Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Tương tác Góc nhìn Khơi mở những di sản đô thị

Khơi mở những di sản đô thị

Viết email In

Bản sắc đô thị có sự góp phần khá lớn của những di sản kiến trúc. Tuy nhiên, bên cạnh những kiến trúc lâu đời, các công trình mới có dấu ấn của địa phương cũng đang được xem xét để nhìn nhận như một di sản mới...

Ý tưởng này của ông Nguyễn Chí Trung - Giám đốc Trung tâm Quản lý và bảo tồn di sản văn hóa Hội An đưa ra, khi ông cho rằng, di sản kiến trúc đô thị cần được nhìn nhận rộng hơn, kể cả các công trình có dấu ấn của thế kỷ 20, 21, chứ không nên chỉ bó hẹp di sản ở các công trình của các thế kỷ sớm hơn...


Đô thị cổ Hội An, nơi có nhiều di sản kiến trúc cổ và cận - hiện đại.
(Ảnh: Lê Quân)

Di sản từ tâm thức

Không chỉ có các công trình kiến trúc hoặc di tích xếp hạng mới được đưa vào danh mục di sản. Ở góc độ xã hội, nhiều loại hình kiến trúc gắn bó với đời sống cư dân tại vùng đất, và trở thành “ký ức” của nhiều thế hệ. Cũng như sẽ là công trình định danh khi nhắc đến vùng đất. Người Vĩnh Điện vẫn thường nhắc về nhau về một cây cầu cùng tên phố bắc qua con sông đào, một ngôi trường THPT tuổi đời đã hơn 60 năm. Đó là các công trình ở đô thị mang dấu ấn kiến trúc cận - hiện đại và chủ yếu là gắn bó với đời sống cư dân đô thị. Cũng như vậy, dẫu không đặc sắc về mặt kiến trúc hay nghệ thuật, nhưng rất nhiều công trình kiến trúc gắn bó mật thiết với đời sống cư dân, và nghiễm nhiên là “di sản” trong lòng mọi thế hệ trưởng thành.

TS-KTS. Trần Quốc Bảo, thành viên của nhóm nghiên cứu kiến trúc Hà Nội cận - hiện đại chia sẻ, việc bảo tồn di sản kiến trúc cận - hiện đại chưa được xếp hạng di tích nhưng đang góp phần tạo dựng bản sắc các đô thị là một vấn đề cần được giải quyết cấp bách trong giai đoạn các đô thị Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ. Theo ông, trong quá trình phát triển kinh tế và đô thị hiện nay, vấn đề bảo tồn di sản kiến trúc cận - hiện đại đang là một thách thức lớn, đặc biệt phần lớn các công trình thuộc bộ phận di sản này chưa được xếp hạng di tích và hiện vẫn được sử dụng. “Bảo tồn trong quá trình phát triển đô thị bền vững - Bảo tồn bền vững. Nếu phát triển đô thị bền vững hướng tới một tương lai không phải trả giá bởi các hoạt động xây dựng ồ ạt và thiếu kiểm soát, thì bảo tồn bền vững nhìn nhận về một tương lai trong đó các giá trị di sản kiến trúc đô thị không bị nghèo đi trong quá trình phát triển mà ngược lại còn được làm giàu lên do điều kiện bảo tồn tốt hơn, góp phần tạo dựng bản sắc các đô thị” - KTS. Trần Quốc Bảo nói.

Cũng như vậy, trong quy hoạch phát triển chuỗi đô thị ở Quảng Nam, theo các nhà nghiên cứu văn hóa, các điều kiện tự nhiên và di sản văn hóa cần được nhận thức như là một vốn quý, bao gồm vốn tài nguyên thiên nhiên và vốn văn hóa. Vốn liếng này không những cần được bảo tồn mà còn cần được phát huy để phục vụ nhu cầu phát triển chuỗi đô thị với tư cách là nguồn động lực của phát triển. “Việc bảo tồn kiến trúc công trình và bảo tồn quy hoạch - cảnh quan phải được tiến hành song song và cần được các cấp chính quyền quan tâm đầy đủ, có như vậy việc bảo tồn di sản kiến trúc nhằm tạo dựng bản sắc đô thị mới mang lại hiệu quả mong muốn. Triết lý quy hoạch phát triển chuỗi đô thị ở Quảng Nam cần được triển khai là: Tạo lập và duy trì sự hài hòa - cân bằng động giữa sinh thái - văn hóa và kinh tế. Đó cũng là triết lý quy hoạch cần được tôn trọng trong quá trình phát triển hệ thống đô thị ở Việt Nam” - PGS-TS. Đặng Văn Bài - Hội Di sản Việt Nam cho biết.


Không gian xanh ở TP. Tam Kỳ - nơi hoàn toàn có thể phát triển thành một không gian văn hoá của đô thị.
(Ảnh: Lê Quân)

Không gian đô thị

Một nhận thức mới về bản sắc đô thị vừa được các nhà đô thị học nhìn nhận, chính là không gian cảnh quan bên cạnh các công trình kiến trúc mang dấu ấn đô thị. Việc gìn giữ không gian sinh hoạt truyền thống từ lâu đã được nhìn nhận là yếu tố góp phần làm nên linh hồn của một vùng đất. Tuy nhiên, các sáng kiến về cảnh quan đô thị trong thời gian gần đây đã đưa đến một quan điểm mới về câu chuyện hình thành nên không gian đô thị. Ngay ở trung tâm TP.Tam Kỳ, một con đường bích họa dựa trên những mảng tường trống của một ngôi trường THCS đã khiến nhiều người thích thú tìm đến. Đó được gọi là sáng kiến đô thị nhằm hình thành một không gian cảnh quan kết nối người dân đô thị. Nhân ngày Đô thị Việt Nam năm nay (8/11), Trung tâm Sáng kiến Đô thị (UIHub) vừa được Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam quyết định thành lập nhằm triển khai các hoạt động kết nối, hỗ trợ, thúc đẩy các sáng kiến và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực phát triển đô thị. 

Người dân kỳ vọng vào những ý tưởng táo bạo để hình thành không gian sống của mình, sẽ đến một lúc nào đó được kết nối cùng không gian của cộng đồng. Các đô thị ngày một rộng mở và số lượng người từ khắp nơi tìm về sẽ tăng lên hàng ngày. Dung hòa câu chuyện giữa bản sắc địa phương và văn hóa người dân nhập cư mang đến vùng đất cũng là một câu chuyện khó. Và vấn đề quản lý không gian đô thị cũng là câu chuyện để các địa phương phải suy xét. Ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho biết, Hội An đang bị “tấm áo” chính sách quá chật để có thể quản lý và thực hiện chế tài những hộ kinh doanh xâm phạm về không gian chung của phố cổ. “Cần một cây gậy pháp lý” là điều mà chính quyền Hội An đang trông chờ để có thể quản lý tốt hơn địa phương mình.

Một đô thị phát triển không chỉ là nơi đáp ứng tốt các nhu cầu tối thiểu của cuộc sống. Mỗi ngày, khi cuộc sống càng phát triển hơn, các dấu ấn văn hóa càng là phương thức để mỗi vùng đất tự làm nên bản sắc của mình. Nếu không có nhiều các công trình kiến trúc cổ hoặc các không gian kiến trúc mang tầm vóc, thì hẳn, ít ra phải có những không gian để người ở đô thị kết nối và sinh hoạt văn hóa, những thiết chế đáp ứng nhu cầu giải trí về văn hóa tinh thần. Đây cũng sẽ là những di sản đô thị trong tương lai. Điều này xem chừng là câu chuyện còn khá thiếu vắng ở hầu như các thị trấn, thị xã của Quảng Nam. Và ngay cả ở TP.Tam Kỳ - thành phố tỉnh lỵ...

Lê Quân

(Báo Quảng Nam)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo