Ashui.com

Friday
Mar 29th

Món nợ BT

Viết email In

Bộ Tài chính vừa tổ chức họp báo về việc Chính phủ chậm trễ ban hành nghị định về sử dụng tài sản công để thanh toán cho các nhà đầu tư theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT). Đây là nghị định cần có để hướng dẫn thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2018.

Cuộc họp báo này diễn ra trong bối cảnh mới đây, ngày 24/9/2018, tại Hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức, đại diện TPHCM và Hà Nội tỏ ra bức xúc, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư với chức năng thúc đẩy đầu tư sớm tìm cách tháo gỡ cho địa phương được sử dụng quỹ đất để thanh toán cho các nhà đầu tư thực hiện dự án BT. Trước đó nữa, Bộ Tài chính đã có mấy công văn đề nghị UBND các tỉnh thành trong cả nước tạm dừng xem xét, quyết định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư từ ngày 1/1/2018. 


Đấu thầu chọn được nhà đầu tư có năng lực và… trong sạch cũng là một trong các điều kiện cần để hạn chế sự trục lợi, để giá đất có thể theo… thị trường chứ không theo… nhà đầu tư.
(Ảnh: TBKTSG) 

Dư luận phản ứng với việc chậm trễ ban hành nghị định hướng dẫn luật (Bộ Tài chính đã soạn và trình nhưng chưa được Chính phủ ban hành, phải làm lại) khiến việc đầu tư theo hình thức BT thanh toán bằng quỹ đất bị ngưng trệ, gây thiệt hại cho địa phương, nhà đầu tư đang thực hiện dự án trong khi nhu cầu đầu tư các dự án hạ tầng rất lớn mà vốn ngân sách không đáp ứng nổi. Họ phản ứng với cách “chữa cháy”, điều hành bằng… công văn không đúng thể thức trật tự quy phạm pháp luật của Bộ Tài chính. Đúng là “Không thể bắt cuộc sống đợi pháp luật!”, nhất là khi cuộc sống đó - loại hình đầu tư BT- đã tồn tại từ trước khi Luật Quản lý, sử dụng tài sản công ra đời, còn được điều chỉnh bởi những luật và nghị định khác. Mặc dù Bộ Tài chính đã giải thích rằng mình chỉ quản lý khâu thanh toán, chứ không phải là dừng dự án BT, nhưng việc tách bạch các khâu trong quá trình đầu tư là bất khả thi vì rủi ro rất lớn, nhất là khi cho tới giờ, Bộ Tài chính cũng không cho biết việc tạm dừng thanh toán sẽ kéo dài bao lâu. 

Để giảm một phần “khoảng trống pháp lý” này, Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ dự thảo nghị quyết về việc thanh toán cho nhà đầu tư dự án BT dạng “đổi đất lấy hạ tầng” đã ký kết hợp đồng trước ngày 1/1/2018 theo hướng được thanh toán theo hợp đồng và theo nguyên tắc ngang giá. Nhưng khoảng trống pháp lý mênh mông đối với thì tương lai vẫn còn đó, nên cách tốt nhất là Bộ Tài chính và Chính phủ phải nhanh chóng soạn thảo và ban hành nghị định hướng dẫn thi hành luật.

Sau khi bức tranh đầu tư theo hình thức BT, chủ yếu dưới dạng đổi đất lấy hạ tầng, được mổ xẻ qua các cuộc thanh tra, kiểm toán, giám sát, ai cũng thấy những lỗ hổng lợi ích nhóm của nó, những nguy cơ và thực tế thất thoát, lãng phí, tham nhũng... Cơ chế định giá đất thanh toán là thủ phạm chính khoét sâu lỗ hổng đó, nhất là khi việc này được thực hiện chỉ bởi hai bên trong một hợp đồng được bảo mật ngoài sự giám sát của dân chúng. Bộ Tài chính cho biết trong nghị định sắp tới, giá đất thanh toán dự án BT sẽ theo giá thị trường, tính theo mục đích sử dụng mới (theo quy hoạch mới).

Đó là cách tiếp cận đúng để lấp lỗ hổng, nhưng cũng là cách tiếp cận không dễ trong điều kiện khung pháp lý chung và thực tiễn thực thi hiện hay. Xác định giá đất theo… giá thị trường là mục tiêu được đặt ra gần đây, áp dụng cho nhiều lĩnh vực khác như định giá cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước hay bồi thường trong các dự án đầu tư kinh tế, nhưng nó luôn gặp trục trặc với nghi ngờ Nhà nước hay người bị thu hồi đất chịu thiệt. Dù có nhiều phương pháp tính giá đất đến đâu đi nữa thì cách… thị trường nhất là để cho… thị trường quyết định, thông qua đấu giá công khai, thực chất. Nếu vậy thì hình dung về dự án BT sẽ khác hoặc ta không coi đó là BT nữa. Như khi ta tiến hành đấu giá đất để lấy tiền thanh toán cho nhà đầu tư dự án BT, họ có thể là một bên tham gia vào quá trình đấu giá này. Vậy thì miếng đất có thể trở thành “tài sản bảo đảm” bằng tiền chứ không còn bằng đất để thanh toán hợp đồng BT. Việc giành được quyền thực hiện hợp đồng BT và việc “làm chủ” miếng đất là khác nhau, qua hai quy trình khác nhau là đấu thầu và đấu giá.

Đấu thầu chọn được nhà đầu tư có năng lực và… trong sạch cũng là một trong các điều kiện cần để hạn chế sự trục lợi, để giá đất có thể theo… thị trường chứ không theo… nhà đầu tư. Việc đơn giản hơn này chúng ta cũng chưa làm được triệt để. Nếu việc soạn thảo luật về đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) mà BT là một dạng thức được khởi động sớm thì Bộ Tài chính sẽ đỡ vất vả hơn trong nỗ lực quản lý tài sản công của mình, việc phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong các khâu của quá trình đầu tư sẽ đồng bộ, thông suốt hơn. Và, như ta đã thấy, vấn đề của PPP nói chung hay BT nói riêng không chỉ nằm ở khâu thanh toán. 

Đó không chỉ là món nợ với các địa phương và chủ đầu tư đang khát đầu tư mà còn là món nợ với người dân - với tài sản công, tiền thuế của họ, và không chỉ của riêng Bộ Tài chính. 

Nguyên Lê 

(TBKTSG) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo