Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Tương tác Góc nhìn Nhà văn hóa và thư viện

Nhà văn hóa và thư viện

Viết email In

Theo các báo địa phương khu vực miền Trung, đến nay nhiều nhà văn hóa ở cấp thôn, xã, khu phố đã được đầu tư xây dựng khang trang trên diện tích rộng nhưng do không được duy trì sinh hoạt thường xuyên nên trở thành hoang vắng và nhếch nhác, thậm chí gây lãng phí.

Nhiều thư viện cấp tỉnh, thành phố tiếp nhận mỗi năm từ 5 đến 7 nghìn đầu sách mới, tuy nhiên, do thiếu nhà kho nên sách mới vào, sách cũ hoặc sách ít luân chuyển lại phải xếp cất đi, bạn đọc cần tra cứu vẫn tìm không thấy và rất bức xúc... Hàng chục nghìn cuốn sách của các thư viện phải tạm “nghỉ hưu”, không thể đến được tay bạn đọc, không phát huy được tính hữu dụng của mình.

  • Ảnh minh họa: Phối cảnh ngoài mô hình nhà văn hóa Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An do cán bộ, công nhân viên Viettel đóng góp đầu tư xây dựng (Ảnh: LTM/cpv.org.vn)

Trước hết xin được nói đến tình trạng hình thức và lãng phí của các nhà văn hóa cơ sở. Nếu tính bình quân mỗi nhà văn hóa có diện tích 150 mét vuông thôi, thì vốn xây dựng (tiêu chuẩn cấp 4) cho mỗi cái cũng lên đến vài trăm triệu, chưa kể trang thiết bị bên trong. Một quận như Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) có trên 20 nhà văn hóa thì số tiền bỏ ra xây dựng cũng lên đến 4-5 tỉ đồng. Dù là nguồn ngân sách hay đóng góp của dân thì đều là tiền cả, nhưng lại chỉ dành cho cán bộ thôn làm việc và tổ dân phố họp thì vô cùng lãng phí. Cứ theo “bảng hiệu”, thì nhà văn hóa phải là nơi diễn ra mọi hoạt động văn hóa của cộng đồng như là nơi sinh hoạt của các câu lạc bộ, các đội văn nghệ quần chúng, nơi đọc sách báo hằng ngày của cư dân... Chúng tôi đã từng đến nhiều nhà văn hóa cấp thôn và cả những bưu điện văn hóa cấp xã, thì quả những nơi đó đều nặng tính phô trương, chỉ xây dựng cho có, nhưng nội dung hoạt động chỉ là con số không. Có nơi luôn cửa đóng then cài, muốn vào tìm hiểu thôi cũng đã khó. Khi có việc cần mở cửa, đi tìm người giữ chìa khóa đã khó!

Đối với trường hợp các thư viện: Ai cũng biết đó là một kho báu, là nơi giữ gìn và kết nối tri thức từ quá khứ đến tương lai, mà tương lai chúng ta chỉ có thể giàu có hơn nếu được bắt rễ từ quá khứ. Một nhà văn hóa phương Tây từng nói “thư viện còn là một thiên đường dẫn đến tương lai”. Thế nhưng, nhiều thư viện hiện nay ở các tỉnh, thành vẫn chưa tương xứng với những mong đợi đó. Hãy lấy Đà Nẵng làm một ví dụ. Đà Nẵng là một đô thị lớn có một lịch sử vẻ vang và một nền văn hóa lâu đời, nhưng bao lâu rồi Đà Nẵng vẫn chưa có một thư viện đúng nghĩa và xứng với tầm vóc cũng như ước vọng của người dân. Thư viện cũ hiện đang “được quy hoạch” cho một công trình khác trong khi thư viện mới vẫn còn trên bản vẽ. Hàng chục vạn bản sách không được bảo quản đúng quy định vì không có nhà kho, phương tiện, nói gì đến để tra khảo, nghiên cứu...

Một điều khác cũng khá quan trọng mà các nhà quản lý đã quên: Xây dựng phải luôn đi đôi với cải tạo, phá bỏ cái cũ phải đồng thời với tạo dựng cái mới. Trường hợp quy hoạch, xây dựng thư viện ở thành phố Đà Nẵng như mô tả là một minh chứng. Hay là chúng ta không cần đến quá khứ “đã khô cứng” trong những cuốn sách kia? 

Trương Điện Thắng

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo