. Làng này từ lâu đã không còn nhà rông rồi. Đó là cái hội trường cho cán bộ thôn họp thôi. Lễ hội chỉ được tổ chức hôm khánh thành, sau đó thì chẳng có gì nữa”.

Đánh mất linh hồn

Nhà rông được xem như trái tim, nơi thực thi các luật tục, tiếp khách, diễn ra các sự kiện lớn của làng... Việc xây dựng nhà rông thường do các già làng đứng ra làm chủ, tính toán, phân công… Đó là công việc hêt sức hệ trọng và thiêng liêng mà mọi thành viên của làng đều cùng góp sức với nhau. Thanh niên trai tráng chưa vợ trong làng thường phải ra ngủ ở nhà rông vào ban đêm để canh gác cho làng. 

Theo số liệu của Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Gia Lai, trong tổng số hơn 700 nhà rông của cả tỉnh hiện có đến hơn 200 nhà rông văn hoá được xây cất theo kiểu trên và hầu hết chỉ “vui vẻ, náo nhiệt” trong ngày khánh thành, còn sau đó lâm vào cảnh “đắp chiếu”.

Xung quanh chủ trương xây dựng nhà rông văn hoá, đến nay vẫn tồn tại nhiều ý kiến trái chiều. Theo tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân (Trưởng phòng Nghiệp vụ văn hoá, Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch tỉnh Gia Lai), nhà rông văn hoá là một thiết chế văn hoá cần thiết bên cạnh nhà rông truyền thống, bổ sung cho những hạn chế của nhà rông truyền thống trong tình hình mới. Vấn đề hiện nay là các nhà rông văn hoá cần phải được sử dụng hiệu quả với mục đích tuyên truyền, đưa thông tin đến cho bà con các dân tộc thiểu số thay vì đóng cửa quanh năm suốt tháng.

Trong khi đó, ông Nguyễn Quang Tuệ, Phó giám đốc Bảo tàng Gia Lai lại băn khoăn với việc phát triển nhà rông văn hoá ồ ạt. “Ngay việc chọn vật liệu xây dựng nhà rông đã có vấn đề. Vào ngày nắng nóng, cứ thử chui vào một nhà rông văn hoá xây bằng xi măng, lợp tôn thì chắc chắn sẽ phải chạy ra ngay vì không chịu nổi cái nóng hầm hập. Sàn nhà chật hẹp, tráng xi măng nên khó tưởng tượng khi người dân tổ chức uống rượu cần mà rượu đổ ra sàn thì sẽ nhầy nhụa đến thế nào”, ông Tuệ nói và khẳng định người dân ít lui tới nhà rông bằng bê tông, cốt thép là điều dễ hiểu.

Do đó nên khuyến khích người dân tự làm nhà rông bằng vật liệu truyền thống, khơi dậy những giá trị văn hoá chứ không nên xây tặng sẵn những căn nhà rông theo kiểu “hình nộm” và cũng không nên “vẽ” ra các lễ hội chung của xã, cụm làng trong khi mỗi làng đã có lễ hội truyền thống riêng của mình.

Nhà rông là kiến trúc đặc trưng của một số dân tộc Bắc Tây Nguyên như: Bana, Xơ Đăng, Jarai… Một ngôi nhà rông truyền thống được làm chủ yếu từ chính những vật liệu của núi rừng Tây nguyên như cỏ tranh, tre, gỗ, mây… và được cất lên ở khoảng đất cao ráo nơi trung tâm của làng.

Rừng mất, nhà rông sắp hết

Nhiều người già ở các làng Tây Nguyên cũng chung nỗi niềm với A Kiui. Những cánh rừng quanh làng Kon Gur chỉ cách đây độ 5- 6 năm còn khá rậm rạp với những thân cây vươn thẳng, to khỏe. Vậy mà bây giờ chỉ còn lại những lô cao su thẳng tắp và rẫy mì.

  • Ảnh bên : Phải mất rất nhiều công sức và thời gian, nhà rông làng Kon Gur được dựng xong.

“Đỏ mắt” tìm tranh, gỗ

Già làng A Kiui dẫn khách đi thăm nhà rông của làng Kon Gur (xã Ngọc Wang, huyện Đắc Hà, Kon Tum). Ngôi nhà rông cao vút, to đẹp vào loại nhất vùng, được cả làng chung sức dựng lại năm 2005. “Làng đã chuẩn bị và làm trong suốt một năm trời mới xong!”, già làng A Kiui khoe.

Nhà rông của làng Kon Gur được chống đỡ bởi 8 cây cột to và hàng trăm cây tre cao vút níu nhau bởi sợi mây rừng, trông vừa mềm mại vừa rất chắn chắn. Vật liệu làm nhà rông truyền thống hầu hết được lấy trong tự nhiên, từ gỗ, tranh, tre, nứa đến dây rừng… Già A Kiui kể khi chuẩn bị làm nhà rông này, dân làng lo lắm. Không biết lấy đâu ra gỗ để làm cột chính, làm sàn. Núi Ngọc Hokikapô ở gần làng hết sạch gỗ, nên làng phải làm đơn xin chính quyền cho khai thác gỗ ở tận núi Ngọc K’réo. Trai tráng trong làng phải vào rừng đốn gỗ, rồi lòn dây rừng vận chuyển về làng suốt hàng tháng trời. Có gỗ rồi cũng chưa xong, phải có tranh để lợp. Dân làng lại phải cõng gùi đi rất xa mới lấy được tranh làm mái nhà rông.

Làm được cái nhà rông, cả làng vui lắm, như trút được gánh nặng. Bao nhiêu công sức khó nhọc chứ đâu phải dễ. Làng tổ chức uống rượu cần, ăn mừng nhà rông mới suốt mấy đêm liền”. Câu chuyện vui chỉ dừng ở đó, già A Kiui quay ra vỗ vỗ vào cột nhà rông, buồn rầu nói: “Mấy cái trụ gỗ này mà hư thì chẳng biết phải làm sao nữa. Mấy năm trước vào rừng sâu còn kiếm được, chứ bây giờ thì chịu, hết hẳn rồi. Rừng cứ lùi mãi thế này thì nhà rông cũng khó mà trụ được!”.

Ngay cả rễ cây hrê blo, cây ham dùng để lên men với gạo, bắp làm rượu cần theo truyền thống của người Xơ Đăng hiện cũng rất khó kiếm. Bây giờ, mỗi khi làng có lễ hội lớn, muốn có nhiều rượu cần, dân làng lại phải mang gùi đi khắp nơi tìm từng cọng rễ, có khi phải chuẩn bị từ trước đó rất lâu thì may ra mới có đủ để làm rượu cần. 

Trong cảnh hoang phế

Những ngôi nhà rông ở các làng gần Kon Gur như Kon Rế, Kon Jri, Kon Ho Tiu… tuy mới sửa lại cách đây vài năm nhưng đã bắt đầu lâm vào tình trang hư hỏng, dột nát. Nguyên nhân là do hiếm tranh nên mái nhà rông được lợp quá mỏng, chỉ sau vài mùa mưa là mục hết. Nước mưa thấm xuống làm hư hại đến sàn, cột gỗ. Để sửa sang lại không dễ dàng bởi chẳng biết tìm tranh ở đâu.

Đứng trong nhà rông làng Kon Rế nhìn lên mái có thể thấy ánh mặt trời rọi xuống qua những lổ thủng to nhỏ. Già làng A Hé hết sức lo lắng: “Phải sửa lại thôi, chắc phải rất lâu mới kiếm đủ tranh, phải cõng gùi đi xa lắm!”.

Không riêng gì các làng ở xã Ngọc Wang, nhiều nhà rông truyền thống ở Kon Tum, Gia Lai cũng lâm vào cảnh tương tự. Từ quốc lộ 14 chạy lên hướng các xã Ia Kươl, Đăk Tơ Ver, Hà Tây… của huyện Chư Păh (Gia Lai), chúng tôi cũng chứng kiến nhiều nhà rông cao vút đang trong tình trạng hư hỏng nặng. Nhà rông làng Tơ Ver (xã Ia Khươl) nằm xơ xác bên con đường cái chạy qua làng, mái tranh mục nát, thủng lỗ chỗ, vách bong ra từng mảng trống hoác. Những ngôi nhà rông của các làng khác gần đó cũng rệu rã không kém.

Nhịp sống mới khiến nhiều người dân dường như không còn thiết tha với nhà rông. Rừng không còn, dân làng cũng không thể nghĩ đến chuyện sửa chữa, tu bổ nhà rông hư hỏng. Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân, Trưởng phòng Nghiệp vụ văn hoá, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Gia Lai kể, tại Festival cồng chiêng Tây Nguyên vừa qua, ban tổ chức muốn làm một mô hình nhà rông trong thành phố để phục vụ lễ hội, cũng phải thuê người sang Kon Tum mới tìm được tranh để mang về.

Buổi chiều, khi mặt trời đã khuất sau mái nhà rông của làng Kon Gur, già làng A Kiui lại lụi cụi vào rẫy thăm bẫy chuột. Những chiếc bẫy giúp già A Kiui tìm lại chút niềm vui trong ký ức về thời trai trẻ với những cuộc đi săn, những cuộc rượu cần thâu đêm bên bếp lửa… Ngày đó, rừng vẫn còn rậm rạp, thâm u bao bọc, giữ gìn cho những giá trị văn hóa đặc sắc của Tây Nguyên.

Nơi nhà rông vẫn “sống”

Chạy dọc theo con đường từ Quốc lộ 14 lên xã Hà Tây, thấy cám cảnh trước rất nhiều ngôi nhà rông rách nát, bị dân làng bỏ bê. Nhưng khi qua một con dốc quanh co, vào đến địa phận xã Hà Tây, hiện ra trước mắt chúng tôi là những ngôi nhà rông cao vút đầy kiêu hãnh. Xã có 9 làng người Bahnar, làng nào cũng có nhà rông to đẹp, làm bằng vật liệu tự nhiên truyền thống để người dân lui tới sinh hoạt.

  • Ảnh bên : Làng Kon Băh (xã Hà Tây, huyện Chư Păh, Gia Lai) mừng nhà rông mới (Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ)

Niềm tự hào của Kon Băh

“Nhà rông này to đẹp nhất vùng đấy, làng mới làm xong và khánh thành cuối năm ngoái”, anh MaDay, Chủ tịch xã Hà Tây, cũng là con dân của làng Kon Băh, hồ hởi khoe với khách.

Ngôi nhà rông nằm trên một khoảng đất rộng ở trung tâm của làng Kon Băh, mái ngạo nghễ vươn thẳng lên nền trời. Cột chính của nhà là những thân gỗ trắc to bằng người ôm. Già làng Iưh giải thích: “Mấy cây gỗ quý này được làng để dành sẵn từ 7- 8 năm trước. Hồi đó, vẫn còn dễ tìm những thân gỗ quý trong rừng. Bây giờ bói cũng không ra đâu”. Nhiều người biết làng Kon Băh có mấy thân gỗ quý, đến hỏi mua, trả giá đến hàng trăm triệu. Nhưng làng nhất quyết không bán, để dành làm nhà rông.

Làng Kon Băh chỉ chưa đầy 100 hộ dân. Nhìn ngôi nhà rông đồ sộ, mái tranh dày mới lợp còn thơm nức kết nhau bởi mây rừng đều tăm tắp thì đủ biết dân làng đã bỏ công, bỏ sức đến mức nào. Hà Tây nằm khá xa TP. Pleiku, nhưng tìm được tranh, tre, lồ ô, mây rừng… ở đây cũng chẳng dễ. Dù vậy, già làng đã quyết, dân làng cũng đồng tình phải làm cho bằng được ngôi nhà rông thật đẹp, bằng những vật liệu truyền thống chứ không chấp nhận kiểu nhà rông xây chóng vánh bằng bê tông, lợp tôn như các làng ở xã khác. “Khó tìm được nguyên vật liệu nên cứ chuẩn bị dần dần thôi, bao giờ đủ thì mình làm. Làm nhà rông là việc trọng đại của làng, bà con quyết tâm góp sức làm là được!”, già làng Iưh nói với giọng tự hào.

Trước khi dựng nhà rông, già làng Iưh nhẩm tính hết lượng tranh, tre rồi phân công cho mọi người trong làng cùng nhau chuẩn bị. Đàn bà, con gái trong làng tranh thủ buổi chiều khi đi rẫy về thì gùi theo một gùi tranh. Trai làng lo chuẩn bị cho đủ số tre, số gỗ. Hễ vào ngày nông nhàn, dân làng lại tập trung cùng chẻ tre, mây, đan lát, dựng trụ… Hiếm ai vắng mặt, bởi chung sức dựng nhà rông là trách nhiệm và niềm tự hào của người dân trong làng.

Qua nhiều mùa rẫy, nhà rông của làng Kon Băh cũng được dựng xong, đứng đâu trong làng cũng nhìn thấy mái nhà rông vút thẳng lên trời. Làng mở hội, đánh cồng chiêng, uống rượu cần suốt đêm. Già làng Iưh xúc động kể: “Những người già là vui nhất, vì mơ ước bấy lâu đã thành sự thực!”.

  • Ảnh bên : Nhà rông làng Kon Hơngleh (Chư Păh) (ảnh: Duy Ngọc)

“Trái tim” của làng vẫn đập

Cách nhà rông làng Kon Băh không xa, nhà rông của các làng Kon Sơ Lăng, Kon Măh, Kon Hơngleh… cũng có mái tranh cao vút, mềm mại. Buổi trưa, nằm nghỉ trong nhà rông của làng Kon Hơngleh, nhìn lên mái không khỏi cảm thấy rờn rợn bởi những thân tre dài vươn thẳng lên sâu hút và tiếng kẽo kẹt thỉnh thoảng lại phát ra khi một cơn gió núi thổi qua. Nhưng già làng Khyer vội cười, trấn an: “Cứ yên tâm ngủ một giấc đi, nhà rông là nơi vững chãi nhất làng đó. Cơn bão số 9 vừa rồi, cây cối đổ hết, nhà dân cũng hư hại nhiều lắm, nhưng các nhà rông ở quanh đây thì không mất một tấm tranh nào cả!”.

Bên cạnh trụ sở UBND xã Hà Tây cũng có một “nhà rông văn hoá” bằng bê tông, lợp tôn do một doanh nghiệp trên địa bàn xây tặng. Chủ tịch UBND xã MaDay tiết lộ: “Mình cho họ 100 ha đất trồng cao su thì họ “biếu” lại mình cái nhà rông đó, họ xây tốn 150 triệu đồng. Cũng để đó thôi chứ không biết dùng làm gì, dân làng không tới đâu!”. Hiện tại, nhà rông này đang được cải tạo để cho công nhân của một đơn vị đang làm thuỷ điện gần đó mượn ở tạm. Một sự đối nghịch rất rõ, bởi những nhà rông truyền thống bằng tranh tre trong các làng đều do người dân tự góp công góp của dựng lên.

Rời làng Kon Hơngleh, chúng tôi sang thăm làng Kon Sơ Bai. Trèo lên bậc thang, bước qua cửa nhà rông cùng già làng Neih, ấn tượng đầu tiên là không khí mát rượi dễ chịu chứ không nóng hầm hập như khi vào trong ngôi “nhà rông văn hoá” bằng bê tông của xã. Ở một góc nhà có nhiều tấm chiếu được cuộn lại cẩn thận để mỗi đêm trai làng chưa vợ ra đây nằm ngủ như tập tục từ bao đời nay. Khói vẫn toả lên từ bếp lửa trên sàn nhà rông để cho khách đường xa biết rằng nhà rông này - “trái tim” của làng vẫn còn đập. 

Duy Ngọc

[ Chuyên đề: Kiến trúc nông thôn

 

Lời bình  

 
0 # Nguyễn Lê Việt Hoàng 02/01/2012 18:10
Phải bảo vệ nhả rông chứ .Cứ để nguyên không lẽ phá hoại "trái tim" bấy lâu nay .Chán mấy người bỏ nhà rông.
Trả lời | Trả lời kèm trích dẫn | Trích dẫn
 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo