Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Tương tác Góc nhìn Ứng xử thế nào với Sa Pa?

Ứng xử thế nào với Sa Pa?

Viết email In

Đề án thành lập thị xã Sa Pa và các phường thuộc thị xã Sa Pa trên cơ sở sắp xếp, sáp nhập và điều chỉnh các đơn vị hành chính cấp xã thuộc huyện Sa Pa vừa được Chính phủ xem xét, cho ý kiến.

Đây là cuộc làm việc thứ hai của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong vòng 2 năm qua về việc nâng cấp huyện Sa Pa thành thị xã Sa Pa, địa danh có lịch sử 115 năm hình thành và phát triển, có bản sắc văn hóa phong phú, đa dạng của 6 dân tộc Kinh, Mông, Dao, Tày, Giáy, Xa Phó.

Thực tế cho thấy, trong hơn 115 năm qua, đặc biệt trong vòng hơn 20 năm gần đây, Sa Pa đã có sự thay đổi lớn về mọi mặt. Trước sức ép phát triển, thị trấn Sa Pa đang phải đáp ứng bằng cách không ngừng mở rộng và tăng mật độ đô thị. Vùng trung tâm thị trấn cũ với những di sản đô thị quan trọng nhanh chóng bị quá tải. Hình thái và cấu trúc đô thị đặc trưng từ trăm năm nay có nguy cơ bị phá vỡ nếu không có một giải pháp không gian đô thị và kinh tế xã hội phù hợp.

Những khảo sát và đánh giá của các nhà khoa học cho thấy, bài học chính rút ra từ sự phát triển gần đây của thị trấn hiện tại đang phát triển và đang tăng mật độ, đó là một sự phát triển nhanh chóng và bừa bãi của các công trình xây dựng trong khu trung tâm phố cổ, dọc theo các trục đường chính, và trong các khu phố biệt thự thuộc Pháp đang có nguy cơ phá hỏng đáng kể cấu trúc và không gian khu phố cổ. Việc phá bỏ những vườn cây tư nhân làm mất đi vẻ đẹp vốn có của các khu vườn trong các khu phố biệt thự. Việc tiến hành san gạt các đồi cây, xây dựng các ngôi nhà ống dẫn đến phá hỏng cảnh đẹp toàn thị trấn. Nếu xu thế xây dựng hiện tại vẫn tiếp tục thì sự quyến rũ của thị trấn nghỉ mát sẽ bị giảm đi và không đáp ứng được mong đợi của du khách nội địa cũng như quốc tế.

Chính điều này cũng được Thủ tướng nhắc đến và yêu cầu Lào Cai tiếp tục phát triển và bảo vệ rừng, giữ gìn vẻ đẹp hoang sơ, màu xanh của Sa Pa. Cần thu hút phát triển với chất lượng cao hơn, chú trọng quốc phòng - an ninh, đoàn kết dân tộc.

Ở một khía cạnh khác, không chỉ do con người tác động, những biểu hiện thời tiết ngày càng bất thường do biến đổi khí hậu mang lại cũng đang khiến Sa Pa trở nên mong manh. Ở Sa Pa, biến đổi khí hậu được thể hiện qua hiện tượng nhiệt độ tăng và các hiện tượng thời tiết cực đoan như sự thay đổi cực nhiệt độ, nắng nóng kéo dài hơn, rét đậm kéo dài hơn, mưa lớn tập trung hơn nhưng cũng có những đợt khô hạn kéo dài hơn. Mưa lớn tập trung dễ dẫn đến lũ lụt, lũ ống/lũ quét.

Sa Pa được đặc trưng bởi địa hình phức tạp và có ít diện tích đất canh tác. Một số biểu hiện của biến đổi khí hậu như sạt lở đất, lũ quét làm mất diện tích đất canh tác làm hạn chế nguồn vốn sinh kế cho người dân, đặc biệt là người nghèo. Hạn hán, rét đậm rét hại làm giảm hoặc phá hủy các diện tích đã được gieo trồng từ đó giảm sản lượng lương thực sản xuất được.

Không những làm mất diện tích đất canh tác, biến đổi khí hậu làm suy thoái đất từ đó làm thay đổi hình thức sử dụng đất dẫn đến thay đổi phân bố cây trồng và giảm năng suất. Sự thay đổi phân bố cây trồng nhiều khi không được theo kịp bởi người dân hay các chính sách hỗ trợ của Chính phủ.

Phát triển Sa Pa thành trung tâm du lịch lớn của Lào Cai, cả nước và khu vực Đông Nam Á là mong muốn của tất thảy các cấp. Nhưng nâng cấp quy mô đô thị cho Sa Pa liệu có phải là hướng đi thích hợp và có đáp ứng yêu cầu như mong muốn?

Rõ ràng, mọi giải pháp hướng đến sự phát triển nhanh, đồng bộ hóa, đều có thể dẫn đến những hậu quả là sự chà đạp, làm mai một, thậm chí làm biến mất các di sản văn hóa vô giá đã được xây dựng suốt hàng trăm năm ở Sa Pa.

Ngọc Lý

(Báo Xây dựng)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo